Dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo, xử lý nhưng thời gian qua trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, YouTube…) thuốc đặc trị vẫn được quảng cáo, bán tràn lan. Do thiếu hiểu biết nhiều bệnh nhân đã phải mất tiền oan, thậm chí các bệnh viện ngày càng ghi nhận thêm nhiều bệnh nhân gặp phải biến chứng vì dùng các loại thuốc trôi nổi này.
Ám ảnh điệp khúc “Nhà tôi 3 đời chữa bệnh…”
Những cụm từ “nhà tôi 3 đời chữa sỏi thận”; “Nhà tôi 3 đời chữa xương khớp” hay “Nhà tôi 3 đời chữa dạ dày”… là những cụm từ được dùng rất nhiều để quảng cáo trên các kênh Youtube thời gian qua.
Đang xem một MV âm nhạc hay đang nghe một bài pháp thoại thì bỗng đâu chềnh ềnh một video quảng cáo “nhà tôi 3 đời…” khiến nhiều người cảm thấy vô cùng khó chịu. Câu nói này lặp đi lặp lại nhiều đến mức khiến người nghe, người xem cảm thấy ám ảnh. Chị Nguyễn Thị Hiền (trú tại Ứng Hòa, Hà Nội) bức xúc nói: “Thực lòng tôi rất ức chế với những quảng cáo kiểu “nhà tôi 3 đời”. Hầu như xem bất kể một video nào trên mạng thì đều xuất hiện những quảng cáo kiểu thế này. Nó lặp lại quá nhiều làm mình đau đầu”.
Không chỉ chị Hiền mà hầu hết trong chúng ta đều đã từng trải qua cảm giác này. Bởi lẽ những quảng cáo thần y, lương y đang ngập ngụa trên các nền tảng mạng xã hội. Theo khảo sát của phóng viên, chỉ riêng trên Facebook đã tồn tại la liệt các fanpage lấy mác lương y để thu hút người dân khám bệnh. Cụ thể như: “Lương y L.T.B - Đặc trị ho hen suyễn, viêm phổi”; “Lương y T.T.C - Thuốc Nam gia truyền dân tộc”, “Lương y V.T - Chữa ung thư triệt để”, “Lương y V.T.S - Thuốc viêm khớp gia truyền”,...
Trên thực tế những fanpage gắn mác lương y đều có lượng theo dõi đông đảo, từ vài nghìn đến cả chục nghìn lượt người xem, tương tác mỗi ngày. Chiêu trò của các “lương y” luôn là lấy 1 ai đó làm “tấm gương” cho việc chữa trị bệnh thành công. Những “tấm gương” này sẽ lên kể lại quá trình chữa trị bệnh của mình như chạy chữa khắp nơi không khỏi nhưng chỉ một liệu trình thuốc đặc trị của nhà thuốc A, nhà thuốc B là bệnh gần như khỏi hẳn. Và hầu hết trong số họ đều nói rằng mình đã quá may mắn gì gặp được “lương y giỏi”.
Ngoài ra, nhiều “lương y” còn không ngại bỏ tiền dàn dựng những video quảng cáo công phu giống hệt như một chương trình truyền hình. Các clip quảng cáo còn có cảnh người người chen chân xếp hàng chờ khám bệnh, kèm với đó là những đoạn phỏng vấn những bệnh nhân đã được chữa khỏi hay những ý kiến tán dương của đại diện khu dân cư.
Các “lương y” thì được tâng bốc hết lời, thậm chí còn được giới thiệu đã nhận bằng khen của Nhà nước về thành tích khám, chữa bệnh? Các loại thuốc gia truyền được quảng cáo rất đa dạng, từ loại có công dụng chữa đau răng, viêm xoang, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa... cho đến những căn bệnh khó trị như thấp khớp, thoát vị đĩa đệm, vô sinh, thậm chí là cả ung thư. Tất cả đều theo mô-tuýp “chỉ cần 1 liệu trình là bệnh sẽ tan biến”! Nghe những lời quảng cáo “có cánh” ấy những người đang có bệnh khó có thể làm ngơ. Với suy nghĩ chi phí ít, lại là thuốc nam nên kể cả không khỏi thì cũng không “chết người” nên chả có lý gì mà không thử, biết đâu hợp thầy hợp thuốc bệnh lại khỏi. Tuy nhiên, nếu để ý sẽ thấy trong các clip quảng cáo hầu như không để lại địa chỉ cụ thể mà thường là để lại số điện thoại để được tư vấn và đặt hàng online.
Mặc dù chưa có kết luận chính thức của các cơ quan có thẩm quyền về tính hợp pháp của các cơ sở khám chữa bệnh và bán thuốc như đã nêu nhưng các quảng cáo như vậy thường ẩn chứa nhiều nguy cơ lừa đảo. Người tiêu dùng, trong trường hợp này có thể là bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân nếu trót tin vào những lời quảng cáo kia rất dễ mua phải những loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng hoặc không phù hợp với bệnh đang điều trị.
Phần lớn các trang mạng xã hội phổ biến ở nước ta hiện nay đều có nguồn gốc từ nước ngoài nên vấn đề kiểm duyệt tính xác thực nội dung của các quảng cáo vẫn chưa được đảm bảo. Vì vậy, người tiêu dùng cần tỉnh táo trong lựa chọn nơi khám bệnh và thuốc điều trị, nên đến các bệnh viện hay cơ sở y tế, nhà thuốc uy tín, được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật để có hiệu quả điều trị tốt nhất; không vội tin vào những lời quảng cáo thiếu tính xác thực trên các trang mạng để tránh “tiền mất tật mang”.
Tiền thì mất còn tật đã mang…
Thuốc chữa bệnh được xem là một loại hàng hóa đặc biệt vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người. Chính vì thế, việc điều chế, mua bán các loại thuốc và sử dụng trong khám, chữa bệnh được Nhà nước quy định rất chặt chẽ.
Dù là thuốc gia truyền thì vẫn phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt theo luật định để đảm bảo chất lượng rồi mới được bán ra thị trường. Tuy nhiên vẫn còn có quá nhiều loại thuốc “chưa rõ nguồn gốc” vẫn đang được quảng cáo, chào bán rộng rãi dưới dạng những bài viết, kèm theo hình ảnh minh họa, với lời lẽ “bùi tai”.
Mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo nhưng thời gian vừa qua các bệnh viện vẫn ghi nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân dùng thuốc trôi nổi trên mạng xã hội đến điều trị. Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, một người bệnh 25 tuổi, đã uống thuốc “gia truyền” 20 ngày mà theo quảng cáo là chữa vô sinh. Sau khi uống thuốc, bệnh nhân mệt mỏi, men gan tăng gấp 20 lần so với bình thường, trong khi bình thường men gan chỉ tăng 2-3 lần đã là nguy hiểm. “Bệnh nhân tới sớm nên chưa tổn thương nặng tới mức vàng da, vàng mắt. Qua xét nghiệm cho thấy bệnh nhân không bị viêm gan siêu vi B, C, HIV, tình trạng men gan tăng cao là do gan bị nhiễm độc thuốc nam” - bác sĩ Vũ Minh Đức, khoa nội tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết.
Vào cuối tháng 11/2022, bệnh nhân tên L.V.B (73 tuổi, bị đau khớp và viêm gan B nhiều năm) cũng gặp tình trạng tương tự. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy gan, suy thận, khó thở... Bà B.T.T (vợ của bệnh nhân) cho biết, ông B đã sử dụng thuốc nam và tưởng đã khỏi bệnh, nhưng thời điểm trước khi nhập viện, bà thấy ông có các mảng bầm tím dưới da nên đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tại Bệnh nhiệt đới Trung ương, ông B được chẩn đoán đã suy gan, suy thận… cũng do ngộ độc thuốc nam.
Tại Bệnh viện Xanh Pôn đã từng tiếp nhận bệnh nhân nam 56 tuổi, mắc tiểu đường lâu năm, đồng thời mắc viêm gan B, ung thư gan, sử dụng thuốc điều trị tiểu đường. Bệnh nhân này nghe theo “thần y” mạng, tháng 10/2022 đã bỏ điều trị, chuyển sang uống thuốc nam (4 viên/ngày); gói thuốc không rõ thành phần, bao bì, nơi sản xuất, cũng không có chứng nhận cấp phép, nhưng quảng cáo có công dụng điều trị tiểu đường và suy thận. Vài ngày đầu, chỉ số đường huyết của bệnh nhân có giảm, nhưng càng ngày càng mệt mỏi, ăn uống kém, cuối tháng bệnh nhân vào viện trong tình trạng huyết áp tụt, ý thức chậm, thở nhanh, đau bụng... Các chỉ số xét nghiệm đều rất kém, đe dọa ngừng hô hấp, ngừng tim.
Không chỉ đe dọa tính mạng, thậm chí đã có nhiều trường hợp tử vong do dùng thuốc (có chứa chất cấm) mua qua mạng. Tại Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm một hai năm trước đã tiếp nhận không ít trường hợp biến chứng nặng, thậm chí tử vong do uống “tiểu đường hoàn” - thuốc điều trị tiểu đường có chứa phenformin, chất đã bị cấm từ năm 1978.
Hay trường hợp của anh L.H.N (18 tuổi, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) cũng khiến nhiều người rùng mình. Anh N. nhập viện trong tình trạng da đỏ và tróc vảy toàn thân. Hai tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân lên mạng tìm hiểu thông tin và cách điều trị bệnh vảy nến thì được người bán tự nhận là thầy thuốc giới thiệu thuốc trị vảy nến và khẳng định chữa khỏi hoàn toàn. Anh N. đã quyết định mua 3 hộp với giá 2 triệu đồng về uống. “Em uống hết 3 hộp thuốc thì tình trạng tổn thương trên da do vảy nến giảm khoảng 60%. Em chưa kịp vui mừng thì 5 ngày sau khi hết thuốc vảy nến bùng phát dữ dội khiến lớp da toàn thân bị bong tróc từng mảng, ngứa ngáy, đau rát khiến em gần như suy sụp phải vào bệnh viện điều trị” – Bệnh nhân N. cho hay.
Bác sĩ Vũ Hoàng, Trưởng khoa Lâm sàng 2 – Bệnh viện Da liễu cho biết, bệnh vảy nến chưa có thuốc đặc trị mà chỉ có các loại thuốc uống, thuốc thoa ngoài da giúp cải thiện tình trạng. Lợi dụng sự thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân quảng cáo rầm rộ về những loại thuốc điều trị hết bệnh vảy nến. Đây đều là những quảng cáo sai sự thật. “Đa phần các loại thuốc uống, thuốc thoa chứa thành phần kháng viêm như corticosteroid. Khi mới sử dụng da sẽ láng mịn khiến bệnh nhân tin tưởng, tuy nhiên khi ngưng thuốc thì bệnh sẽ diễn tiến nặng gây đỏ da, toàn thân tróc vảy có thể đi kèm mụn mủ, sưng đau các khớp tay chân gây biến dạng, không hồi phục được. Nguy hiểm hơn, tình trạng tổn thương da có thể dẫn tới nhiễm trùng huyết, khiến bệnh nhân tử vong nếu không được điều trị kịp thời” - bác sĩ Hoàng cảnh báo.
Theo thông tư 13/2009/TT-BYT về hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc quy định, quảng cáo thuốc không được phép đưa vào các thông tin về chỉ định điều trị như điều trị bệnh lao, bệnh phong; điều trị bệnh lây qua đường tình dục; điều trị chứng mất ngủ kinh niên; các chỉ định mang tính kích dục; điều trị bệnh ung thư, bệnh khối u; điều trị bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh rối loạn chuyển hóa khác tương tự.
Dược sĩ Nguyễn Thị Trang, cho rằng, người dân cần hết sức cảnh giác với quảng cáo rầm rộ về thuốc đặc trị, cam kết chữa khỏi những bệnh trên, đồng thời cần nhận biết quảng cáo mang những nội dung trái với quy định. Do đó, việc mua thuốc trên mạng rất dễ gặp phải tình trạng thuốc không đảm bảo chất lượng và không có nhân viên y tế chịu trách nhiệm tư vấn và theo dõi. Nguồn gốc và hiệu quả của các thuốc này là không rõ ràng và chưa được thông qua bất kỳ sự kiểm định nào.
“Người bệnh cần đến các cơ sở uy tín để được thăm khám, tư vấn điều trị và sử dụng thuốc một cách khoa học theo đúng phác đồ của bác sĩ, dược sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc và sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ để tránh hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm kiểm tra và điều trị kịp thời nếu có dấu hiệu tổn hại sức khỏe do thuốc khi người bệnh đã sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc trong thời gian dài” – dược sĩ Trang nhấn mạnh.