Một anh chàng khôi ngô, khỏe mạnh thề sống nguyện chết yêu cô gái bại liệt, ốm yếu và câu chuyện tình đầy trắc trở, vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời đã dệt nên một tình yêu cổ tích.
Chứng kiến hình ảnh anh Lê Trung Kỳ (34 tuổi) ẵm chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (35 tuổi, thôn Ấp Nam, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) trong ngày cả hai chính thức nên duyên chồng vợ, người thân và bè bạn không giấu được cảm xúc nghẹn ngào.
Yêu từ nụ cười bẽn lẽn
Bị bại liệt sau một cơn sốt thập tử nhất sinh lúc mới lên 2, cuộc sống của chị Nguyễn Thị Bích Ngọc tưởng chừng sẽ không bao giờ thoát ra khỏi những bủa vây của sự tự ti, mặc cảm.
Cho đến khi chị quen biết anh Kỳ. Chính xác là sau cuộc gặp gỡ định mệnh khi cả hai tha hương cầu thực.
“Lúc mới vào TP.HCM tìm việc làm cách đây 8 năm, mình và anh Kỳ tình cờ gặp nhau ở một quán cơm bụi ven đường. Bởi anh vui tính, xởi lởi nên hỏi ra mới hay là người cùng quê. Giữa chốn phồn hoa, rộng lớn mà gặp đồng hương, tự dưng thấy vui lắm”, chị Ngọc bồi hồi nhớ lại.
Anh Kỳ và chị Ngọc đã cùng nhau viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Thế nhưng, vừa hỏi han được đôi ba câu, anh lật đật theo xe công trình đi thi công nhà máy ở Bình Dương. Cả hai chỉ kịp trao nhau nụ cười bẽn lẽn rồi ly biệt. Không bao lâu sau, chị Ngọc khăn gói về quê.
Hơn một năm trời bặt vô âm tín, những tưởng sẽ không bao giờ có thể trùng phùng sau lần gặp gỡ tình cờ, nhưng chính nụ cười bẽn lẽn, trong trẻo của cô gái khiếm khuyết đã hằn in trong tâm trí anh Kỳ.
Hình bóng ấy khiến chàng trai chưa bao giờ nếm trải mùi vị ngọt ngào của tình yêu phải thổn thức nhớ thương. Và rồi, anh quyết định lặn lội vượt hàng trăm cây số về vùng đất “chưa mưa đã thấm” chỉ để gặng hỏi cho bằng được địa chỉ của chị Ngọc.
Ngày gặp lại, anh mạnh dạn ngỏ lời với người mà mình thầm thương trộm nhớ bấy lâu.
Nhắc đến đây, chị quay sang nhìn anh với ánh mắt đầy cảm kích. Giọng nghẹn ngào hạnh phúc, chị Ngọc kể tiếp: “Hồi đó, công nhận anh liều lĩnh thật, bởi gia đình mình trước đó chưa biết mặt mũi anh thế nào. Vả lại, mình và anh chỉ gặp nhau đúng một lần duy nhất, vậy mà anh bạo gan đến ngỏ ý làm quen. Ba mẹ sau khi hay chuyện đã thẳng thừng từ chối và yêu cầu anh chấm dứt suy nghĩ tán tỉnh mình vì cho rằng đó chỉ là ý muốn nhất thời của anh. Bởi ai đời một thanh niên khỏe mạnh, điển trai lại thích một người ốm đau triền miên, chân đi cà thọt bao giờ”.
Vậy mà anh vẫn quyết tâm bằng cách kiên trì chứng minh tình cảm của mình là chân thành.
Suốt một thời gian dài, hết gia đình chị Ngọc cấm cản lại đến lượt người thân anh Kỳ ra sức can ngăn. Bất chấp mọi thứ, cả hai vẫn lén lút hẹn hò. Đơn giản, vì khi ở bên nhau, hai tâm hồn đồng điệu ấy lại chạm đến cung bậc cảm xúc mang tên hạnh phúc.
Để tháo gỡ rào cản của ba mẹ chị Ngọc, anh Kỳ đánh liều thuyết phục mẹ của mình mang rượu, trầu cau qua dạm ngõ nhà gái.
“Ông bà chỉ có mỗi mình tôi là cháu trai nên luôn mong muốn tìm được bến đàng hoàng. Khi nghe tôi muốn cưới một người khuyết tật làm vợ, cả gia đình bàng hoàng và tuyên bố cấm cửa. Tôi thuyết phục đủ mọi cách, kể cả tuyệt thực hòng có được tình yêu của mình thì mọi người mới đồng ý”, anh Kỳ chia sẻ.
Dệt tình yêu cổ tích
Cuối năm 2012, một đám cưới tràn ngập niềm vui của người đến dự, đan xen hạnh phúc như vỡ òa của “đôi đũa lệch”. Điều ấy chẳng khác nào cột mốc đánh dấu chặng đường dài vượt qua những nghịch cảnh, định kiến và rào cản để dệt nên tình yêu tưởng như bước ra từ câu chuyện cổ tích.
Chứng kiến cảnh chú rể Kỳ ẵm cô dâu Ngọc đến từng bàn nâng ly rượu hồng cảm ơn, ai nấy có mặt tại hôn trường hôm ấy cũng rơm rớm nước mắt.
Có lẽ, cái ngày mà cả hai chính thức nên duyên chồng vợ sẽ mãi là kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong cuộc đời. Bởi lẽ, điều tuyệt vời đó chính là cái kết có hậu sau một chặng đường dài đầy gian nan đấu tranh giành giật hạnh phúc.
Niềm hạnh phúc ấy chính là chiếc chìa khóa mở toang cánh cửa cuộc đời, là bàn đạp tạo đà xây dựng tổ ấm gia đình của anh chị.
Hạnh phúc nhân lên gấp bội khi vợ chồng anh Kỳ đón nhận niềm vui sướng tột cùng với sự chào đời của bé Phúc Nguyên.
Hạnh phúc nhân lên gấp bội khi cuối năm 2013, vợ chồng “đôi đũa lệch” đón nhận niềm vui sướng tột cùng với sự chào đời của cậu con trai bé bỏng. Món quà vô giá mà trước đó, ngay cả trong mơ cả hai cũng không dám ao ước bởi tình trạng sức khỏe của chị Ngọc rất khó có thể sinh con.
Vỗ về đứa con đang còn say ngủ trong vòng tay của anh Kỳ, chị Ngọc cười hiền: “Hạnh phúc nào bằng khi sinh cho người mình thương yêu một đứa con khỏe mạnh, bụ bẫm. Bé Phúc Nguyên như một món quà vô giá mà ông trời đã ban tặng cho chúng tôi. Từ ngày có thêm bé, tình yêu của hai vợ chồng càng mặn nồng hơn. Tổ ấm bé nhỏ của chúng tôi bây giờ đã có thêm niềm vui của con trẻ và cả hai đang vun đắp để gia đình nhỏ của mình luôn tràn ngập tiếng cười”.
Bà Lê Thị Thủy (mẹ anh Kỳ) chia sẻ: “Ngọc là đứa con dâu thảo, từ ngày về làm dâu chưa một lần to tiếng với mẹ chồng. Nếu ngày đó tôi cương quyết cấm ngăn thì giờ đây chắc tôi phải ăn năn lắm. Bây giờ, hai đứa đã sinh một đứa cháu rất đáng yêu, tôi vô cùng hạnh phúc vì được lên chức bà”.
Chuyện tình cổ tích những cặp \'đũa lệch\': Chàng Sài Gòn quyết cưới \'cô bỏng vé số\'
Lần gặp đầu tiên, anh Trường Duy (33 tuổi) bỏ chạy vì quá sốc trước gương mặt và cơ thể biến dạng của chị Lan ... |
Chuyện tình cổ tích những cặp \'đũa lệch\': \'Thầy giáo mưa\' cưới học trò kém 22 tuổi
Người ta thường nhắc về ông Hồ Đại Phước bởi tình yêu mãnh liệt với những tấm ảnh chợ, thế nhưng ít ai biết tình ... |