Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo được học trò dành tặng cho biệt hiệu cô giáo “hại não“ vì luôn biết cách biến mỗi tiết học trở thành một ngày vui.
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên sử Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) được học sinh yêu mến gọi với cái tên tinh nghịch là "Cô giáo "sống ảo" nhất Nam Bộ".
Cô Huyền Thảo cho biết, cô bị học sinh gọi là “cô Thảo hay sống ảo” vì thường chụp ảnh và tương tác với học sinh trên Facebook. Cô coi đó là một kênh giúp cô thấu hiểu, dễ dàng chia sẻ và gần gũi với học sinh của mình nhiều hơn. Chính vì vậy mà học sinh của cô không chỉ coi cô là giáo viên, mà còn coi cô như một người bạn. Những lời chia sẻ gần gũi và tự nhiên giữa cô trò cũng từ đó mà hình thành.
Cô giáo Huyền Thảo nhận được nhiều tình cảm chân thành từ phía học trò.
Cô giáo dạy lịch sử cho biết, mặc dù đã giảng dạy 12 năm trên bục giảng, nhưng chưa có một phút giây nào cô nghĩ đến việc thôi yêu nghề giáo viên.
Sau đây là chia sẻ của cô Huyền Thảo về khó khăn trong nghề và những điều giúp cô giữ được "lửa" với nghề giáo viên cao quý của mình.
Là một cô giáo được nhiều học sinh quý mến, cô nghĩ gì về nhận định: "Nghề giáo viên rất nặng nhọc và áp lực"?
- Thật sự nghề giáo có những hậu trường phía sau chứ không hẳn chỉ là những phút thăng hoa trên bục giảng. Nhìn thì không có gì nặng nhọc nhưng giáo viên còn phải chuẩn bị bài, họp hành, sổ sách, sinh hoạt chuyên môn và còn nhiều việc không tên đính kèm nên nhiều lúc thấy chóng mặt vì quay cuồng với công việc.
Do mới vào nghề, công việc còn nhiều và khó khăn do chưa quen việc và chưa biết hết những công việc phía sau nên nhiều bạn trẻ không vượt qua được áp lực và không sắp xếp được thời gian để thích ứng. Xã hội cũng cần có cái nhìn cảm thông với họ.
Việc thích ứng với công việc, các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường cũng khiến cho các bạn trẻ lúng túng khi phải đối mặt và xử lý với nhiều tình huống vượt quá tầm kiểm soát và chưa bao giờ đối mặt.
Cô Huyền Thảo luôn dành nhiều thời gian để sáng tạo ra các phương pháp giảng dạy dễ hiểu, dễ nắm bắt cho học trò.
Bí quyết nào để cô có thể giữ được lửa nghề, luôn đóng vai trò là "người dẫn đường" cho học sinh?
- Thật ra tôi cũng như các bạn trẻ mới bước vào nghề. Nhưng tôi thấy các bạn học sinh nhỏ rất dễ thương và hồn nhiên. Sự ngây thơ, trong sáng, ngây ngô của các bạn nhỏ khiến tôi yêu và tìm thấy được động lực, sức mạnh để vượt qua mọi thứ. Chỉ cần lên lớp còn học sinh nghe giảng hay ánh mắt nhìn mình và dõi theo từng lời nói, bước đi của mình là tôi quên hết và cứ thế lại thăng hoa, lại yêu.
Mỗi năm, từng lứa học sinh trở về, ôm mình, siết chặt tay thì còn gì hơn ngoài những tình cảm đó. Với tôi, hãy cứ yêu và yêu thật lòng, dạy bằng cái tâm của mình, học sinh sẽ cảm nhận được hết. Như ai đó từng nói điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim. Đó là bí quyết tôi theo đuổi đến ngày nay.
Về công tác giảng dạy, trên lớp, tôi hay đặt các câu hỏi để các em đi đến tận cùng của vấn đề. Các câu hỏi logic và đòi hỏi phải tư duy lập luận nên các em rất thích thú vì được thể hiện bản thân. Để trả lời được những câu hỏi mà các em cho rằng “hại não” này, các em phải tích lũy từ việc đọc sách, xem và quan sát từ thực tế nữa.
Cô đã phải vượt qua những khó khăn gì có thể đạt được sự tin tưởng của học trò?
- Khó khăn thì không phải không có nhưng tôi tâm niệm không sao cả, học sinh còn yêu, còn chào, còn ôm thì khó khăn nào cũng qua hết.
Trong 12 năm theo nghề, khó khăn nào tôi cũng đã trải qua nhưng với tinh thần trải nghiệm và khám phá bản thân cũng như tinh thần học và học, mọi thứ rồi sẽ qua... Ngày mai, mặt trời lại mọc, mình cũng lại tươi mới và hứng khởi. Mọi thứ sẽ qua thôi.
Lời chúc mừng 20.11 dễ thương của học trò dành cho cô Thảo.
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, cô có điều gì gửi gắm tới đồng nghiệp và các em học sinh?
- Tôi mong các đồng nghiệp và các bạn sinh viên sư phạm hãy cứ yêu, cứ dại khờ và cứ đam mê. Hãy dùng chính trái tim, cái tâm của mình để đến với các em học sinh, đến với môn học của mình thì dù là môn gì hay làm gì, học sinh cũng đều thấu cảm và yêu mình.
Xin cảm ơn cô!
10 năm con đi học, tôi chưa một lần tặng quà cho giáo viên
Tôi thể hiện sự tôn trọng với thầy cô của con qua thái độ hằng ngày thay vì đợi một dịp nào đó để bày ... |
Cô giáo trẻ đánh thức sự rung động của học trò
Trò chuyện với cô giáo dạy Văn Trần Thị Quỳnh Anh nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. |
Người thợ xăm hình và những giấc mơ nghề giáo không trọn vẹn
Hàng ngày, Tuệ tiếp xúc những vị khách đầy vẻ phong trần, cá tính. Một năm trước, quanh anh là những đứa trẻ, là giáo ... |
Món quà đặc biệt của cô giáo dạy trẻ khiếm khuyết ở Sài Gòn
Cô giáo 50 tuổi hạnh phúc khi học trò rối loạn tự kỷ, bại não... có thể tự đọc, viết và tặng cô tấm thiệp ... |