Người dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng văn bản yêu cầu hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin.
Quy định trên được nêu trong nghị định 37/2021 thi hành Luật Căn cước công dân, có hiệu lực từ 14/5. Chính phủ giao Bộ Công an ban hành hướng dẫn việc này.
Theo đại diện Bộ Công an, các công dân đều có những trường thông tin được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, như họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quê quán; nơi thường trú; nơi tạm trú; nơi ở hiện tại; quan hệ với chủ hộ; họ, chữ đệm, tên của chủ hộ và các thành viên trong hộ gia đình...
Khi đi giải quyết thủ tục hành chính hoặc tuỳ theo nhu cầu cá nhân, người dân có thể phát sinh nhu cầu cần tra cứu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kiểm tra, đối chiếu, xác thực thông tin, tránh sai sót, không trùng khớp giữa thông tin mình khai báo với dữ liệu trong hệ thống. "Lúc đó người dân được quyền yêu cầu khai thác dữ liệu bằng văn bản hoặc dịch vụ nhắn tin; những thông tin do cơ quan chức năng cung cấp sẽ mang tính pháp lý", đại diện Bộ Công an cho hay.
Hiện nay người dân có thể trích xuất dữ liệu cá nhân trên thẻ căn cước công dân qua mã QR. Ảnh: Bá Đô |
Trưởng công an cấp xã có thẩm quyền cho phép cá nhân đăng ký thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về dịch vụ nhắn tin nêu trên. Tuy nhiên theo dự kiến, người dân có thể gửi văn bản hoặc tin nhắn đến trưởng công an cấp xã, vị này sẽ xem xét và ra quyết định cho phép tra cứu, phản hồi thông tin trong thời hạn tối đa 3 ngày làm việc. Nếu từ chối, trưởng công an xã sẽ phải phản hồi lý do không đồng ý.
Ngoài hai hình thức là văn bản và dịch vụ nhắn tin, người dân có thể khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh; hoặc xuất trình thẻ căn cước công dân.
Thẻ căn cước gắn chip đang được cấp đại trà trên toàn quốc có mã QR ở góc phải mặt trước thẻ, các cá nhân, tổ chức có thể quét mã QR này để trích xuất 10 trường thông tin công dân khác nhau trên điện thoại.
Cũng theo nghị định 37/2021, các tổ chức tín dụng, cung cấp dịch vụ viễn thông, di động, cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số định danh điện tử, công chứng, thừa phát lại..., được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các hình thức tương tự áp dụng cho cá nhân, ngoại trừ hình thức tin nhắn.
Khi đề nghị cung cấp thông tin, các tổ chức này phải nêu rõ lý do, thời gian khai thác, thông tin cần khai thác và cam đoan chịu trách nhiệm trong sử dụng thông tin được cung cấp.
Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2015 với tổng số vốn hơn 3.000 tỷ đồng. Dự án này thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân, tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các bộ, ngành và chính quyền các cấp. Qua đó cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về dân cư (số liệu, cơ cấu, phân bổ và các biến động...) phục vụ quản lý nhà nước, hoạch định chính sách.
Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng là căn cứ để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân; hướng tới bỏ quản lý sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang quản lý cư trú điện tử... Hệ thống này được khai trương cuối tháng 2, bước đầu đã kết nối với một số bộ, ban ngành, địa phương. Tuy nhiên đến 1/7, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới hoàn thiện ở giai đoạn hai, kết nối với dự án căn cước công dân và một số dữ liệu chuyên ngành khác.
Khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư |
Dữ liệu quốc gia về dân cư được khai thác, thu phí từ năm 2020 |