Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Chỉ chờ ăn đất?

Cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso không hề có ý định làm điện ảnh, mà chỉ quan tâm tới giá trị đất đai của hãng.

Đó là nhận định của các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam tại buổi gặp gỡ báo chí vào ngày 16/9. Khẳng định ủng hộ chủ trương cổ phần hóa, nhưng các nghệ sĩ đã và đang làm việc tại hãng bất bình vì quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Rất nhiều nghệ sĩ bức xúc khi lãnh đạo hãng nói các nghệ sĩ "không chịu làm việc", "hãy tự đi kiếm việc, tự nuôi nhau, nếu không có việc hãng sẽ tạo điều kiện cho mượn địa điểm để "bán bún, bán phở".

Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát chủ trì cuộc gặp gỡ với báo chí hôm 16/9. Ảnh: Tuổi trẻ

Hầu hết các nghệ sĩ khẳng định lãnh đạo công ty cổ phần chỉ quan tâm đến giá trị đất của hãng và đang tìm cách khai thác đất đai, chứ không hề quan tâm đến sản xuất phim.

Báo Tuổi trẻ dẫn lời Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát cho hay, lãnh đạo công ty nói trên đã "giải tán 3 phòng đạo diễn, biên kịch, quay phim, dồn họ vào một phòng".

"Đi cày mà giết trâu, quẳng cày thì sản xuất phim thế nào?", bà Ngát đặt câu hỏi.

Các nghệ sĩ phản ảnh việc sửa chữa lại cơ sở vật chất hãng phim hiện nay không phục vụ cho việc sản xuất phim. Họ cho biết một số địa điểm đã được cho thuê bán phở và chân gà nướng.

Rất nhiều nghệ sĩ cho rằng việc "xóa sổ" Hãng phim truyện Việt Nam bằng cách thức cổ phần hóa sai sẽ để lại hệ lụy rất lớn về mặt văn hóa.

Đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn: "Việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam nếu không sáng tỏ thì sẽ để lại nhiều hệ lụy. Còn nhiều đơn vị nhà hát khác đang nằm ở khu đất vàng, biết đâu sẽ có ngày bị như Hãng phim truyện Việt Nam.

Trong khi Hàn Quốc lấy văn hóa làm động lực thúc đẩy kinh tế thì ta phú quý giật lùi. Bao nhiêu năm chỉ chú trọng kinh tế thôi, chà đạp lên nhau để kiếm được USD thì thế hệ sau sẽ phải trả giá rất đắt.

Bằng cách để mặc chúng tôi, yêu cầu chúng tôi phải tự kiếm sống nuôi nhau, lãnh đạo công ty cổ phần những tưởng chúng tôi sẽ chán nản mà bỏ đi.

Họ nhầm, chúng tôi từ lâu không sống bằng tiền lương ở đây, chúng tôi ở lại đây vì còn yêu hãng. Chúng tôi vẫn sẽ trụ lại".

Liên quan đến việc cổ phần hóa hãng phim lớn nhất ngành điện ảnh Việt Nam, mới đây nhất Chi hội Điện ảnh của Hãng phim truyện Việt Nam đã gưi đơn kêu cứu tới Hội Điện ảnh Việt Nam.

Lá đơn chỉ ra những vấn đề bất cập trong quá trình cổ phần hóa, chẳng hạn:

Việc thành lập tổ giúp việc cho Ban cổ phần hóa thuộc Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch không "ổn". Giám đốc hãng phim đã không cử những nghệ sĩ có chuyên môn điện ảnh cao vào tổ này, mà chỉ cử những người làm việc ở phòng tổ chức của hãng vào.

Công ty tư vấn về giá trị doanh nghiệp cho hãng phim đã tính giá trị thương hiệu, giá trị đất đai, ưu thế sử dụng vị trí của Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0 với sự đồng ý của Ban cổ phần Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch.

Đăng tin tìm cổ đông chiến lược 3 kỳ trên một tờ báo duy nhất là Kinh tế và Đô thị Hà Nội với khổ chữ bé đến mức gần như không thể đọc nổi.

Sự định giá thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0 và việc chọn cổ đông chiến lược duy nhất là Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) khiến dư luận đặt câu hỏi về sự minh bạch.

"Ngày 28/12/2016 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu đưa giá trị thương hiệu tương xứng với giá trị lịch sử truyền thống của Hãng phim truyện Việt Nam vào giá trị doanh nghiệp khi có quyết định thành Công ty cổ phần. Tuy nhiên Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch vẫn giữ nguyên Ban cổ phần cũ.

Ngày 23/6/2017 Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch ra quyết định thành lập Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam thay thế Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam mà giá trị thương hiệu của hãng vẫn chưa được tính vào như sự chỉ đạo của Thủ tướng", đơn kêu cứu của Chi hội Điện ảnh của Hãng phim truyện Việt Nam nêu rõ.

Các nghệ sĩ kiến nghị Hội Điện ảnh "yêu cầu Chính phủ và các cơ quan chức năng có thẩm quyền giám sát chặt chẽ và có những giải pháp thay đổi căn bản về tiến trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam sao cho tài sản của nhà nước không bị thất thoát.

Sau đó tìm được cổ đông chiến lược chính xác sau khi thương hiệu và lợi thế vị trí đất của hãng được tính vào giá trị doanh nghiệp nhằm thực hiện đúng, đầy đủ, minh bạch quá trình rà soát lại việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng".

(http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/co-phan-hoa-hang-phim-truyen-viet-nam-chi-cho-an-dat-3343271/)

Lấn cấn gỡ rào thu hút đầu tư vào DNNN

DNNN và cơ quan quản lý nặng về xác định giá trị, thiếu tầm nhìn chọn NĐT tốt nhất để phát triển đường dài.

Nghịch lý: Doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa “trên giấy”

PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế Việt Nam - chỉ ra nghịch lý trong bức tranh cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp ...

Doanh nghiệp tỉ đô đặt mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa trong quý IV/2017

Theo thông tin từ Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), đơn vị này đặt mục tiêu hoàn thành CPH trong ...

Làm rõ việc Mobifone mua AVG: Bao giờ công khai?

"Thanh tra Chính phủ cần sớm công khai việc mua bán, sát nhập giữa Mobifone và AVG. Mục tiêu mua cổ phần hóa và giá ...

/ Theo Minh Thái/Báo Đất việt (Tổng hợp)