Trong thời điểm giá vàng tăng vọt, nhiều chuyên gia đưa ra lời khuyên cho người tiêu dùng đang có nhu cầu đầu tư hoặc tiết kiệm bằng vàng.
Đà tăng phi mã của vàng kéo theo chênh lệch mua vào – bán ra được các đơn vị kinh doanh trong nước nới rộng. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư lưỡng lự, chưa biết có nên lựa chọn đầu tư vào vàng khi kim loại này đang ở đỉnh giá nhiều năm hay không.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với những dự báo về việc vàng sẽ tăng từ nay cho đến cuối năm, giới đầu tư cũng nên xem xét để mua vào.
"Giá vàng tăng đến 20% từ đầu năm đến nay. Nếu nhà đầu tư mua vàng từ đầu năm đến nay thì đã có được lợi nhuận khá tốt, cao hơn gấp đôi so với ngân hàng", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.
Tuy nhiên theo TS Nguyễn Trí Hiếu, người đầu tư vào vàng vào thời điểm này cần chú ý một số nguyên tắc:
Thứ nhất, không nên lấy tiền kinh doanh thường xuyên (tiền lương, tiền kinh doanh...) để mua vàng vì nếu lỗ sẽ ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động kinh doanh. Tiền mua vàng nên là tiền nhàn rỗi, tiết kiệm, không sử dụng đến để có lỗ cũng có thể chấp nhận được.
Thứ hai, chúng ta phải tính được độ rủi ro. Thị trường vàng thường lên xuống thất thường, có thể tăng giảm 10%, nghĩa là có thể lỗ đến 10%. Nếu nhà đầu tư chấp nhận được mức độ rủi ro đó thì có thể mua vàng, trong trường hợp cảm thấy mức rủi ro này quá cao thì không nên đầu cơ.
Thứ ba, người đầu cơ nên phân bổ số tiền nhàn rỗi thành ba phần để phân bổ mức độ rủi ro. Một phần cho vàng, một phần mua bất động sản và phần còn lại đầu tư vào chứng khoán (hoặc gửi ngân hàng).
Thứ tư, người đầu tư phải theo dõi thị trường vàng thường xuyên để định được mức chênh lệch giá mua - giá bán trên thị trường thế giới và Việt Nam để nhận định được mức độ rủi ro.
Thứ năm, không nên đầu tư lướt sóng, mua đi bán lại liên tục. Nếu mua vàng, ít nhất cần giữ vàng từ 3 đến 6 tháng rồi xem xét tình hình có nên bán ra hay không.
Đồng tình với ý kiến này, ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới - Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam chia sẻ: “Quan điểm của tôi là nhà đầu tư nên thận trọng khi đầu tư vàng vào lúc này. Đặc biệt, việc đầu tư lướt sóng chỉ dành cho các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư, các quỹ đầu tư… họ muốn bảo toàn vốn, đa dạng hóa danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro. Còn người dân mà có khoản tiền tiết kiệm đưa ra lướt sóng vàng thời điểm này thì rất rủi ro. Còn nếu mua như một cách tiết kiệm, bảo toàn tiền hoặc mua đầu tư dài hạn thì lại là vấn đề khác”.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng nhận định, giá vàng gần đây có những diễn biến hết sức kinh ngạc, việc đầu tư lướt sóng rất rủi ro và người dân nên bình tĩnh tránh đầu tư theo đám đông.
Cùng với diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 và sự phục hồi mong manh của nền kinh tế toàn cầu, các kênh đầu tư an toàn đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến giá kim loại quý như vàng liên tục đi lên trong thời gian qua.
Tuy nhiên, giá vàng đang ngày càng khó đoán định. Các chuyên gia tài chính khuyên nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư, không nên dồn hết vốn sang vàng mà chỉ nên chiếm một phần rất nhỏ trong danh mục đầu tư.
Tính tới 8h30 sáng 4/8, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 56,90 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,80 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 150 nghìn đồng ở cả 2 chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên liền trước.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,92 triệu đồng/lượng (bán ra), không đổi ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối phiên giao dịch 3/8. |
Giá vàng 3/8: Liệu có lập đỉnh mới? |
Vàng có thể phá vỡ ngưỡng kỷ lục mọi thời đại trong tuần này |
Giá vàng SJC tăng sát mốc 58 triệu đồng mỗi lượng |