Quốc gia nào cũng phải giải quyết vấn đề tạo công ăn việc làm cho những người cựu binh. Và nước Mỹ không phải ngoại lệ. Ước tính số lượng cựu binh Mỹ thất nghiệp rơi vào khoảng 46,7%. Điều mà các nhà quan sát nước ngoài thấy lạ là cái cách đối phó của một bộ phận cựu binh Mỹ với vấn đề việc làm. Đó là trào lưu biến quân đội thành “thương hiệu” để kinh doanh.
Dựa hơi mác lính
Việc sử dụng danh hiệu “cựu chiến binh” để làm giàu cho mình không phải là hiếm ở Mỹ. Nguyên hạ nghị sỹ Duke Cunningham bang California vốn là một phi công lái máy bay chiến đấu. Ông này từng nổi tiếng vì được biết đến là phi công Hải quân hạng Ách và từng chỉ huy phi đội chiến đấu VF-126 lừng danh.
Tuy nhiên, đến năm 2004, vị hạ nghị sỹ bị điều tra vì tội trốn thuế và nhận tiền hối lộ. Các nhà điều tra đã phát hiện ra Duke Cunningham nói dối và làm giả bằng chứng bắn hạ máy bay đối phương nhằm mục đích được nhận khen thưởng và lấy thành tích để đi tranh cử sau này. Ngoài việc phải vào tù vì hai tội danh nói trên, ông ta còn bị Bộ Quốc phòng tước hết các huân - huy chương danh hiệu.
Điều đáng quan tâm là trước đây các cựu binh sử dụng thành tích phục vụ trong quân ngũ để trở thành cố vấn, chính trị gia, v.v… thì nay họ lại dùng nó trong việc kinh doanh. Trên thị trường xuất hiện nhan nhản những sản phẩm dán mác “quân sự”, “chiến thuật”, “đặc nhiệm”,… Và chủng loại thì trên trời dưới bể cái gì cũng có, từ mũ lưỡi trai và dao cạo râu đến xẻng và rìu chặt củi. Ngay cả những thứ tưởng như chẳng liên quan gì nhất như đai địu em bé cũng có phiên bản “chiến thuật” dành cho những người đàn ông vừa muốn làm bố, vừa muốn làm lính.
Để hiểu được hiện tượng này, tờ Washington Post đã có bài phỏng vấn nhà tâm lý học Lee Carcano và nhận được câu trả lời như sau: “Văn hóa lính đã xâm nhập mọi mặt của xã hội Mỹ. Có vài giả thuyết khác nhau để giải thích hiện tượng này. Một số chuyên gia cho rằng đây là kết quả của chương trình tranh cử của nguyên tổng thống G.W.Bush nhấn mạnh sức mạnh quân sự của Mỹ hồi chiến tranh Iraq. Một số lại có suy nghĩ ngược lại, cho rằng những thất bại trong chiến tranh Iraq đã khiến xã hội rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Trong bối cảnh ấy, những người lính được đẩy lên hàng các “siêu anh hùng” có thể cứu vãn nước Mỹ khỏi chỗ khó khăn!”.
Dù nguyên nhân tâm lý thế nào đi nữa, thật khó để không nhận ra những lợi ích kinh tế từ việc biến quân đội thành thương hiệu. Có không ít người đàn ông Mỹ trong độ tuổi trung niên, chưa một lần nhập ngũ nhưng thèm muốn được sống thử qua “cuộc sống lính”. Đón đầu nhu cầu này, các nhãn hàng đua nhau cho ra đời những sản phẩm dán mác lính. Chất lượng của các mặt hàng này có thể chỉ tương đương hoặc thậm chí thấp hơn những sản phẩm tương tự, nhưng điều quan trọng là chúng khiến khách hàng cảm thấy mình như một người lính đặc nhiệm.
Không chỉ dừng lại ở sản phẩm, có cả những phòng tập gym, nhà hàng, khách sạn,… cũng nhảy vào cuộc chạy đua. Không khó để người tiêu dùng tìm thấy một cơ sở dịch vụ được trang trí từ cọc đến mái theo “phong cách lính” - rất nhiều sơn rằn ri - và trưng những cái tên rất kêu như “Nation First” (“Tổ quốc trên hết”), “A Soldier is You” (“Bạn là một người lính”),… Chỉ có vậy thôi mà họ kiếm được khối tiền.
Mission BBQ là một chuỗi nhà hàng thịt nướng ở vùng Đông Bắc Mỹ. Trong vòng ba năm kể từ khi khai trương nhà hàng đầu tiên, Mission BBQ đã mở rộng ra thêm bốn cơ sở. Hóa ra có không ít người Mỹ sẵn sàng chi tiền để ăn thịt nướng trong khi được “bao vây” bốn phía bởi cờ tổ quốc, bằng khen quân đội (giả), huân chương (giả), ảnh chiến trường, và những người phục vụ mặc quần áo như anh nuôi.
Không nhập ngũ vẫn là... lính?
Với một số người, chỉ mua sắm những thứ hàng hóa “chiến thuật” là không đủ. Họ thèm muốn một cái gì đó hơn thế nữa, một cái gì đó có thể khiến cuộc sống thường ngày của họ trở nên kịch tính hơn. Vậy nhưng cuối cùng cũng vẫn là thị trường đáp ứng nhu cầu của họ. Vô số chương trình đào tạo được mở ra để đào tạo những cá nhân chưa từng nhập ngũ có được những kỹ năng của một người lính.
Một ví dụ điển hình cho những chương trình đào tạo này là Real World Tactical. Nó được mở ra bởi Eric Dorenbush, một cựu Trung úy quân đội Mỹ từng tham chiến ở Iraq, Afghanistan và Syria. Sau khi giải ngũ, Eric quyết định đem những kiến thức, kỹ năng từ các bãi chiến trường Trung Đông đầy cát nắng về bang Texas cũng đầy cát và nắng. Số lượng học viên tại Real World Tactical ước tính hơn 20 người.
Eric Dorenbush đã trả lời phỏng vấn tờ Wired: “Học viên khi mới vào sẽ được rèn luyện thể lực và dạy các kỹ năng cơ bản nhất của một người lính. Những việc này chúng tôi đều giảng dạy theo chương trình quân đội. Điều khó hơn là lập giáo án cho các học viên ở cấp độ nâng cao. Tuy có tài liệu quốc phòng nhưng chúng tôi vẫn phải “nát óc” nghĩ ra các tình huống phù hợp với nhu cầu và khả năng của người học.”
Các “tình huống” mà Eric nói đến đều là những việc người bình thường khó tưởng tượng sẽ xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của họ. Ấy là việc kẻ sát nhân hàng loạt vác súng vào tiệm cà phê, khủng bố bắt cóc con tin trên xe buýt, al-Qaeda tấn công trạm điện, kẻ buôn người bắt cóc trẻ em,… Real World Tactical đặt học viên vào những trường hợp này và dạy họ cách xử lý như người lính: không khoan nhượng và chỉ ngừng sử dụng vũ lực khi kẻ thù đã chết. Đầy tính bạo lực.
Real World Tactical chỉ là một trong số hàng chục cơ sở giảng dạy kỹ năng tác chiến cho thường dân ở Mỹ. Gunsite Academy tại hạt Yavapai, bang Arizona là cơ sở đầu tiên và nổi tiếng nhất. Ban đầu được mở ra nhằm mục đích dạy cách bắn súng, sau này Gunsite mở rộng hoạt động giảng dạy ra các kỹ năng kỹ chiến thuật. Trong số những người từng tốt nghiệp ở Gunsite có đức vua Abdullah II của Jordan, đạo diễn John Milius và diễn viên Tom Selleck.
Campbell, một cựu cảnh sát trưởng và là giảng viên tại Gunsite, đưa ra nhận xét về các học viên: “Xã hội ngộ nhận rằng người đi học tại Gunsite suốt ngày mơ tưởng làm lính. Tất nhiên là có những người như vậy, nhưng họ chỉ chiếm thiểu số. Hầu hết mọi người đến đây vì cảm thấy sợ. Họ thấy xã hội ngày càng mất an ninh mà lại không trông chờ gì được vào cảnh sát. Vì thế mà họ mới đăng ký học những kỹ năng để tự bảo vệ mình và gia đình”.
Nhận xét của Campbell không phải không có ý đúng. Quả thật người Mỹ đang cảm thấy mất an toàn ngay trong chính ngôi nhà họ. Bão Katrina; khủng hoảng kinh tế 2008; vụ xả súng Sandy Hook,… biết bao nhiêu thảm kịch diễn ra trên đất Mỹ trong vòng 20 năm qua, mà trong hầu hết trường hợp chính quyền đều tỏ ra chậm chạp và thiếu sót trong khâu giải quyết. Đây là lý do mà nhiều người Mỹ mua sắm hàng hóa tích trữ, cải tạo nhà cửa thành “pháo đài”, và tìm đến các khóa huấn luyện kỹ năng quân sự, sinh tồn.
Nhưng những khóa học nói trên không phải không có mặt trái. Chúng dạy người ta cách sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề. Nhà tâm lý học Jennifer Carlson (trường Đại học bang Arizona) nhận xét: “Các học viên rất dễ bị đóng khuôn tâm lý chỉ biết dùng đến bạo lực để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hằng ngày. Trong đầu họ không hề có ý nghĩ rằng mâu thuẫn có thể hóa giải chỉ bằng cách thương lượng… Họ đang trở thành mối nguy hiểm đối với chính mình và những người xung quanh, nhất là khi lúc nào họ cũng kè kè khẩu súng bên mình”.
Lắm thầy nhiều ma
Trong một thị trường ngày càng chật chội, các cựu binh phải làm gì để trở nên nổi bật hơn các đối thủ cạnh tranh? Họ nói dối, và nói dối rất nhiều. Nhiều cựu binh sau khi rời khỏi quân ngũ liền quên sạch những lời thề mà dựng nên vô số điều sai sự thật. Một trong những trường hợp mà nhiều người nói đến là cựu trung tá Dave Grossman. Ông phục vụ trong nhiều đơn vị đặc nhiệm của quân đội Mỹ, trong đó có đơn vị lính mũ nồi xanh. Sau khi xuất ngũ, Dave Grossman trở thành chuyên gia đào tạo cảnh sát và nhân viên bảo vệ.
Theo “lý thuyết” của Dave Grossman thì con người ta sinh ra đã có bản năng coi giết người là hành động không thể dung thứ. Để biến một người đàn ông trở thành lính, cảnh sát hay bảo vệ thành công thì phải làm cho anh ta mất đi bản năng đó, có thể giết người mà không chớp mắt. Trong vòng hơn 30 năm qua, Grossman đã đào tạo cho hàng nghìn cảnh sát trên khắp nước Mỹ lý thuyết này.
Không phải một sự tình cờ mà số vụ cảnh sát bắn chết người tăng vọt trong khoảng thời gian đó. Đáng lẽ ra các sỹ quan cảnh sát phải được dạy cách giảm leo thang căng thẳng thì vì Grossman mà họ học cách cứ rút súng bắn trước mà chẳng cần có lý do chính đáng nào cả. Sau cái chết đáng tiếc của George Floyd bởi cảnh sát Minneapolis hồi năm ngoái, một số tờ báo đã phát hiện ra những sỹ quan cảnh sát tham gia giết người được đào tạo bởi Dave Grossman. Người dân xuống đường biểu tình và buộc được chính quyền bang Minnesota cấm ông này giảng dạy cho lực lượng cảnh sát bang.
Một ví dụ khác làm xấu mặt quân đội Mỹ là vụ tranh cãi chung quanh việc ai đã giết chết Osama bin Laden. Hơn một năm sau vụ đột kích vào căn nhà của bin Laden, Matt Bissonnette, thành viên của đơn vị lính đặc nhiệm hải quân thực hiện vụ tấn công, xuất bản cuốn tự truyện “No Easy Day”. Theo cuốn sách này thì Bissonnette là người đầu tiên chạy lên tầng ba toà nhà và bắn trúng bin Laden. Trùm khủng bố sau đó còn bị bắn thêm vài viên nữa trước khi chết hẳn.
Vào thời điểm này thông tin vụ đột kích còn được Bộ Quốc phòng Mỹ giữ bí mật. Việc Bissonnette viết ra hết mọi chuyện là hành vi vô cùng nghiêm trọng. Ngoài chịu hình phạt theo quân luật, anh ta còn phải bồi thường 6,8 triệu USD tiền bán sách cho Bộ Quốc phòng vì tội để lộ thông tin quân sự.
Chưa hết, chỉ ba năm sau, một người đồng đội của Mark Bissonnette là Rob ONeill lại công khai nói rằng mình mới là người đã bắn chết bin Laden. Anh ta xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình khác nhau nói Bissonnette là kẻ giả dối, hám danh hám lợi. Bissonnette cũng “phản pháo” lại. Cuộc khẩu chiến giữa hai cựu thành viên đơn vị lính đặc nhiệm tinh nhuệ nhất của Mỹ diễn ra trên sóng truyền hình quốc gia để khán giả cả nước theo dõi. Bộ Tổng tư lệnh phải gấp rút viết thư cho các đơn vị quán triệt chỉ đạo: “Đảm bảo bí mật thông tin tuyệt đối, không vì lợi ích cá nhân mà tiết lộ thông tin!”.
Một đồng đội cũ giấu tên của cả Mark Bissonnette và Rob ONeill trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC rằng: “Cả hai người họ đều không phải là người đầu tiên leo lên tầng ba và nhìn thấy bin Laden. Nhưng người thực sự làm việc đấy sẽ không bao giờ tiết lộ danh tính của mình vì anh ta là người có tự trọng… Điều duy nhất Bissonnette và ONeill muốn cái danh “anh hùng giết trùm khủng bố” để sau này có thứ mà bám vào kiếm ăn!”.
Lê Công Vũ
Đoàn xe quân đội Myanmar bị đánh bom |
Quân đội Mỹ bắt đầu rút khỏi sân bay Kabul |
Quân đội Mỹ nổ súng tiêu diệt những kẻ quá khích tại sân bay Kabul |