Cơ hội cho xuất khẩu thực phẩm

Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại (XTTM) với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2023 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 28/2, các Tham tán cho rằng, dư địa cho xuất khẩu thực phẩm, thực phẩm chế biến của Việt Nam vào các thị trường châu Á và thị trường châu Đại Dương, châu Phi là rất lớn. Tuy nhiên, để chinh phục được thị trường thì trước hết các sản phẩm phải tuân thủ các yêu cầu về chất lượng của nước sở tại.

Mặc dù tình hình thế giới đã có những phục hồi tích cực, tuy vậy, ngành chế biến thực phẩm được dự báo sẽ tiếp tục gặp những trở ngại về mặt vĩ mô và môi trường kinh doanh trong năm 2023. Tuy nhiên, với lợi thế phát triển nông nghiệp, nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời, rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu (XK) hằng năm.

Cơ hội cho xuất khẩu thực phẩm -0
Thực phẩm, thực phẩm chế biến Việt Nam có nhiều cơ hội chinh phục các thị trường lớn.

Có thể nói, với lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào, ngành chế biến thực phẩm còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, trong đó đặt định hướng xuất khẩu đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản cần tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị kinh tế cao với, nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng.

Bên cạnh đó, dù sức cạnh tranh rất lớn trên thị trường XK, các mặt hàng nông, lâm thủy sản của Việt Nam phần nhiều vẫn XK chủ yếu sản phẩm thô và qua đường tiểu ngạch. Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam vẫn đang phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực ASEAN, Châu Á hay của chính khách hàng lớn của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam là Trung Quốc.

Các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ điều hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Những thay đổi hành vi tiêu dùng cũng ảnh hưởng trái chiều đối với các DN XK Việt Nam, đặc biệt là xu hướng toàn cầu hiện đang rất ưu tiên các nguồn đạm thực vật thay thế cho nguồn đạm từ động vật, dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ. Đây rõ ràng là thách thức nhưng cũng nên nhìn nhận như cơ hội cho các DN XK thực phẩm chế biến của Việt Nam nắm bắt và phát triển.

Đơn cử như với thị trường Malaysia, ông Lê Phú Cường, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho rằng, các DN XK hàng thực phẩm cần lưu tâm đến XK các sản phẩm thực phẩm có chứng chỉ Halal sang thị trường Malaysia do tỷ lệ người theo đạo Hồi ở Malaysia lớn và chỉ lựa chọn các sản phẩm được cấp chứng chỉ Halal.

Hơn nữa, Malaysia đang tăng cường kiểm soát giá cả sinh hoạt do thiếu hụt nguồn cung một số loại thực phẩm, các DN sản xuất sản phẩm cho nhu cầu thiết yếu như trứng, gạo… nên quan tâm kết nối với hệ thống phân phối để gia tăng XK …; phối hợp với Thương vụ gửi hàng sang trưng bày tại phòng hàng mẫu tại Thương vụ.

Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho rằng, DN cần khai thác XTTM cả truyền thống và online. Cà phê là mặt hàng tiềm năng cho nông sản Việt tại Hàn Quốc. Thương vụ đang cùng với DN tìm hiểu xu hướng cà phê của thị trường Hàn Quốc, định hướng tiêu dùng của người Hàn Quốc để có cách thâm nhập thị trường một cách hiệu quả nhất, gia tăng XK cà phê của Việt Nam sang thị trường này.

Ông Nguyễn Phú Hòa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia cho rằng, nhu cầu về thực phẩm, thực phẩm chế biến tại thị trường Australia là rất lớn. Để XK vào thị trường này, các ngành hàng hết sức chú ý về vấn đề chất lượng, tiêu chuẩn chất lượng, xuất xứ hàng hoá phải ghi rõ.

Để quảng bá hình ảnh và sản phẩm Việt tại thị trường Austrailia, Thương vụ có một số hoạt động như hỗ trợ DN tham gia các hội chợ tại Austrailia, DN có thể đăng ký qua online hoặc gửi sản phẩm cho Thương vụ, Thương vụ sẽ có trách nhiệm giới thiệu, quảng bá, trưng bày sản phẩm của DN tại gian hàng trưng bày của Việt Nam để các nhà nhập khẩu tìm hiểu thông tin.

Ngoài ra, Thương vụ đã xuất bản ấn phẩm hàng hoá của DN Việt trên nền tảng online để nhà nhập khẩu biết. Thời gian qua, Thương vụ đã giới thiệu thành công cho một số nông sản của Việt Nam tiếp cận thị trường Australia, như 10 ngàn người đã dùng thử gạo của Việt Nam, đến nay, gạo đã thâm nhập được thị trường, bán tại các siêu thị Australia và được người tiêu dùng đón nhận. Hiện, Thương vụ đang làm việc để đưa gạo nếp cái hoa vàng sang giới thiệu tại các siêu thị, để người tiêu dùng Austrailia dùng thử.

Đại diện Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch tại Hà Nội đề xuất Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại để có thể đưa doanh nghiệp hội viên đi dự các triển lãm, hội chợ quốc tế nhiều hơn, tìm kiếm nhà mua, tìm kiếm cơ hội... Mặt khác, đề nghị Bộ Công Thương ưu tiên giới thiệu và tăng cường xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm minh bạch thông tin, có QR code đúng chuẩn, có nhật ký sản xuất điện tử.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, để XK vào các thị trường thì trước hết DN cần phải sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng XK chính ngạch, tiêu chuẩn theo yêu cầu chất lượng của thị trường nhập khẩu. Thời gian tới, các Thương vụ cần phải nắm bắt các chính sách của nước sở tại và khu vực để có những khuyến cáo, thông tin cho DN nắm bắt được và có nghiên cứu để có những phản ứng chính sách cụ thể.

 https://cand.com.vn/Thi-truong/co-hoi-cho-xuat-khau-thuc-pham-i685024/

Lưu Hiệp / Công an nhân dân