Giữa những áp lực bủa vây của ngành nghề, câu chuyện giáo viên phải quỳ gối để xin lỗi phụ huynh học sinh không chỉ làm tổn thương đến những người thầy. Thật khó tin câu chuyện này có thể xảy ra ở trường học – nơi góp phần quan trọng giáo dục nhân cách con người.
Trường TH Bình Chánh (Long An), nơi xảy ra sự việc giáo viên phải quỳ xin lỗi phụ huynh. Ảnh: Kỳ Quan
"Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy", "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”… “. Những câu ca dao, tục ngữ này đã ăn sâu vào tâm trí nhiều người, nhắc nhở tất cả chúng ta về truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.
Những người đã từng qua thời cắp sách đến trường, chắc hẳn đôi lần từng bị thầy cô trách phạt. Có người bị cho “ăn roi”, hoặc đứng xó lớp. Có thể lúc đó rất giận giáo viên, nhưng sau này nhìn lại, thấy đó là bài học, nhờ nó mà mình nên người.
Khi xã hội ngày càng hiện đại, quan niệm “dạy dỗ bằng đòn roi” đã không còn phù hợp. Không ít giáo viên có hành vi đánh hoặc đưa ra hình phạt quá nặng với học sinh đã bị xã hội lên án.
Nhiều giáo viên tâm sự bây giờ họ rất “ngại động đến học sinh”, bởi không nhận được sự đồng cảm của phụ huynh trong việc phối hợp để dạy dỗ con cái họ. Có thể chỉ cần một chút nóng giận, giữa thời mạng xã hội và công nghệ phát triển như hiện nay, giáo viên dễ bị mất việc hoặc bị kỷ luật.
Giáo viên chịu “lùi”, nhưng không có nghĩa phụ huynh được đà lấn tới. Đến mức phụ huynh kéo đến trường bắt cô giáo quỳ xin lỗi, để biết “quỳ khổ như thế nào” như sự việc xảy ra mới đây tại Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An).
“Xã hội đảo lộn hết rồi!”, “không thể chấp nhận được!” là lời cảm thán của nhiều bạn đọc trước những thông tin về vụ việc hy hữu này.
Anh Nguyễn Văn Toàn (trú tại đường Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dùng từ “ăn miếng trả miếng” khi được hỏi ý kiến về sự việc đang gây xôn xao dư luận xã hội. Anh cho rằng cách hành xử theo kiểu hơn thua, chợ búa này hoàn toàn không nên xảy ra trong môi trường học đường.
“Phụ huynh đã quá sai rồi. Anh không tôn trọng thì làm sao dạy được con biết tôn trọng thầy cô và những người lớn tuổi khác. Chúng sẽ học được gì khi thấy bố mẹ “xử” cô vì dám phạt mình. Rồi mai đây, ai dám dạy dỗ con cái anh chị khi chúng làm điều sai?” – anh Toàn chia sẻ bức xúc.
Bày tỏ quan điểm về câu chuyện này, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - cho biết, ông không ủng hộ việc giáo viên dùng đòn roi, hình phạt quá hà khắc để giáo dục trẻ. Việc bị giáo viên trách phạt quá nặng có thể khiến học sinh sợ hãi, không hứng thú với việc học nữa.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc phụ huynh khiến cô giáo phải quỳ xin lỗi là không thể chấp nhận. Đây không phải là cách phụ huynh giúp giáo dục con em mình tiến bộ hơn, nó đã đi ngược truyền thống “tôn sư trọng đạo" của dân tộc.
Việc này cũng cho thấy mối quan hệ giữa giáo viên (nhà trường) với phụ huynh ngày càng rạn nứt. Mà khi điều này xảy ra, đứa trẻ liệu có nên người?
Bảng đen, thước kẻ và cái quỳ gối của cô trong tâm hồn trẻ nhỏ
Đã có một thời, chúng tôi, thế hệ 7x, 8x lớn lên cùng với bảng đen và những cây thước kẻ bảng của cô giáo ... |
Chuyên gia giáo dục lên tiếng: Bắt quỳ gối là một “nhục hình”
Liên quan đến sự việc cô giáo phạt học sinh quỳ gối và rồi lại quỳ xin lỗi phụ huynh học sinh, nhiều chuyên gia ... |
Giáo viên quỳ gối xin lỗi phụ huynh ở Long An: \'Cô giáo tự nguyện, chúng tôi không ép\'
Một trong bốn phụ huynh khẳng định không có việc bắt ép cô giáo N. quỳ gối, mà hoàn toàn do cô này tự nguyện. |