Có gì ở nơi giá đất ‘nóng’ nhất Hà Nội?

Sức hút từ loạt dự án hạ tầng nghìn tỷ cùng hiệu ứng lên quận đang khiến giá đất ở huyện Đông Anh (Hà Nội) nổi "sóng", nhà đầu tư dồn dập đổ về.

“Tay to” trở lại, môi giới quay cuồng chào hàng

Sáng sớm một ngày cuối năm, PV có mặt tại xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh, Hà Nội) - nơi tập trung nhiều phòng môi giới bất động sản nhất vùng. Sau khoảng 30 phút, với 6 cuộc gọi điện thoại kết nối không thành công, PV (trong vai người tìm mua đất nền) mới được anh Nguyễn Mạnh Linh - một môi giới bất động sản - gọi lại. Anh Linh lý giải đang phải chuẩn bị tiếp đón nhiều đoàn khách “tay to” sắp về tới nơi xem đất.

Anh Linh kể, từ trước Tết 2024 đến nay, số lượng nhà đầu tư cả cũ lẫn mới quan tâm tới thị trường nhà đất khu vực này đã xuất hiện ngày càng dày hơn. "Bất động sản ở đây lại nóng như chảo lửa rồi, đặc biệt nhiều nhà đầu tư tay to đã trở lại săn hàng nên thị trường sẽ còn nóng thêm", anh Linh mở đầu câu chuyện bằng lời dự báo.

Mới 1 năm trước, khi nền kinh tế còn chịu ảnh hưởng sau đại dịch COVID-19, bất động sản ở đây trầm lắng khiến nhiều văn phòng môi giới phải đóng cửa triền miên. Nhưng hiện mọi nơi đều trở nên chật hẹp, bận rộn vì ngày càng nhiều nhân viên đến làm việc và khách đua nhau tìm mua đất. “Còn nhớ thời điểm 2022, công ty tôi từ 8 nhân viên giảm xuống chỉ còn 3, thay nhau ra văn phòng quét dọn, chứ chẳng có khách nào. Ấy thế mà từ đầu năm nay, nhiều khi bận từ sáng sớm vì khách tới tấp gọi hẹn lịch xuống xem đất”, anh Linh nói.

Như sợ chúng tôi chưa tin, anh Linh kể: “7h sáng nay tôi ra mở cửa công ty, sau đó đến hàng ăn sáng, tính ăn xong thì gọi một cốc cà phê rồi mới bắt đầu làm việc. Vậy mà chưa ăn xong bát phở, khách đã gọi hỏi về đất. Trung tâm môi giới bất động sản nào cũng bận, chứ không riêng gì chỗ tôi”.

Tại văn phòng Đăng ký đất đai ở Đông Anh, nhiều người chen nhau làm dịch vụ. (Ảnh: NVCC)

Tại văn phòng Đăng ký đất đai ở Đông Anh, nhiều người chen nhau làm dịch vụ. (Ảnh: NVCC)

Anh Linh nói chưa dứt thì có 2, 3 xe ô tô chở đầy ắp người tiến vào xã Uy Nỗ. Các xe này đỗ trước cửa một trung tâm môi giới bất động sản cách chỗ làm của anh Linh không xa. Chỉ một vài phút sau, cả đoàn lại kéo nhau đi. Anh Linh giải thích, môi giới chắc đang dẫn khách đi xem đất.

Theo anh Linh, có rất nhiều người đang muốn tìm mua đất ở Đông Anh, chủ yếu là khách đến từ nội thành Hà Nội và các vùng lân cận. Với anh Linh và dân môi giới bất động sản, nhiều vị khách đã quen mặt vì họ vốn nổi tiếng là nhà đầu tư chuyên đi “săn” đất, đã về Đông Anh nhiều lần, họ mua cả đất đấu giá lẫn đất thổ cư.

“Đất đấu giá rất rõ ràng về pháp lý, giá cả đã được thị trường chứng thực sau các vòng đấu. Nếu không trực tiếp đấu được, nhà đầu tư sẵn sàng mua bán sang tay để đầu cơ", anh Linh cho biết.

Đất vừa đắt vừa hiếm

Trò chuyện với anh Linh và những môi giới bất động sản khác, PV được biết đất giá đất Đông Anh đang tăng vù vù. Ở dọc trục đường Quốc lộ 3, đoạn chạy qua xã Uy Nỗ, giá đất thậm chí đã lên gần 300 triệu đồng/m2. Và không phải ai sang “chợ đất” Đông Anh cũng dễ dàng mua được, đặc biệt là đất thổ cư. Nguyên nhân là do giá đất đang ngày càng “nóng” nên người dân ở đây có tâm lý không muốn tung hàng vì tiếc và muốn chờ giá lên nữa.

“Từ đầu năm đến nay, tôi bị mấy vụ khách mắng không kịp vuốt mặt rồi. Hẹn hò họ sang xem đất thổ cư nhưng khi khách sang đến nơi thì chủ đất lại không bán, hoặc đòi nâng giá lên rất nhiều khiến khách giận dữ vì mất thời gian mà không mua được. Đó là tôi đã cẩn thận hỏi kỹ chủ đất trước khi mời khách sang, thế mà vẫn bị “việt vị”. Nhưng dù sao tôi vẫn may mắn, có môi giới còn dính vụ khách đã đặt cọc rồi mà chủ đất vẫn lật kèo, trả lại cả cọc và tiền bù cọc nhằm giữ đất”, anh Tiến Dũng - một môi giới chuyên về đất thổ cư - kể.

Nhiều khu đất đấu giá ở Đông Anh một bên là phân lô bán nền, một bên vẫn là đồng lúa thẳng cánh cò bay.

Nhiều khu đất đấu giá ở Đông Anh một bên là phân lô bán nền, một bên vẫn là đồng lúa thẳng cánh cò bay.

Cũng theo anh Dũng thì người dân Đông Anh giờ đã khác xưa rất nhiều. Nếu thời điểm sốt đất năm 2020 - 2021, họ ào ạt bán đất, nhà nào có đất cũng đua nhau “xẻ” ra để bán nhằm được “đổi đời” thì nay họ lại chỉ muốn găm lại. “Một phần do cũng không còn nhiều đất để bán, sau một đợt bán đất nhiều như bán rau nữa, một phần là vì họ thấy nguồn cung ít, giá lại đang tăng nên không muốn bán hớ mà đợi nghe ngóng thêm”, anh Dũng nhận định.

 

Tiếp lời anh Dũng, một vị khách tên Nam cho biết, anh vừa mua hụt mảnh đất thổ cư sau nhiều lần tự thương lượng với chủ đất. Mặc dù hai bên đã thỏa thuận miệng với nhau, nhưng khi anh Nam mang tiền sang đặt cọc thì chủ đất lại đổi ý. Thất vọng và thấy khó mua đất thổ cư, anh Nam đành quay sang “săn” đất đấu giá.

Anh Linh dẫn chúng tôi cùng một đoàn khách đi xem khu đất đấu giá X7 ở xã Uy Nỗ. Đây là một khu đất rất “hot” vì vị trí nằm ngay sát trung tâm hành chính huyện, có đường vào rộng khoảng 25 m. Đường trải nhựa trong khu đất rộng 7m, hai bên vỉa hè rộng 3m, đầy đủ hệ thống chiếu sáng, cây xanh, thoát nước, đường điện ngầm đã hoàn thiện. Đặc biệt là chỉ mất 5 phút  lái xe ra là ra đến cầu Nhật Tân, 17 phút lái xe lên là lên tới sân bay Nội Bài.

Dù ở khu đất này chưa có mái nhà nào được cất lên nhưng khách vẫn ưa chuộng, kéo đến xem nườm nượp. Lúc này, không chỉ chúng tôi và anh Linh mà còn thêm 3 - 4 chiếc xe 7 chỗ khác đang lượn lờ quanh khu đất rộng. “Đất ở đây có thửa đã lên 180 triệu đồng/m2, một thửa diện tích 119m2 tính ra phải gần 22 tỷ đồng. Nếu vào từ lúc giá còn 120 triệu đồng/m2 thì đến bây giờ lãi đậm”, anh Linh nói.

Cũng theo anh Linh, vì lẽ đó mà những nhà đầu từ lớn sẵn sàng xuống tiền ôm cả chục lô đất và không chịu nhả ra. Những “cá mập” này sau khi đã đấu giá thành công thậm chí còn mua thêm đất sang tay của nhà đầu tư khác. “Ôm thêm một thời gian, nếu giá đất vẫn trong xu hướng tăng lên thì không biết lợi suất nhân thêm bao nhiêu lần”, anh Linh nói như mời mọc.

Tiếp những vị khách về mua đất như chúng tôi, môi giới liên tục chỉ vào những ô màu xanh, đỏ, vàng trên bản đồ và thao thao bất tuyệt về những thửa đất đấu giá tại nhiều vùng ở huyện Đông Anh như thể đã nắm gọn tất cả chúng trong lòng bàn tay. Thậm chí, họ còn nhiệt tình phân tích những lợi thế hoặc điểm hạn chế khi đầu tư vào từng thửa đất cụ thể.

Theo môi giới, những lô ở gần trung tâm hoặc gần khu công nghiệp, gần dự án của các tập đoàn bất động sản lớn, đang tăng giá đến chóng mặt. Ví dụ những lô đất giáp khu công nghiệp Đông Anh (rộng 300 ha) đang rất "hot". Hay những thửa đất đấu giá ở khu Lệ Pháp đang có giá khoảng 125 - 135 triệu đồng/m2, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Khu đất đấu giá ở Thụy Lâm cũng đang là điểm nóng hơn bao giờ hết bởi quỹ đất đấu giá ở khu này còn tương đối nhiều, hạ tầng đẹp và tiềm năng đầu tư lớn.

Người dân thờ ơ với "sốt" đất

Một điều dễ nhận đó là người dân không còn “sốt xình xịch” với đất như mấy năm về trước. Trước kia, mỗi câu chuyện của người dân nơi đây đều gắn với giá đất, đều là mời chào khách mua đất, họ sẵn sàng làm giá như những môi giới chuyên nghiệp. Nhưng bây giờ, họ đều tỏ ra không quan tâm với cơn sốt mới.

Sau khi dạo quanh một số khu đất đấu giá ở xã Uy Nỗ, rồi khu Hà Lỗ (xã Liên Hà); Lễ Pháp (xã Tiên Dương)...đều vắng vẻ, với một bên là đất và một bên là ruộng đồng, PV đến khu đất đấu giá ở xã Thụy Lâm, cách trung tâm Đông Anh khoảng 6km. Đây là khu đất được giới môi giới bất động sản ở Đông Anh đánh giá là có tiềm năng lớn bởi quy hoạch tốt, không những ở sát trường học mà còn có khu sân chơi rộng lớn. Thời điểm lô đất được đấu giá thành công với giá khoảng 39 triệu đồng/m2, ai cũng chê đắt. Thế mà chỉ sau vài tháng, hiện giờ khu đất đấu giá này đã lên cả hai chục giá chỉ sau 3-5 tháng.

Khoảng 16h, ánh nắng vàng vọt trải dài cả khu đất đấu giá Thụy Lâm, xuyên qua những con đường nhựa phân lô đang được phủ đầy thóc lúa của người dân địa phương. Khi được chúng tôi hỏi về giá của lô đất này, ông Ly, một nông dân sống gần đây bình tĩnh nói: “Sau khi hình thành lô đất đấu giá này, đã nhiều năm trôi qua nhưng tôi chỉ thấy một người cùng làng mua một thửa với giá khoảng 2,5 tỷ đồng và xây nhà lên ở thôi. Còn lại thì vẫn chưa ai mua, cỏ dại mọc um tùm”.

Mặc dù nằm ngay mặt đường Thư Lâm (xã Thụy Lâm) nhưng khu này không sầm uất, xung quanh còn nhiều đồng ruộng. Trong tâm niệm của ông Ly, đây là khu đất được Nhà nước thu để xây trường học, còn thừa mới đem ra bán đấu giá. Đối với ông, khu đất này vẫn đang có giá khoảng hơn 30 triệu đồng/m2 thôi, còn cao hơn là do đã được “thổi giá”.

“Giá đó người làng đã không có tiền mà mua rồi, nếu còn tăng lên thì chỉ có đại gia mới mua nổi. Mà đại gia ai lại về khu này sống. Tôi không tin giá đất ở đây lại có thể cao như thế. Cách đây mấy năm, khi mới có khu đất này, xe cộ cũng kéo về nườm nượp. Môi giới cũng mọc nhiều như nấm, mỗi ông một lều, nhạc bật inh ỏi, nhưng đến giờ cỏ dại vẫn mọc um tùm, những ô đất vẫn ở đấy và môi giới vẫn phải mời chào khách mua. Vậy thì tôi hỏi sốt đất ở chỗ nào?”, ông Ly thắc mắc.

Thấy có người hỏi đất, ông Vinh, bà Thủy… và nhiều người dân đang phơi thóc lúa khác cũng xúm lại nói: “Môi giới họ làm giá lên thôi, chứ sốt với đắt như thế mà chẳng thấy ai mua đâu”, một người khẳng định.

Một khu đất đấu giá đang được trưng dụng để làm sân phơi nông sản.

Một khu đất đấu giá đang được trưng dụng để làm sân phơi nông sản.

Đáng chú ý, khi được ngỏ lời về việc bán đất thổ cư, nhiều người dân đều nói họ không còn mặn mà với việc bán đất nữa. “Làm gì còn nhiều đất mà bán. Hơn nữa, đã có nhiều bài học nhớ đời xảy ra rồi. Bán đất thì dễ nhưng tiền tiêu rồi cũng hết, trong khi đất ngày càng cạn kiệt nên chúng tôi giờ chỉ muốn giữ đất để an cư và canh tác. Chưa kể, giá đất nhiều khi bị thổi quá lên, khách nào tinh ý sẽ không chấp nhận mức giá đó. Khách cứ kéo đến xem mà không chốt cũng khiến chúng tôi mệt mỏi, chán nản và không thiết tha với việc bán đất nữa. Trước mắt đợi huyện chính thức lên quận, các dự án chính thức hoàn thành, thị trường xác định giá chuẩn, chúng tôi mới nghĩ đến việc bán đất”, ông Ly nói.

https://vtcnews.vn/co-gi-o-noi-gia-dat-nong-nhat-ha-noi-ar915975.html

Công Hiếu / VTC News