Cô gái Hà Nội tuyên chiến ‘hà bá’, níu đất làng ở lại Triêm Tây

Trước khi cô gái Hà Nội đặt chân đến xứ Quảng, hơn một thập kỷ, sông Thu Bồn gầm gừ dậy sóng và nuốt chửng phân nửa làng Triêm Tây.

Cô gái Hà Nội chống sạt lở ở Quảng Nam

Trời vào hè, dải đất miền Trung hứng cái nắng như đổ lửa. Cơn nóng hầm hập bỏng rát mặt người và len lỏi khắp muôn vạn nẻo đường.

Ấy nhưng, tự bao đời qua, ở xứ Quảng vẫn có một nơi mùa hè dường như “bỏ quên”.

Đó là vùng đất Triêm Tây (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). Ngôi làng biệt lập bên bờ tiệm cận hạ nguồn con sông Thu Bồn.

Triêm Tây tọa lạc biệt lập bên bãi bờ tiệm cận hạ nguồn con sông Thu Bồn.

Những rặng tre già cỗi ăn sâu vào lòng đất, cánh rừng thông bạt ngàn phủ bóng mát rượi cùng hơi nước Thu Bồn phảng phất trong gió se – tất cả cùng dung hòa, “khoác tấm áo” cho ngôi làng Triêm Tây trở nên dung dị, bình yên đến lạ giữa nhịp sống ồn ã, xô bồ.

Thế nhưng, ít ai biết rằng, ngôi làng yên bình này từng hứng chịu những trận sạt lở kinh hoàng. Để rồi, Triêm Tây chứng kiến bao bận người dân tháo dỡ nhà cửa, lầm lũi rời làng mà đi trong nỗi xót xa.

Trong hồi ức của ông Võ Đăng Sự - Trưởng thôn Triêm Tây, hình ảnh bà con khăn gói di dời sau trận lũ dữ của 18 năm về trước vẫn chưa thôi ám ảnh.

Nửa đêm, khúc sông tự bao đời bao bọc lấy ngôi làng bỗng dưng dậy sóng, nuốt chửng gần cả trăm mét bãi bồi rồi “ngoạm” luôn các dãy nhà thấp lè tè của bà con.

“Năm 2001, 37 hộ dân phải di cư vì cơn lũ lớn gây sạt lở nghiêm trọng, hàng chục ngôi nhà chìm trong biển nước. Từ cột mốc thời gian này cho tới năm 2014, ước chừng hơn 27 hecta đất của làng chìm nghỉm dưới đáy sông.

Hiện tại, diện tích đất của thôn chỉ còn khoảng 12 hecta. 3 năm qua, Triêm Tây không bị mất một tấc đất nào nhờ dự án của Hạnh”, ông Sự chia sẻ.

Võ Mỹ Hạnh - cô gái Hà Nội chống sạt lở ở làng Triêm Tây. 

Cô gái tên Hạnh mà ông Sự nhắc đến có tên đầy đủ là Võ Mỹ Hạnh (SN 1987) – người khoác “tấm áo mới” cho ngôi làng Triêm Tây.

Hạnh thổ lộ, cô vốn dĩ không phải người dân bản địa. Quê Hạnh ở tít tận Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, Hạnh có nhiều năm làm việc cho các tổ chức phi chính phủ.

Năm 2014, cô gái gốc Thủ đô theo đoàn công tác đặt chân đến Triêm Tây để tham gia dự án phát triển du lịch cộng đồng.

Thuở bấy giờ, khi chưa có cây cầu Cẩm Kim nối đôi bờ Thu Bồn, muốn sang làng phải lâm cảnh lụy đò. Triêm Tây trong mắt cô gái Hà Nội mang dáng vẻ hoang sơ và bình dị.

“Bãi bồi bé nhỏ này cuốn hút tôi ngay từ cái lần đầu tiên chạm chân đến. Tôi tìm hiểu lịch sự của làng và đặc biệt là các trận sạt lở biến Triêm Tây trở thành mảnh đất dữ khiến bà con lũ lượt bỏ đi.

Lúc ấy, tôi nuôi quyết tâm phải làm một điều gì đó ở ngôi làng nằm ngay ngã ba sông”, Hạnh bộc bạch.

Điều mà Hạnh nung nấu ấy chính là tuyên chiến với “hà bá”, níu từng thớ đất ở lại với Triêm Tây.

Nghĩ là làm, cuối năm 2014, Hạnh bỏ ngang công việc mang lại nguồn thu nhập cao ngất ngưởng, đồng thời gói ghém đồ đạc ở quê và vượt hàng trăm cây số trở lại Triêm Tây.

Với kiến thức nhiều năm tích lũy khi tham gia hàng loạt dự án chống sạt lở ở miền Tây, Hạnh khảo sát và thiết kế bờ kè sinh thái men theo con sông Thu Bồn uốn một đường vòng cung ôm lấy ngôi làng Triêm Tây bé nhỏ.

Kè sinh thái của Hạnh giải "bài toán" sạt lở kéo dài suốt hàng chục năm ở Triêm Tây. 

Thế nhưng, những hàng dừa nước trồng xen kẽ cùng dãy cọc tre cản sóng được dựng lên từ ý tưởng ban đầu của Hạnh chỉ trụ vững vỏn vẹn chưa đầy 2 năm.

Nhắc đến đây, Hạnh kể: “Năm 2016, trận lũ lớn phá tan hoang tuyến bờ kè sinh thái khiến Triêm Tây đứng trước nguy cơ tái sạt lở.

Rất may, giữa cái khó ló cái khôn, lúc bần thần đi dọc bờ sông, tôi vô tình bắt gặp những bụi sậy kiên cường trước sóng nước.

Chứng tỏ, loại cây này có tác dụng chống sạt lở. Từ đó, tôi quyết định tái thiết lại dự án của mình và bước đầu gặt hái thành công”.

 “Hái quả ngọt” từ dự án chống sạt lở

Ở lần thứ 2 “thách chiến” sạt lở ở Triêm Tây, Hạnh nở nụ cười mãn nguyện.

Tuyến bờ kè có kết cấu 3 lớp đến từ bản thiết kế của Hạnh cùng sự chung tay, góp sức của dân làng Triêm Tây được dựng lên vào đầu năm 2017.

Võ Mỹ Hạnh bên tuyến bờ kè sinh thái. 

Cùng năm ấy, nước sông Thu Bồn bao phen cuộn trào nhưng “hà bá” đành chào thua trước “bức tường thành” kiên cố. 

“Nếm trải thất bại với lớp bờ kè yếu ớt, ở lần thứ 2, tôi cùng bà con trong thôn tạo 3 lớp kè chắn sóng. Lớp thứ nhất là cây bần, lớp thứ hai được trồng đan xen cây sậy và cỏ búa, lớp cuối cùng là hàng dương liễu.

Nhờ sự chắn chắn này mà 3 năm qua, đất Triêm Tây được giữ lại. Người dân trong làng cũng không lũ lượt bỏ đi nơi khác kiếm kế sinh nhai nữa”, Hạnh vui vẻ bộc bạch.

Chứng kiến thành công từ dự án chống sạt lở của cô gái Hà Nội, mới đây, UBND TP Hội An cử cán bộ đến học hỏi mô hình và áp dụng tại xã Cẩm Kim.

Không ai khác, chính Hạnh là người đứng ra thiết kế và dốc công giúp xã vùng trũng của đô thị cổ Hội An tạo dựng hơn 200m bờ kè sinh thái kiên cố.

Khi “bài toán” chống sạt lở đã tìm ra lời giải, từ cuối năm 2018, Võ Mỹ Hạnh theo đuổi một dự án khác.

Trung bình mỗi ngày, cơ sở của Hạnh cung cấp hàng nghìn ống hút làm từ cây sậy cho các cửa hàng ăn uống ở phố cổ Hội An. 

Ngay tại trang trại mang tên An Nhiên tọa lạc giữa làng Triêm Tây, Hạnh cùng các bạn trẻ “khai sinh” một loại ống hút mới lạ.

Và điều đặc biệt là ống hút này được sản xuất từ chính thân cây sậy – loại cây giúp Hạnh bảo vệ “tấc đất tấc vàng” Triêm Tây.

Chia sẻ về điều này, Hạnh cho hay: “Trong quá trình tiếp xúc với cây sậy, tôi nhận thấy thân cây nhỏ bé này có thể dùng làm ống hút nhằm thay thế ống hút nhựa vốn dĩ không tốt cho môi trường.

Hơn nửa năm nay, An Nhiên cung ứng một lượng lớn ống hút sậy cho các cửa hàng ăn uống ở phố cổ Hội An”.

THANH BA

TP HCM không dùng ly, ống hút nhựa
Quy trình sản xuất ống hút tre thu chục tỷ mỗi tháng của 8X Việt
Kỳ diệu rác thải nhựa hóa cánh đồng ống hút, đại dương nylon
'Tôi đã mua ống hút thủy tinh để thay ống nhựa'
/ vtc.vn