Hình ảnh bồng con đi thi của một bà mẹ trẻ ở Afghanistan thôi thúc cộng đồng gây quỹ để trang trải học phí cho cô.
Cô gái làm nông Jahantab Ahmadi ngồi bệt xuống mặt đất, bế con trong lòng và chăm chú làm bài thi tuyển sinh đại học. Khoảnh khắc này được chụp bởi một giáo sư tại trường đại học tư thục Nasir Khusraw ở miền trung Afghanistan, đất nước nơi phần lớn phụ nữ thất học và bị đối xử như những công dân thuộc tầng lớp thứ hai.
Sau khi đăng lên mạng, bức ảnh lan truyền mạnh mẽ, khiến cộng đồng ngưỡng mộ và đề nghị ủng hộ tài chính cho bà mẹ ba con 25 tuổi, theo Telegraph ngày 26/3.
Bức ảnh chụp Ahmadi bồng con thi đại học vô tình giúp cô hoàn thành giấc mơ. Ảnh: Getty Images
Ahmadi, người đến từ một làng nông nghiệp xa xôi ở Daikundi, nơi lúa mì, ngô và khoai tây mang lại nguồn thu nhập ít ỏi, nói với tờ AFP ở Kabul: "Tôi không muốn bị thiếu thốn về giáo dục. Tôi muốn làm việc bên ngoài căn nhà của mình. Tôi muốn trở thành một bác sĩ, một người phục vụ phụ nữ trong cộng đồng".
Cô đã đỗ kỳ thi sau khi vượt qua hành trình gian nan để đến thủ phủ Nili, cách hai tiếng đi bộ qua những ngọn núi và chín tiếng trên phương tiện giao thông công cộng, qua những con đường gập ghềnh.
Hiệp hội Thanh niên Afghanistan lập ra một chiến dịch trực tuyến GoFundMe để giúp gây quỹ cho Ahmadi trả học phí đại học, đến nay quyên được hơn 14.000 USD - một gia tài ở quốc gia có khoảng 39% dân số sống trong nghèo đói.
Ahmadi khá sửng sốt khi được bạn bè trong làng cho biết bức ảnh cô bồng em bé Khizran trong kỳ thi tháng trước gây được sự chú ý mạnh mẽ. Lúc làm bài, cô tập trung đến mức không nhận ra mình bị chụp ảnh.
Khi cuộc thi tổ chức ngoài trời bắt đầu diễn ra, Ahmadi ngồi ở bàn, ôm Khizran trong lòng. Nhưng đứa trẻ sơ sinh bị đau tai và không ngừng khóc. Để dỗ con gái yên lặng và không làm phiền thí sinh khác, Ahmadi ngồi bệt xuống sàn, núp sau bóng lưng một người khác và tiếp tục viết.
Người dùng mạng xã hội trên khắp cả nước ca ngợi quyết tâm của Ahmadi trong việc theo đuổi giáo dục.
"Bạn đã cho thấy một cô gái Hazara có thể làm bất kỳ điều gì trong bất kỳ tình huống nào", Nazar Hussein Akbari viết trên Facebook, nhắc đến việc Ahmadi là một phần của nhóm dân tộc Hazara bị ngược đãi.
Ahmadi cùng chồng và con gái út. Ảnh: Getty Images
Nhà hoạt động nhân quyền người Afghanistan Zahra Yagana cũng rất ấn tượng với bức ảnh. Bà liên lạc với Ahmadi và thuyết phục cô đến thủ đô Kabul học tập. "Nếu cô ấy phải học ở Daikundi thì sẽ rất khó khăn. Tiêu chuẩn giáo dục ở đó rất thấp, không có ký túc xá sinh viên và cô ấy sẽ phải sống trong một ngôi nhà thuê. Chúng tôi sẽ cho cô ấy một ngôi nhà ở Kabul. Nhiều bạn bè của tôi đã hứa giúp đỡ cô ấy. Chúng tôi cũng đang tìm việc cho chồng cô ấy và quyên tiền để những đứa trẻ được đến trường", bà Yagana nói với AFP.
Đối với Ahmadi, điều này sẽ giúp cô hoàn thành giấc mơ. "Mục tiêu của đời tôi là được nhận vào trường đại học. Nhưng do kinh tế nghèo nàn, tôi không thể đủ khả năng chi trả cho ba hoặc bốn năm học", Ahmadi, người đã tốt nghiệp trung học sau khi kết hôn ở tuổi 18 cho biết.
Theo số liệu chính thức, tỷ lệ biết chữ của Afghanistan ở mức thấp bậc nhất thế giới, chỉ 36%. Con số này càng thấp hơn ở phụ nữ.
"Tôi không muốn bị bỏ lại", Ahmadi nói.
Afghanistan tuyên bố quốc tang sau vụ đánh bom ở thủ đô
Afghanistan tuyên bố quốc tang một ngày để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom do Taliban thực hiện hôm 27/1 ... |
Con tin trốn khỏi khách sạn bị tấn công ở Afghanistan bằng ga giường
Các con tin liều mình trốn khỏi khách sạn bị tấn công ở Kabul bằng cách nối ga trải giường thành sợi dây rồi dần ... |