Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thông báo lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học, trong đó có nội dung bằng tốt nghiệp đại học sẽ không ghi loại hình đào tạo và không ghi mục xếp loại (xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá và trung bình). Điều này đã dẫn tới nhiều ý kiến cho rằng như vậy không phù hợp, không công bằng với những sinh viên nỗ lực học tập…
Xếp loại sinh viên trên bảng điểm
Vì sao phải thay đổi không ghi xếp loại sinh viên trên bằng tốt nghiệp đại học? Đó là câu hỏi mà những người không đồng tình nêu ra. Trao đổi với Lao Động về băn khoăn này, đại diện Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) cho biết: “Điều 38 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (có hiệu lực từ ngày 1.7.2019) quy định “Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng, phụ lục văn bằng…”. Như vậy, luật quy định đối với giáo dục đại học, người học khi tốt nghiệp sẽ được cấp đồng thời bằng tốt nghiệp và phụ lục văn bằng.
Thực hiện quy định của luật, trong năm 2019, Bộ GDĐT tiến hành xây dựng song song 2 văn bản là Thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân (Thông tư đã hoàn thiện thủ tục và chuẩn bị ban hành); và Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học. Dự thảo Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học chỉ quy định nội dung chính ghi trên văn bằng, các thông tin khác đã quy định phải ghi trên Phụ lục văn bằng và được cấp đồng thời với văn bằng cho người học. Việc cấp văn bằng cùng với phụ lục văn bằng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới” - đại diện Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT nhấn mạnh.
PGS-TS Trần Quang Anh - Phó Giám đốc Học viện Công nghệ-Bưu chính viễn thông - cho hay: “Nhiều quốc gia trên thế giới và ngay cả một số quốc gia bên cạnh chúng ta cũng không đánh giá xếp loại sinh viên trên bằng tốt nghiệp hàng chục năm nay, chỉ ghi thành tích học tập trên bảng điểm - kết quả không thể thiếu khi sinh viên tốt nghiệp đại học. Tôi cho rằng không ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp không có gì quá lo lắng chuyện sinh viên giỏi bị đánh đồng với các bạn có học lực kém hơn, bởi nhà tuyển dụng vẫn có thể biết được thông qua bảng điểm đính kèm”.
Vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận trong việc nên hay không nên bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp đại học. Ảnh: ĐHCĐ |
Đánh giá năng lực làm việc qua bằng cấp là “rất vô nghĩa”
Trao đổi với Lao Động về việc dự thảo Thông tư bỏ ghi xếp loại bằng cấp trên bằng tốt nghiệp, GS-TS Phạm Tất Dong đồng tình ủng hộ việc không phân biệt xếp loại bằng cấp hay loại hình đào tạo để loại bỏ tư duy chạy theo bằng cấp. “Không ghi loại hình đào tạo giúp hướng đến việc vận động toàn dân học tập suốt đời. Nếu người học đạt được tấm bằng đấy bằng trình độ thực thì chúng ta không được kỳ thị tấm bằng đó” - ông Dong nhận định. Đồng thời, ông Dong cho rằng, việc đánh giá năng lực công việc thông qua xếp loại bằng cấp là “rất vô nghĩa” vì một cá nhân đáp ứng xuất sắc các yêu cầu học tập của nhà trường không có nghĩa đáp ứng xuất sắc các đòi hỏi khi lao động thực tế.
Theo chị Nguyễn Thị Hoa - nhân viên xuất sắc làm việc trong một công ty nước ngoài chuyên về lĩnh vực Logistics với mức lương khá cao, bản thân chị đã kinh qua nhiều vị trí kể cả doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài. Điểm khác biệt lớn nhất khi tuyển dụng là quản lý doanh nghiệp nước ngoài không bao giờ hỏi bằng “xếp loại gì” mà chỉ quan tâm bạn đã có những “kỹ năng gì, kỹ năng ấy có phù hợp với doanh nghiệp của chúng tôi hay không?”. Quan trọng nhất vẫn là hiệu quả công việc. “Có những người tốt nghiệp thạc sĩ không được nhận hồ sơ vì vị trí công tác chỉ đòi hỏi trình độ đại học. Họ từ chối với lý do tuyển dụng sẽ gây lãng phí cho cả 2 phía - doanh nghiệp và người lao động” - chị Hoa nói.
Nói về việc bỏ ghi xếp loại trên bằng đại học, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) - cho rằng: Bỏ ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp đại học nếu không có điều kiện thì sẽ không có sự công bằng, không tạo thái độ học tập nỗ lực phấn đấu vì ai cũng giống ai. Cần phải nêu rõ những điều kiện để bỏ đi là gì, đảm bảo được xã hội chấp nhận, để thả nổi thì sẽ có hậu quả.
Còn PGS-TS Phạm Ngọc Trung (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) lại nói rằng, ngay từ đầu hồ sơ của sinh viên phải cụ thể, đánh giá rõ năng lực, trình độ. Như vậy, dù tấm bằng tốt nghiệp không thể hiện nhưng bảng điểm sẽ là căn cứ đầy đủ cả quá trình học tập.
Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14, 84,12% đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu tán thành không phân biệt giá trị văn bằng đại học chính quy và tại chức khi bấm nút thông qua Luật Giáo dục đại học (sửa đổi). |