- U22 Việt Nam - U22 Indonesia: Sự tự tin của ông Troussier
- HLV Troussier tuyên bố không ngán đối thủ nào ở bán kết SEA Games 32
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đặt kỳ vọng cực lớn vào Philippe Troussier khi ký hợp đồng 3 năm rưỡi với HLV này. Mục tiêu của VFF không chỉ là cải thiện thành tích của các đội tuyển mà ở tầm vĩ mô hơn: nâng cao chất lượng chơi bóng và từ đó tiến sát các cường quốc bóng đá ở châu Á. Tuy nhiên, sau thất bại đầu tiên tại SEA Games 32, giới mộ điệu bắt đầu tự đặt câu hỏi: Liệu VFF có dám theo đuổi đến tận cùng?
Thất bại khó tránh
Thất bại tại SEA Games 32 vốn là điều mà những chuyên gia và người hâm mộ thực dụng dự báo từ trước. Họ nhận thấy HLV Philippe Troussier quá mơ mộng khi liên tục nhắc đến mục tiêu World Cup 2026 và thay đổi phong cách bóng đá của tuyển U22 cũng như tuyển quốc gia Việt Nam.
Chiến lược gia người Pháp đã đặt ra một mục tiêu có thể xem là "không tưởng" ở giai đoạn này, đó là tìm cách giúp tuyển Việt Nam chơi ngang ngửa với Hàn Quốc, Nhật Bản và nhấn mạnh vào thời lượng kiểm soát bóng. Ông tin rằng chất lượng chuyên môn của tuyển Việt Nam chỉ có thể nâng cao khi chúng ta cầm bóng ngang ngửa các đội tuyển hàng đầu châu Á.
Khoan nói đến quan điểm của HLV Troussier đúng hay sai. Vấn đề nằm ở chỗ, bóng đá Việt Nam đang kém xa Hàn Quốc, Nhật Bản về mọi mặt. Và để đạt được mục tiêu như Troussier mong muốn, các tuyển thủ Việt Nam sẽ cần rất nhiều thời gian để học hỏi, rèn luyện mà chưa chắc đã thành công.
Thất bại thảm hại ở Doha Cup 2023 là minh chứng cho thấy việc nhắc đến các mục tiêu lớn của HLV Troussier vào lúc này là quá sớm. Và hành trình thất vọng tại SEA Games 32 một lần nữa khẳng định điều đó. Cho dù bất bại tại vòng bảng, U22 Việt Nam hiếm khi thể hiện được triết lý chiến thuật mà HLV Troussier mong muốn. Tương tự như vậy là ở trận đấu với U22 Indonesia. Ngay cả khi chơi hơn người từ giữa hiệp 2, U22 Việt Nam cũng tập trung tấn công bóng bổng nhiều hơn cố gắng triển khai bóng ngắn và tốc độ.
Ngoài việc thích nghi chậm chạp của các cầu thủ, sự non nớt của họ cũng là vấn đề lớn. Đội hình SEA Games 32 của Việt Nam có đến 9 cầu thủ đủ tuổi tham dự SEA Games 33 tại Thái Lan. Có nghĩa là gần một nửa đội hình mà HLV Troussier triệu tập lần này ở lứa U20. Hơn nữa, hầu hết đều chưa từng một lần lên tuyển.
Nếu so sánh với đội hình U22 Việt Nam giành HCV ở SEA Games 30 và 31, U22 Việt Nam hiện tại thiếu thốn đủ đường. Đội bóng của HLV Troussier không được bổ sung các cầu thủ quá tuổi, và họ cũng không có ngôi sao trẻ nào ở đẳng cấp như Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Tiến Linh, Bùi Hoàng Việt Anh, Phan Tuấn Tài, Nguyễn Hoàng Đức…
Chính vì thế, U22 Việt Nam vô địch SEA Games 32 mới là chuyện lạ. U22 Việt Nam dừng bước ở bán kết - cho dù cay đắng và đáng tiếc, không phải điều gì quá ghê gớm.
Vấn đề ở đây là VFF có chuẩn bị tinh thần cho những thất bại kiểu như vậy hay không. Cựu HLV Park Hang_seo từng đưa ra một nhận định rất chuẩn về người hâm mộ Việt Nam, đó là "những người chỉ yêu bóng đá chiến thắng". Thực tế, rất nhiều người đã hết kiên nhẫn với HLV Troussier cho dù ông mới chính thức cầm đội hơn 2 tháng. Đó là áp lực không chỉ đổ dồn vào một mình HLV người Pháp và các cầu thủ, mà đè nặng cả lên vai của VFF.
Liệu VFF có thể chịu đựng sức ép đó đến bao lâu, liệu họ có thể theo đuổi kế hoạch nâng tầm bóng đá đến tận cùng hay không chính là yếu tố quan trọng nhất để xem HLV Troussier có thể thành công hay không. Tin tốt cho HLV Troussier là U23 và tuyển quốc gia Việt Nam sẽ không còn giải đấu lớn nào cho đến Asian Cup tổ chức vào đầu năm sau. HLV người Pháp sẽ có thêm nhiều thời gian để truyền tải triết lý của mình cho các tuyển thủ.
Cần sự đồng bộ
Một vấn đề khác mà bản thân HLV Troussier cũng như nhiều chuyên gia từng nhắc đến. Việc thay đổi toàn diện cả một nền bóng đá không thể chỉ dựa vào một cá nhân nào đó. Tất cả phải chung tay nếu muốn bóng đá Việt Nam tiến lên một đẳng cấp khác, muốn các đội tuyển Việt Nam thi đấu chủ động và chơi bóng với tâm thế "cửa trên" giống như các đội tuyển hàng đầu châu lục.
HLV Troussier có thể sẽ đào tạo ra một đội hình xuất sắc, thi đấu đúng với những gì ông đề ra. Nhưng đó sẽ làm một thế hệ vàng không có tính thừa kế. Giống như đội tuyển đã thành công rực rỡ với HLV Park Hang-seo trong 5 năm đã qua. Và khi đó, bất cứ HLV nào lên thay HLV Troussier cũng phải tìm cách "liệu cơm gắp mắm" để đảm bảo thành tích.
Hơn ai hết, HLV Troussier là người hiểu rõ sự đồng bộ của một nền bóng đá quan trọng như thế nào, bởi lẽ ông từng trải qua giai đoạn phát triển lịch sử của bóng đá Nhật Bản cách đây hơn 20 năm. Đó cũng là thời điểm Nhật Bản quyết tâm theo đuổi thứ bóng đá nhanh, ngắn mang đậm bản sắc của riêng họ, phù hợp hoàn hảo với tố chất con người của họ.
Để tạo ra sự đồng bộ, Nhật Bản thay đổi và nâng tầm từ bóng đá trường học đến các giải đấu chuyên nghiệp. Bóng đá Việt Nam hiện tại hoàn toàn không có khả năng làm điều tương tự. Phong trào bóng đá nghiệp dư không còn sôi nổi, chưa kể hầu hết những người ngoại đạo thích… đá phủi nhiều hơn. Bóng đá thiếu nhi, nhi đồng, học đường cũng trở nên héo mòn vì không còn được người hâm mộ quan tâm. Cuối cùng, V-League tồn tại quá nhiều vấn đề để tạo ra sự đồng bộ.
HLV Troussier đã phải "cầu xin" các CLB trao cơ hội cho các tài năng trẻ ra sân thi đấu để tích lũy kinh nghiệm. Nhưng ngay cả khi các CLB đáp ứng, các tuyển thủ cũng rất dễ bị "loạn chiến thuật", bởi lẽ mỗi đội bóng sẽ có một phong cách hoàn toàn khác biệt. Vì vậy, 3 năm với HLV Troussier có thể sẽ chỉ là "bản nháp" cho bóng đá Việt Nam mơ về một tầm vóc mới.\
https://cand.com.vn/the-thao/co-dam-theo-duoi-den-tan-cung--i693498/