Phụ san An ninh thế giới (ANTG), Chuyên đề ANTG, Báo ANTG và rồi lại Chuyên đề ANTG… đó là vị trí của tờ ANTG qua các thời kỳ sắp xếp tổ chức từ năm 1996 cho tới nay. Đây là tờ báo có số lượng phát hành thuộc loại kỷ lục trong làng Báo chí Việt Nam vào ngày 10/10/2001 là 720 ngàn bản…
Chuyện làm Báo ANTG thì có lẽ phải viết thành sách mới hết. Tôi chỉ xin kể hầu bạn đọc vài mẩu chuyện thật nhưng vui về làm Báo ANTG.
Năm 1995, Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an được ra thử nghiệm. Một tạp chí chuyên về văn chương thơ phú của lực lượng Công an được ra đời trong bối cảnh “3 không”: Không kinh phí, không trụ sở và không... nhân viên.
Sang năm 1996, Tạp chí được chính thức ra đời. Ông Phạm Văn Dần, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng (Tổng cục 3) “kiêm Tổng Biên tập”; anh Hữu Ước là Phó và tôi làm Thư ký tòa soạn... Tuy nhiên, mọi việc do anh Hữu Ước điều hành, ông Phạm Văn Dần chỉ đứng tên. Việc thiết kế, trình bày, in ấn và cả một phần phát hành do anh Hà Phi Long, Tổng Biên tập Báo Công an TP Hồ Chí Minh giúp rất vô tư. Phải khẳng định là nếu không có sự giúp đỡ chí tình của hai người cực kỳ quan trọng là anh Hà Phi Long và anh Nguyễn Thanh Hải, Chánh Văn phòng (sau này anh Hải về Báo CAND và làm Trưởng đại diện Báo CAND tại TP Hồ Chí Minh).
Khi báo ra được vài ba số thì anh Hữu Ước thấy nếu không có nguồn thu thêm thì chết... đói! Anh ra sạp bán báo, qua thăm dò bạn đọc và được biết, mảng bài tư liệu về những nhân vật - sự kiện ghi dấu ấn trong lịch sử Việt Nam và thế giới rất được công chúng quan tâm.
Và thế là anh nảy ra ý tưởng xin làm một tờ phụ san mang tên ANTG, chuyên đưa những chuyện “thâm cung bí sử” về nghề an ninh, tình báo trên thế giới và dĩ nhiên là có cả Việt Nam.
Ngày 16/5/1996, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) có Công văn số 314/BNV gửi Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cho phép Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an được xuất bản thêm một tờ phụ san lấy tên là Chuyên đề ANTG.
Những số đầu tiên, ANTG phát hành tháng 3 kỳ. Toàn bộ công việc trình bày, in ấn đều được thực hiện ở Báo Công an TP Hồ Chí Minh và do đội ngũ kỹ thuật của báo giúp đỡ. Nhà văn Nguyễn Ngọc Mộc, nhà thơ Từ Kế Tường là những người giúp cho ANTG rất nhiều. Và thế là tôi cứ bay ra, bay vào để làm báo. In ở TP Hồ Chí Minh xong thì cuộn bản phim lại, cho vào một ống nhựa dài đến gần 1 mét, to như khẩu súng cối 120 li rồi bay ra Hà Nội để in. Phát hành xong thì lại ôm bài vở bay vào TP Hồ Chí Minh..
Chuyên đề ANTG ngay khi ra đời đã có tiếng vang và được độc giả đón nhận. Số lượng phát hành tăng nhanh và cho đến con số 45 ngàn bản thì chững lại và bắt đầu “tụt dần đều”.
Anh Hữu Ước lo lắm và sai tôi đi ra sạp báo tìm hiểu xem tại sao báo tụt. Tôi lang thang ra một số sạp báo quen, hỏi chuyện và các chủ đại lý cho biết báo toàn đăng những chuyện “đâu đâu”, chả liên quan gì tới Việt Nam cả.
Về tòa soạn, tôi báo cáo lại với anh Hữu Ước và bỗng dưng tôi nảy ra ý định đi viết về vụ án buôn bán ma túy Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường. Vào thời điểm giữa năm 1997, vụ án này đang là tâm điểm của dư luận và đang được báo chí khai thác triệt để. Anh Ước bảo tôi: “Mày đi viết về vụ án Vũ Xuân Trường xem sao. Nhưng, phải tìm cách viết thế nào cho khác các báo”.
Tôi đến Phòng Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội và gặp anh Nguyễn Đức Nhanh, khi đó là Trưởng phòng. Nghe tôi nói về ý định viết vụ án Vũ Xuân Trường, anh Nhanh đồng ý và bảo anh em Đội Trọng án cung cấp tài liệu.
Nhờ nguồn tài liệu rất phong phú cùng những lời kể của các cán bộ điều tra, tôi đã viết phóng sự “Triệt phá đường dây buôn bán ma túy Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường”. Thật ra, lúc đó cứ viết là viết, chả nghĩ gì đến thể loại báo chí. Nhưng, ANTG là tờ báo đầu tiên viết tường thuật vụ án mà có cái “tôi” trong đó, và thế là trở thành cách viết mới: Viết tường thuật vụ án bằng phóng sự. Trước đó, tường thuật vụ án là thể loại độc nhất của Báo CAND và là thế mạnh độc quyền. Nhiều cây bút viết tường thuật vụ án của Báo CAND vào hàng cao thủ như Trần Kính, Nguyễn Hữu Chí, Thùy Linh, Phạm Văn Miên, Phúc Bồng... Nhưng, “tường thuật vụ án” bằng “giọng” phóng sự thì đúng tôi là người khởi xướng và ANTG là tờ báo đi “tiên phong”. Sau này, hầu như tất cả các vụ án đăng trên ANTG đều được viết bằng “giọng phóng sự”. Đó là nét độc đáo nhất của ANTG và thu hút bạn đọc chính là từ cách viết này!
Khi vụ án được đưa ra xét xử, anh Hữu Ước bảo tôi: “Mày phải làm thế nào có được ảnh phạm nhân”. Tôi cũng chưa biết làm cách nào, nhưng thôi cứ liều. Thế là sáng hôm xét xử, từ 4h30 sáng, tôi phóng xe vào Trại giam Hà Nội (xã Xuân Phương). Ông Nguyễn Văn Hoắc - Trưởng trại - nhìn thấy tôi thì trợn mắt: “Ai cho ông vào đây? Giấy giới thiệu của ông đâu?”. Tôi giả vờ ngơ ngác: “Ơ, em tưởng anh Chuyên (Giám đốc Công an TP Hà Nội Phạm Chuyên) đã báo cho anh rồi. Anh Chuyên bảo em sáng cứ vào đây chụp ảnh lúc dẫn giải phạm nhân ra tòa, em hỏi có cần giấy tờ gì không thì anh Chuyên bảo sẽ gọi cho anh”. Ông Hoắc phẩy tay: “Tôi không nhận được lệnh nào cả. Thôi, ông cứ đứng đây, cấm được đi đâu”. Và, ông Hoắc gọi một cảnh sát bảo vệ đến: “Cậu giữ ông nhà báo này ở đây, cấm không được đi đâu”.
Từ vị trí tôi đứng đến cổng trại giam là khoảng 50 mét, cho nên không cách nào chụp được ảnh bằng chiếc Pratica.
Chờ ông Hoắc đi, tôi giở trò láu cá, lấy điện thoại di động giả vờ bấm để anh cảnh sát bảo vệ nhìn thấy rồi nói như diễn viên: “Em chào chị Trinh (vợ anh Phạm Chuyên). Em xin lỗi đánh thức chị hơi sớm, chị cho em nói chuyện với anh ạ... Dạ dạ, có việc rất gấp ạ! Vâng, chị cứ đánh thức anh dậy”. Thế rồi tôi im lặng, độ hơn 1 phút sau thì lại thong thả: “Em chào anh, em Như Phong - Báo ANTG đây ạ. Vâng, báo cáo anh, hôm qua anh đã đồng ý cho em vào trại giam chụp ảnh dẫn giải phạm nhân ra tòa. Nhưng, bây giờ anh Hoắc không cho chụp... Dạ dạ, anh nói với đồng chí cảnh sát bảo vệ đang canh giữ em ở đây ạ!”
Rồi tôi đưa máy cho anh cảnh sát bảo vệ: “Này, ra nói chuyện với Giám đốc”. Anh cảnh sát đứng cách tôi 2 mét nên nghe rõ những gì tôi “trao đổi”, anh vội vàng xua tay: “Em biết rồi, em biết rồi! Để em bảo thủ trưởng”. Thế là anh vội vàng chạy đi gặp anh Hoắc đang đứng cách đó 30 mét. Chả biết anh nói gì nhưng thấy ông Hoắc lừ lừ đi ra chỗ tôi và lầm bầm: “Hôm qua thì ra lệnh không cho báo chí vào, bây giờ lại cho ANTG. Thế này thì “thằng” An ninh Thủ đô lại kiện cho!...”. Rồi anh bảo tôi: “Bây giờ ông đứng ở cửa sắt kia. Khi nào dẫn phạm ra thì chụp ảnh; và chỉ đứng đấy thôi nhé!”.
Quả thật, không còn cái gì may mắn hơn! Thế là hôm đó tôi chụp được ảnh dẫn giải phạm nhân ra tòa và đó là bộ ảnh độc nhất vô nhị.
Hôm sau, Báo ANTG đăng chùm ảnh với dòng chú thích đầy ngạo nghễ “5h30 sáng, tôi là phóng viên duy nhất có mặt tại Trại giam Hà Nội để chứng kiến phút dẫn giải các phạm nhân ra tòa...”. Chỉ một dòng ấy thôi, cộng với những tấm hình mà không báo nào có đã khiến độc giả tưởng rằng ANTG ghê gớm lắm nên mới được đặc cách vào chụp ảnh.
Ít hôm sau gặp ông Hoắc, ông trợn mắt bảo tôi: “Ông lừa cả tôi. Ông giỏi lắm!”. Tôi cười trừ mà bảo: “Làm báo mà lị!”.
Rồi đến hôm Tòa tuyên án các bị cáo. Tòa tuyên vào 14h Thứ năm, nhưng ANTG lại phát hành vào Thứ sáu. Như vậy là thua An ninh Thủ đô, thua Tin chiều của TTXVN và rất nhiều báo khác... Anh Ước bảo tôi: “Làm thế nào phát hành được vào chiều Thứ năm, sau khi Tòa tuyên án hả mày?”. Tôi cũng chưa nghĩ ra được cách gì, bèn giở cuốn sổ công tác ghi chép lại buổi họp báo của Chánh án Tòa án Hà Nội. Và thế là tôi trình bày với anh Ước suy nghĩ của mình. Cuối cùng, anh Ước đi đến quyết định liều lĩnh chưa từng thấy trong nghề báo: Quyết định cho báo in vào lúc 14h ngày Thứ năm, nghĩa là đúng lúc tòa tuyên án. Và, sẽ có 2 bản kẽm: Một bản kẽm khi tường thuật phiên bế mạc là 8 án tử hình, 7 án chung thân. Bản kẽm thứ hai là 7 án tử hình, 8 án chung thân. Còn các loại án treo, dưới 3-4 năm tù thì không quan tâm lắm.
Buổi sáng Thứ năm, Tòa nghị án, đến trưa tôi phải chạy khắp nơi để tìm kiếm thông tin, kể cả việc nhờ cô em gái là Thư ký Tòa án Hà Nội đang chửa vượt mặt đến Tòa để dò xem mức án thế nào, nhưng cũng bất lực! Khoảng 13h, tôi đi vào Tòa Hà Nội và lên tầng 2 thì gặp chị Tân Thanh là Chánh án, Chủ tọa phiên tòa từ phòng họp đi xuống, bên cạnh là 2 cảnh sát bảo vệ đi kèm. Khi đi gần ngang qua chị Tân Thanh, tôi hỏi: “Chào chị, thế nào, Tòa nghị án xong rồi chứ?”. Chị Tân Thanh cười và bảo: “Xong rồi anh ạ”. Tôi hỏi: “Mức án thế nào hả chị?”. Chị vẫn cười: “Lát nữa mời anh ra nghe tuyên án”. Thế rồi chị nói một câu lấp lửng: “Biết cả rồi còn hỏi làm gì?”. Nghe được câu đó, tôi như mở cờ trong bụng, lập tức ra gọi điện thoại cho nhân viên trực ở Nhà in Báo Hà Nội mới và trực in trong TP Hồ Chí Minh cho in theo phương án 8 án tử hình, 7 án chung thân.
Anh Hữu Ước thì hãi đến mức mang theo chai rượu Remy ngồi ở cổng Nhà in Báo Hà Nội mới với nhiệm vụ trực tiếp kiểm tra, không cho nhân viên nào mang tờ báo ra ngoài. Khoảng 13h30 thì máy in chạy hết tốc lực với 40.000 bản/giờ; còn tại hội trường Tòa án, tôi ngồi nghe đọc án văn mà như ngồi trên đống lửa. Chỉ đến khi tòa tuyên các mức án xong, tôi mới thở hắt ra và gọi điện cho anh em ở nhà in là in thật nhanh, được bao nhiêu thì chở ngay về 70 Trần Quốc Toản để phát hành. Và, khi Chánh tòa đọc đến câu: “Các bị cáo có 15 ngày để viết đơn kháng án...” thì tôi gọi điện về cho phát hành...
Khi phiên tòa vừa tan, dọc phố Hai Bà Trưng, trước cửa Tòa án Hà Nội, Báo ANTG phát hành trắng đường và đó là cảnh tượng chưa bao giờ nhìn thấy. Phía Nam cũng vậy, người ta tranh nhau từng tờ báo và số đó, tiara báo từ 21 vạn lên 32 vạn bản.
Hôm sau, anh Ước ký thưởng cho tất cả anh em trong tòa soạn, mỗi người 500.000 đồng (ngang 1 chỉ vàng bấy giờ), nhưng rồi anh bảo: “Không làm báo kiểu này được, tổn thọ lắm!”.
Thế rồi, một số tờ báo cho rằng ANTG đã “hối lộ” hội đồng xét xử để lấy được án văn nên mới in được trước và phát hành ngay khi phiên tòa vừa kết thúc. Chú Hữu Thọ, khi đó là Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương gọi tôi lên. Ông bảo: “Bây giờ có đơn kiện chúng bay hối lộ quan tòa để lấy được án văn trước thì mày nghĩ sao?”. Tôi giở tờ báo ra và thật thà trình bày tất cả những “mánh khóe” trong việc in số báo đó; và cũng may, trong các án văn in sai 1 bị cáo là từ 36 tháng tù treo xuống còn 24 tháng. Tôi nói với chú Hữu Thọ: “Nếu chúng cháu có được án văn thì đã không sai thế này”. Chú Hữu Thọ bật cười và bảo: “Anh em chúng mày làm báo liều thật! Nhưng, nhớ chỉ được một lần này thôi nhé!...”.
Về nhà, tôi báo cáo lại với anh Ước cuộc gặp với chú Hữu Thọ, anh lẩm bẩm: “Cụ chả phải nói, chúng con cũng “cạch”!”.