Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào năm 2005 thăm Triều Tiên để vận động nước này cải cách kinh tế, thúc đẩy giải giáp hạt nhân nhưng thất bại.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il (trái) đón chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ở Bình Nhưỡng hồi tháng 10/2005. Ảnh: AP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay kết thúc chuyến thăm chính thức Triều Tiên trong hai ngày. Đây là lần đầu tiên sau 14 năm, một lãnh đạo cao nhất Trung Quốc đặt chân đến Triều Tiên. Chuyến thăm diễn ra giữa lúc Trung Quốc đang đối đầu với Mỹ về thương mại, còn Triều Tiên vẫn bế tắc với Mỹ trong các cuộc đàm phán giải quyết vấn đề hạt nhân, do vậy, hai lãnh đạo Trung - Triều có thể cảm thấy cần nhau hơn.
Năm 2005, khi chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến Bình Nhưỡng, ông và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã chào nhau theo kiểu truyền thống: Ôm nhau ba lần và chạm má.
"Đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa chứng kiến sự nồng ấm như thế từ phía Chủ tịch Tập dành cho lãnh đạo Kim Jong-un, người kém ông 31 tuổi, dù họ đã gặp nhau 4 lần trước đây", Lee Seong-hyon, nhà phân tích ở Viện Sejong, Hàn Quốc, nói khi so sánh mối quan hệ hiện nay giữa hai lãnh đạo Trung - Triều với những người tiền nhiệm của họ.
"Nhưng Trung Quốc và Triều Tiên giờ đây có thể tìm thấy nhiều điểm chung hơn bao giờ hết nhờ cùng chung đối thủ là Mỹ. Khi chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington leo thang, giá trị địa chính trị của Triều Tiên đối với Trung Quốc cũng gia tăng theo", Lee Seong-hyon nhận xét.
Trước Hồ Cẩm Đào, chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã thăm Bình Nhưỡng vào các năm 1990, 1991. Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình cũng đến Triều Tiên năm 1978 và tiếp tục thăm nước này vào năm 1982 nhân sinh nhật lần thứ 70 của Kim Nhật Thành, người sáng lập nhà nước Triều Tiên. Năm 1963, lãnh đạo Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ cũng sang Triều Tiên và gặp gỡ ông Kim Nhật Thành trong chuyến thăm 13 ngày.
Trung Quốc và Triều Tiên hình thành mối quan hệ từ đầu thế kỷ 20 khi cùng nhau chống lại phát xít Nhật. Sau Thế chiến II, Triều Tiên đã hỗ trợ Hồng quân Trung Quốc đánh đuổi quân Quốc dân đảng, còn Trung Quốc sau đó gửi chí nguyện quân sang giúp Triều Tiên trong cuộc chiến tranh 1950-1953.
Dưới thời cầm quyền của các lãnh đạo thuộc thế hệ cách mạng đầu tiên như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Kim Nhật Thành, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao. Song hai nước dần xa rời nhau, đặc biệt là sau khi ông Đặng mở cửa nền kinh tế Trung Quốc để đón nhận đầu tư nước ngoài, hội nhập thị trường toàn cầu vào cuối thập niên 1970 và những năm 1980, đưa Trung Quốc trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Triều Tiên khi đó vẫn trung thành với hệ thống kinh tế kế hoạch tập trung và chỉ trích các cải cách kinh tế của Trung Quốc là chủ nghĩa xét lại.
Mối quan hệ giữa hai nước trở nên lạnh nhạt hơn khi Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc năm 1992. Vào thời điểm đó, bắt đầu có những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên bí mật phát triển vũ khí hạt nhân. Khi Hồ Cẩm Đào thăm Trung Quốc vào năm 2005, viễn cảnh về một cuộc chiến thuế giữa Mỹ và Trung Quốc khá xa vời, còn chương trình hạt nhân của Triều Tiên là vấn đề thời sự.
Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2002, đúng lúc các diễn biến về vấn đề hạt nhân Triều Tiên vừa rẽ sang một bước ngoặt xấu hơn. Washington cáo buộc Bình Nhưỡng ngầm vận hành một chương trình làm giàu uranium, đồng thời dừng các chuyến tàu chở dầu nặng cung cấp cho Triều Tiên theo một thỏa thuận phi hạt nhân hóa trên bán đảo vào năm 1994.
Triều Tiên phản ứng bằng cách trục xuất thanh sát viên Liên Hợp Quốc, những người đang giám sát việc Triều Tiên tuân thủ thỏa thuận giải giáp hạt nhân. Bình Nhưỡng gỡ niêm phong tại các cơ sở hạt nhân đang đóng cửa và tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc, lúc đó cũng như bây giờ, là đồng minh chủ chốt duy nhất với Triều Tiên. Nhưng ông Hồ Cẩm Đào vẫn từ chối đến Triều Tiên trong một chuyến thăm cấp nhà nước trừ khi có những tiến triển trong cuộc đàm phán 6 bên (Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản) về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (phải) cùng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il thăm một nhà máy sản xuất gương ở ngoại ô Bình Nhưỡng hồi tháng 10/2005. Ảnh: AP.
Thế bế tắc được khai thông vào tháng 9/2005, khi Triều Tiên tuyên bố từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân trong một thỏa thuận 6 bên. Đổi lại, Mỹ cam kết viện trợ và bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên. Một tháng sau, Hồ Cẩm Đào thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Triều Tiên.
Tại cuộc yến tiệc ở Bình Nhưỡng, ông Hồ Cẩm Đào đã quảng bá những lợi ích cải cách kinh tế với các quan chức nước chủ nhà, lấy dẫn chứng bằng tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc của Trung Quốc bắt đầu từ cuối thập niên 1970. Ông Kim Jong-il không cam kết "cải cách và mở đường" theo kiểu Trung Quốc nhưng khẳng định sẽ duy trì đàm phán 6 bên.
Nhưng Mỹ và Triều Tiên nhanh chóng chuyển sang tranh cãi về cách thực hiện một thỏa thuận dài dòng và quá rộng về giải giáp hạt nhân. Tháng 10/2006, một năm sau chuyến thăm của Hồ Cẩm Đào, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên. Đàm phán 6 bên sụp đổ năm 2009 khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ hai và phóng tên lửa tầm xa.
Năm 2010, Kim Jong-il, với sức khỏe bắt đầu sa sút vì cơn đột quỵ năm 2008, đã đề nghị Hồ Cẩm Đào thăm Bình Nhưỡng trở lại để ông có thể giới thiệu con trai Kim Jong-un, người được chỉ định kế nhiệm quyền lãnh đạo Triều Tiên. Hồ Cẩm Đào đã không sang thăm Bình Nhưỡng và ông Kim Jong-il qua đời năm sau đó.
Từ đây, mối quan hệ giữa hai nước càng xa cách hơn. Triều Tiên đã tiến hành thêm 4 vụ thử vũ khí hạt nhân nữa, bên cạnh các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đủ sức vươn đến Mỹ. Để phản ứng, Trung Quốc nhất trí với những nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do Mỹ đề xuất, áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc lên Triều Tiên.
Tháng 6 năm ngoái, tại Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký một thỏa thuận phi hạt nhân hóa không có các cam kết cụ thể, giống như thỏa thuận đã ký hồi tháng 9/2005. Giờ đây, thỏa thuận này bị nghi ngờ khi Trump và Kim gặp nhau lần thứ hai tại Hà Nội hồi tháng 2 nhưng không nhất trí được cách thực hiện nó.
Hai năm qua, vai trò trung gian hòa giải của Trung Quốc phần lớn đã chuyển sang cho Hàn Quốc, nhưng Bắc Kinh đang có cơ hội lấy lại tầm ảnh hưởng trước Bình Nhưỡng và có thể sử dụng nó như một đòn bẩy lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại căng thẳng với Washington. Hôm 19/6, trong một bài xã luận đăng trên nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận đảng Lao Động Triều Tiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết "đóng góp tích cực" để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo.
Tuy nhiên, Shin Beom-chul, nhà phân tích các vấn đề Triều Tiên ở Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, nhận định chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Tập rủi ro hơn chuyến thăm của Hồ Cẩm Đào cách đây 14 năm. "Thăm Triều Tiên khi chưa có tiến triển nào trong đàm phán phi hạt nhân hóa, ông Tập có khả năng củng cố thêm vị thế của Kim Jong-un", Shin nói.
Hồng Vân (Theo New York Times)
Biển người và lễ tiếp đón ông Tập trọng thị ở Triều Tiên
Triều Tiên dành sự đón tiếp long trọng nhất cho nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Bình Nhưỡng, khẳng định chuyến thăm cho thế giới ... |
Ông Tập hứa giúp Triều Tiên giải quyết lo ngại về an ninh
Chủ tịch Trung Quốc đánh giá tích cực những nỗ lực của Triều Tiên và cam kết sẽ hỗ trợ quốc gia này trong lĩnh ... |