Sau 36 năm tái lập, các thành viên 'đội lân tóc dài' hầu hết đã trên 60 tuổi, có người đã 87 tuổi... nhưng tất cả vẫn nguyên vẹn niềm say mê biểu diễn với phương châm: 'Làm vui cho tuổi trẻ, làm khỏe cho tuổi già'.
Từng biểu diễn cho Chủ tịch Cuba Fidel Castro xem
Như đã hẹn, đúng 15 giờ ngày 3.10, các thành viên trong đội lân xã Lương Hòa, H.Giồng Trôm, Bến Tre đã có mặt tại khoảnh sân trước nhà bà Trần Thị Phước (76 tuổi, đội trưởng) để chuẩn bị xuất phát. Ai nấy đều mặc bộ đồ bà ba đen cùng nón tai bèo, chỉnh trang đồng phục.Bà Phước, Thôi, Non chuẩn bị đeo giày, sửa đầu lân. Bà Kiển lo thắt đai lưng, gắn huân chương lên ngực cho ngay ngắn. “Đây là huân chương thời kháng chiến của tôi, mỗi lần đi múa tôi đều mang theo trên người. Còn đây là dây đai được cô ba Định (nữ tướng Nguyễn Thị Định - PV) tặng với ý nghĩa đội quân tóc dài kiên cường, bất khuất. Màu vàng là màu da, còn màu đỏ là máu, dù máu rơi vẫn một lòng quyết tâm chiến thắng”, bà Năm Kiển tự hào.
Bà Kiển cho biết đội lân được thành lập năm 1954, do các nữ du kích ấp đứng ra biểu diễn. Chị em đa phần là lính “dưới trướng” của nữ tướng Nguyễn Thị Định. Vì kinh phí eo hẹp, ban đầu đội chỉ tập “chay” theo điệu múa Nam bộ, lấy vỏ bội tre, rổ xúc làm đầu, cắt vải buồng làm lưng, thùng thiếc làm trống.
Khi đất nước hòa bình, đội lân giải tán. Nhiều cụ bà chỉ tập hợp làm đội văn nghệ múa hát để ôn lại những kỷ niệm về một thời oai hùng. Hát hoài cũng chán, một lần cô ba Định về thăm quê có gợi ý về việc tái hợp đội lân thì nhiều người mừng như “mở cờ trong bụng”.
|
Ngày mùng 6 tháng giêng năm 1981, đội lân được tái lập gồm 14 thành viên. Lực lượng chính vẫn là các chị em tham gia kháng chiến, trong đó có nhiều mẹ VN anh hùng, vợ liệt sĩ, thương binh. Nữ tướng Nguyễn Thị Định tặng cho đội một đầu lân mới toanh và mỗi người một bộ đồ bà ba đen (quần có 2 sọc đỏ), khăn rằn, nón tai bèo, đai thắt lưng hai màu vàng - đỏ.
“Ban đầu chỉ phục vụ bà con trong xã rồi tiếng lành đồn xa, nhiều xã bạn kế bên cũng mời đội lân về biểu diễn để mọi người không phải đi “xem ké”. Sau đó là biểu diễn ở huyện rồi đến tỉnh và sang cả tỉnh bạn”, bà Phước chia sẻ. Dần dà “đội lân tóc dài” được biết đến nhiều hơn và được hội phụ nữ ở một số tỉnh thành đích thân mời đi biểu diễn. Có lần ra Hà Nội đến 10 ngày biểu diễn phục vụ ở quảng trường Ba Đình. Khoảng chục năm gần đây, các cụ vắng nhà từ mùng 2 đến mùng 7 tết để “túc trực” ở khu du lịch Cồn Phụng phục vụ khách nước ngoài.
Để nâng cao kỹ năng biểu diễn, đội lân lấy sân nhà làm bãi tập. Những người nam tận tay chỉ dẫn từng động tác quyền cơ bản như: chào khách, lên lân, xuống lân, múa mừng, múa càng, đụng cột, cạp, chân. “Đợt trước tập còn thấy khó, gợn gợn sau này tụi tôi làm được hết. Đầu lân 5 - 6 kg tụi tôi cầm múa ngon ơ. Đội nữ cừ lắm, khi diễn hai nữ còn chồng lên nhau lấy bao lì xì trên cao một cách dễ dàng. Thậm chí cầm đầu lân người trước người sau lăn vòng xuống đất mà chả thấm gì. Còn chị Mãnh đóng vai Tề Thiên trèo cây lên tận sân thượng lấy bao lì xì rồi tụt xuống êm ru. Tuy vậy, bây giờ lớn tuổi sợ nguy hiểm nên không ai cho tụi tôi làm vậy nữa…”, bà Kiển hào hứng kể.
Nói về kỷ niệm đáng nhớ trong đời múa lân, bà Kiển cho biết, năm 1984, Chủ tịch Cuba Fidel Castro cùng cô ba Định về thăm Bến Tre, đội lân nữ được dịp trổ tài biểu diễn. Sau phần thể hiện trước lãnh tụ, các cụ bà được Chủ tịch Fidel Castro khen nức nở. Bà Kiển cũng đại diện đội lân nữ nhận bằng khen và cúp do chính tay Chủ tịch Fidel Castro trao tặng.
“Bà lân” 87 tuổi
|
Tại hội trường UBND xã Phong Mỹ, hàng trăm học sinh mong chờ “đội lân tóc dài” biểu diễn. Bà Trần Thị Sánh (87 tuổi, người lớn tuổi nhất đội) tới lui không dừng. Bà đến điểm tập kết sớm nhất, chọn chỗ đặt đầu lân, điều phối thứ tự người múa.
87 tuổi rồi mà không đi múa lân là tự nhiên bệnh liền, nhức đầu uể oải tùm lum. Mà hễ đi là cả tháng như được uống thuốc bổ. Mỗi lần cầm được đầu lân múa tôi mê lắm, không biết nặng nhẹ gì đâu. Mê rồi thì múa quên hết hà… Bà Trần Thị Sánh (xã Lương Hòa, H.Giồng Trôm, Bến Tre) |
Mở màn, bà Sánh cầm đầu lân lắc lắc nhẹ tênh, làm vài động tác chào quan khách tiến tới rồi thụt lùi chừng 15 phút. Thấy thấm mệt, bà Sánh ra hiệu cho bà Thôi tiếp sức. Ở ngoài, 4 người nữ thi nhau túc trực thay thế mỗi khi có người mệt. Tuy vậy, lân đi đâu bà Sánh cũng theo đó để tiếp tục phụ các chị em. Cứ thế đội cuốn chiếu thay đổi người cho đến khi kết thúc hồi trống cuối cùng. Đôi lúc gánh nặng tuổi tác làm bà Sánh có phần chậm chạp, nhưng cách cạp chân, cạp đuôi bà thể hiện không thiếu thứ gì. “87 tuổi rồi mà không đi múa lân là tự nhiên bệnh liền, nhức đầu uể oải tùm lum. Mà hễ đi là cả tháng như được uống thuốc bổ. Mỗi lần cầm được đầu lân múa tôi mê lắm, không biết nặng nhẹ gì đâu. Mê rồi thì múa quên hết hà...”.
Còn “Tề Thiên Đại Thánh” Võ Thị Huỳnh Nga (60 tuổi) hay nhảy nhót trên sân khấu là hậu duệ của đội. Bà Nga là cháu bà Sánh. Bà mặc bộ áo võ vàng, đeo mặt nạ khỉ, mang bao tay lông thú, cầm gậy múa may không khác gì Tề Thiên. Lúc biểu diễn hai tay bà Nga gãi gãi khuôn mặt rồi khè khè. Thoáng chốc bà nhảy từ sân khấu xuống đất quay gậy vòng vòng cho đám nhỏ há mồm khen nức nở. Nhiệm vụ của bà làm hoạt náo cho buổi diễn. Bà Nga chia sẻ: “Ngày đầu tôi múa ông địa, sau này chuyển qua Tề Thiên. Mới đầu tôi được dạy học quyền thế cơ bản. Nhưng như vậy là chưa đủ, để làm cho giống “Tề” tôi còn coi truyền hình phim Tề Thiên nữa. Người ta khòm, bước, uống rượu như thế nào tôi bắt chước làm theo như vậy”.
Tiếng trống cuối cùng kết thúc, các cụ bà lật đật dọn đồ để đến điểm phục vụ tiếp theo cho đến tối mịt mới về. Tuy vậy, không ai trong đoàn than vãn hay tỏ ra mệt mỏi gì. Trong lần biểu diễn trung thu vừa qua, ai nấy cũng tạm gác việc mưu sinh hằng ngày đi múa lân. Ở đội lân nữ, nhiều “chị em” vẫn chật vật kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau. “Tề Thiên” Huỳnh Nga đi lột vỏ dừa thuê cho người khác. “Bà Địa” Nguyễn Thị Thảo đi cắt lúa mướn.
Hiện tại, đội vẫn duy trì đúng 14 thành viên như ban đầu. Đội lân nữ có 9 người đã nghỉ hay mất vì già yếu. Trong đó, có 2 mẹ VN anh hùng đóng vai Địa và Tề Thiên năm xưa cũng đã qua đời. Lớp kế thừa trẻ tuổi hơn nhưng tựu chung lại “đội lân tóc dài” luôn dành trọn niềm say mê biểu diễn với phương châm: “Làm vui cho tuổi trẻ, làm khỏe cho tuổi già”.
Cuộc sống tủi nhục của những cô dâu Triều Tiên bị bán sang Trung Quốc Người phụ nữ Triều Tiên lái xe máy chầm chậm rẽ vào con ngõ hẹp giữa cánh đồng ngô, đến nông trang nơi có người ... |
Chuyện những phụ nữ đặc biệt - Kỳ 1: Nữ thợ mộc xứ dừa Không phát triển mạnh mẽ như xưa vì sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nhưng làng mộc Tiên Tây Vàm (xã Tiên Thủy, ... |