Những ngày này, di tích K9 - Đá Chông Minh Quang, Ba Vì, Hà Nội, nơi lưu giữ những ký ức về Bác Hồ, có nhiều đồng bào đến thăm hơn hẳn.
Di tích nằm trên dãy đồi núi rộng 234 ha, bên bờ sông Đà, với những vạt đồi bạt ngàn cây cối. Hiện các chiến sĩ của Đoàn 285, Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng đang ngày đêm trông giữ, tiếp tục tôn tạo khu vực này.
Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng, để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một văn bản “Tuyệt đối bí mật” mà sau này chúng ta gọi là “Di chúc”.
50 năm thực hiện Di chúc cũng là 50 năm giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhiệm vụ thiêng liêng, trách nhiệm lớn lao đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đảm nhiệm.
Khu di tích Đá Chông còn gọi là K84, trước đây gọi là K9, nơi đầu tiên ướp bảo quản thi hài Bác. (Ảnh: Trọng Phú) |
Lĩnh vực khoa học đặc biệt
Nói về việc bảo vệ thi hài Bác tại Lăng, Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho hay: Kể từ ngày mở cửa Lăng (29/8/1975) đến nay, đơn vị phải trải qua hai giai đoạn rất khó khăn.
Lần thứ nhất vào năm 1979, khi chiến tranh nổ ra ở biên giới phía bắc; lần thứ hai bắt đầu từ tháng 9/1991, khi chế độ chính trị ở Liên bang Xô Viết tan rã và một loạt nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ. Hai lần biến động ấy đã tác động trực tiếp đến nhiệm vụ của Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng.
Tuy nhiên, thực hiện chính sách đối ngoại đúng đắn, tình cảm trước sau như một của Đảng, Chính phủ, nhân dân và quân đội ta mà trực tiếp là cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đầu năm 1992, nước bạn đã đồng ý chuyển giao số dung dịch hiện có tại Lăng cho ta.
Đại tá-TS Vũ Văn Bình, nguyên Phó Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể lại: Một sự kiện diễn ra năm 1992, khi có ba lần chuyên gia không sang Hà Nội trực tiếp giữ gìn thi hài Bác, lâu nhất là hơn năm tháng. Tuy cán bộ của ta tự lo việc làm thuốc thi hài Bác an toàn nhưng chúng ta suy nghĩ hơn lúc nào hết phải thúc đẩy mạnh mẽ việc hợp tác với nước bạn.
Chính vì thế, tháng 11/1992, đoàn cán bộ của Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do Thượng tá-TS Nguyễn Quang Tấn, Trưởng Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã sang làm việc trực tiếp với lãnh đạo của Viện Lăng Lênin Moscow để bàn về cách giải quyết.
Nước bạn cho rằng hợp tác trực tiếp với ta là vi phạm pháp luật, là việc mà Viện Lăng Lênin chưa bao giờ làm, bởi vậy phía nước bạn không đồng ý mặc dù rất muốn. “Tôi còn nhớ lúc đó viện sĩ Đebov với nét mặt buồn rầu nói với đồng chí tư lệnh: “Tôi đã hơn 70 tuổi rồi nên ngại đứng trước vành móng ngựa lắm”” - Đại tá-TS Vũ Văn Bình kể lại.
Rất may, viện sĩ BưKov tới, lúc đó ông là chủ tịch Tập đoàn VILAR - cơ quan đỡ đầu cho Viện Lăng Lênin, ông nhanh chóng khẳng định đề nghị của đồng chí tư lệnh là phù hợp với pháp luật của Nga hiện hành. Từ đây chúng ta tìm được tiếng nói chung, tìm được phương thức hợp tác mới giữa hai bên. Trong đợt công tác này, ta và nước bạn đã ký văn bản hợp tác với nhau.
Nhờ những sự hợp tác của nước bạn, từ năm 1995 chúng ta đã làm chủ được nhiệm vụ chăm sóc thường xuyên thi hài Bác mà không còn tổ chuyên gia thường xuyên. Nhận thấy trình độ cán bộ y tế của ta đã trưởng thành nên ngày 29/4/1995, nước bạn tự nguyện bàn giao nhiệm vụ chăm sóc thường xuyên thi hài Bác cho ta.
Nơi lưu giữ thi hài Bác thời chiến
Thượng úy Hoàng Hải, Chính trị viên Đội Quản lý di tích K9 - Đá Chông, cho hay: Vào năm 1957, trong một lần thăm Sư đoàn 316 diễn tập bên sông Đà, Bác Hồ đã dừng chân ăn trưa trên đỉnh đồi, ngay dưới chân ba tảng đá chông hùng vĩ. Sau đó Người đã chọn địa điểm này làm căn cứ của trung ương để đề phòng chiến tranh có thể lan rộng ra toàn quốc. Từ năm 1960 đến 1969, Bác đã nhiều lần lên đây làm việc.
“Sau khi Bác mất, từ năm 1969 đến 1975, Bộ Chính trị và Trung ương cũng chọn địa điểm này làm nơi bảo vệ thi hài Bác trong những năm chiến tranh chống Mỹ” - Thượng úy Hải nói và dẫn chúng tôi xem công trình Nơi giữ giấc yên ngủ của Bác, giờ là công trình giữ gìn thi hài Bác. Đây là khu vực có hầm ngầm, nhà kính, phòng làm thuốc, nhà cho các chuyên gia y tế Liên Xô giúp đỡ Việt Nam bảo quản thi hài Bác.
Để phục vụ tiếp đón đồng bào lên tham quan, những năm gần đây Khu di tích K9 - Đá Chông (Minh Quang, Ba Vì, Hà Nội) được tôn tạo thêm nhiều khu vực như nhà đón tiếp khách tham quan, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Ngoài công trình này, hiện di tích còn nhiều công trình khác lưu giữ ký ức về Bác, trong đó có ngôi nhà làm việc của Bác được thiết kế hai tầng theo kiến trúc nhà sàn; khu nhà để xe di chuyển thi hài Bác trong những năm chiến tranh, trong đó có ba chiếc xe (xe UAZ cứu thương biển số FH-1468, xe ZIL 157 biển số 470-189 cùng chiếc xe PAP biển số 31-162) trực tiếp sáu lần di chuyển thi hài Bác vượt qua mọi địa hình hiểm trở, mưa lũ đến nơi an toàn.
“Từ năm 2015, di tích mở cửa rộng rãi để đón đồng bào lên tham quan, tưởng niệm Bác. Mỗi năm đều có hàng vạn lượt đoàn khách tới thăm. Nhất là dịp tháng 3 hằng năm có rất nhiều đoàn học sinh, sinh viên lên đây tham quan, tưởng niệm Bác” - Thượng úy Hải cho hay.
Lĩnh vực khoa học chưa từng có tiền lệ
Giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lĩnh vực khoa học đặc biệt chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, đây là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, nhất là phải thực hiện trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, lại đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, khó khăn càng lớn hơn gấp bội.
- Thiếu tướng Cao Đình Kiếm