Chuyện những người đón giao thừa... trên trời

Có những phút nao lòng khi “trên trời” vào khoảnh khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, thời điểm hàng triệu người sum họp bên gia đình nhưng những phi công, tiếp viên hàng không quen dần với chuyện “mất tết” để tập trung mang đến cho hành khách những chuyến bay an toàn trong đầu năm mới.

chuyen nhung nguoi don giao thua tren troi

Chia sẻ

Phi công Vũ Tuấn Đạt (bên phải) cùng tổ bay "khoe" lì xì trong đêm giao thừa năm 2017. Ảnh: PV

Đôi lúc thấy tủi thân khi tết đến

Là con gái, Bùi Thị Ngọc Phượng (SN 1988, TP.Hồ Chí Minh), tiếp viên trưởng của Vietjet Air không khỏi nao lòng khi đón tết xa nhà với những khoảnh khắc giao thừa trên trời nhưng “được là cầu nối đưa nhưng người con xa quê về đoàn tụ cùng gia đình” chính là động lực khiến những phi công, tiếp viên hàng không thêm gắn bó với công việc “không có khái niệm nghỉ tết”.

Chia sẻ với phóng viên, Ngọc Phượng, con út trong gia đình có 2 anh em cho biết, từ ngày trở thành tiếp viên hàng không, mỗi dịp tết, cô thường xuyên không được đoàn tụ cùng gia đình bởi khi thì đón Giao thừa trên trời, khi lại ở một nơi khác thật xa, không kịp về tết với cả nhà.

Thường xuyên đi sớm, về khuya, có lúc đi biền biệt cả mấy tuần, bố mẹ cô không ít lần xót con vất vả, lo lắng mỗi trời mưa gió bão bùng và khuyên cô nghỉ việc này để tìm việc khác.

Ngay đến chính bản thân cô, mỗi dịp tết đến, Ngọc Phượng đôi lúc “cảm thấy tủi thân” khi nhìn bạn bè, người quen được đi đón Giao thừa, được đi chúc tết người thân, còn mình, càng lễ tết, càng phải làm nhiều, bởi với ngành hàng không, tết chính là dịp cao điểm nhất trong năm.

Tuy nhiên, những giây phút nao lòng trôi qua rất nhanh bởi tiếp viên trưởng 8x hiểu rằng, không phải chỉ mình cô mà còn rất nhiều người khác cũng vì nhiệm vụ không thể về nhà đón tết và dù không được đón Giao thừa cùng gia đình, cô và các đồng nghiệp năm nào cũng đón một cái tết thật nhiều niềm vui. “Anh chị em trong đoàn thường tổ chức 1 bữa tiệc nho nhỏ, mỗi người mang theo 1 món để góp vui như bánh chưng, thịt kho hột vịt, tôm khô củ kiệu để ăn cùng nhau. Chúng mình cùng chúc tết và nhận lì xì may mắn nữa”- cô cho biết.

“Khi đã trở thành TVHK rồi, mình mới thấu được sự khắc nghiệt cũng như niềm vui, hạnh phúc của nghề. Giờ giấc làm việc của bọn mình không cố định, đi sớm về khuya, không biết lễ, tết là gì cả. Và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bọn mình vẫn phải luôn tươi cười, cho dù có mệt mỏi như thế nào cũng không được thể hiện trước mặt hành khách.” - Phượng chia sẻ, đồng thời cho biết, đối với mỗi tiếp viên hàng không, sự an toàn và hài lòng của hành khách chính là nguồn động lực lớn nhất. Mỗi chuyến bay hạ cánh an toàn là 1 kỷ niệm vui và khiến mình cảm thấy hạnh phúc, quên hết vất vả.

Đón giao thừa trên trời quen rồi, chỉ thương bố mẹ ở nhà

Trò chuyện với Báo Lao Động, phi công Vũ Tuấn Đạt của Vietnam Airlines, chuyên bay máy bay A350 đi Pháp, Đức, Nhật cho biết, anh bay từ năm 2002 và có rất nhiều tết trên trời bởi bay tàu lớn, đường dài thường đi qua vài ngày nên “mất tết là bình thường” và mới đầu thì buồn nhưng sau quen dần và “bố mẹ ở nhà buồn nhiều hơn là mình”.

“Nhiều lúc thương bố mẹ, bố mẹ ở nhà buồn nhiều, trước đây không thông cảm gần đây mới thông cảm cứ hỏi sao 2 vợ chồng đi suốt” - anh chia sẻ, bởi vợ anh cũng là tiếp viên hàng không.

Năm nay, anh Đạt được nghỉ đêm giao thừa nhưng lại bay sáng sớm mùng 1 sang Nhật và khi về thì đã hết tết. Anh Đạt cho biết, thông thường, trong đêm giao thừa, trước khi hành khách lên máy bay, cả đoàn bay sẽ cùng chào hỏi chúc tết, phát lì xì rồi sau đó lúc ai làm việc người đó vì “mỗi người 1 việc không có thời gian và đó là lúc nghiêm túc không thể lơ là”.

Nhớ lại các kỷ niệm khi bay trong dịp tết, anh chia sẻ, ngày mới đi bay, rất nhớ nhà nên vừa bay từ TPHCM ra Hà Nội dù trời rét và có rất ít thời gian, anh cũng tranh thủ chạy xe máy về nhà vì nghĩ tết mà ở sân bay không về với bố mẹ thì cũng không được. “Hôm đó, trời mưa phùn gió bấc, mình chạy xe về nhà đường xa, đến tối muộn mới về tới nhà, người ngợm bẩn thỉu, tranh thủ ngồi ăn với bố mẹ 1 bữa cơm, đón giao thừa xong đến 3h30 sáng lại đi lên sân bay. Tới nơi, trời lạnh không đứng lên được, cũng thấy nao lòng nhưng đi làm vài hôm, công việc lôi cuốn lại quên”.

Cũng đón giao thừa năm ngoái trên trời, phi công Phạm Bá Quân của Vietnam Airlines chuyên bay đường bay Anh, Australia cho biết, cứ cách 1 năm, anh lại đón giao thừa trên trời và “làm nghề quen, gia đình cũng quen rồi” nên dễ thông cảm. Anh Quân cho biết bố anh trước cũng là phi công nên mẹ ở nhà có buồn cũng quen rồi.

Anh Quân chia sẻ, dù không được ở nhà sum vầy cùng gia đình nhưng đi làm vào dịp tết cũng có điểm khác biệt so với ngày thường bởi cả tổ bay từ phi công tới tiếp viên đều cùng hoàn cảnh nên có cảm giác thấu hiểu, chuyến bay có sự gắn kết hơn, dễ thông cảm hơn. Qua giao thừa, hết chuyến bay cả tổ lại tổ chức ăn uống sinh hoạt chung và có những kỷ niệm nho nhỏ.

chuyen nhung nguoi don giao thua tren troi Khám phá truyền thống đón năm mới đặc sắc trên thế giới

Trong lễ mừng năm mới người Chile sẽ đón giao thừa trong nghĩa trang, còn người Tây Ban Nha ăn 12 quả nho như một ...

chuyen nhung nguoi don giao thua tren troi Giao thừa trong các ngôn ngữ trên thế giới

Giao thừa là thời điểm chuyển giao giữa năm mới và năm cũ. Tại phần lớn quốc gia trên thế giới, đây là thời khắc ...

chuyen nhung nguoi don giao thua tren troi Phong tục đón Giao thừa độc đáo trên thế giới

Đêm Giao thừa trên toàn thế giới thường được bắt đầu bằng pháo hoa, những lời chúc và bữa tiệc ấm cúng. Tuy nhiên nhiều ...

/ https://laodong.vn