400 CEO, lãnh đạo toàn cầu tại Bangkok thích thú trước câu chuyện tạo ra lượng khách hàng mới cho ngành hàng không của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.
Xuất hiện tại sự kiện dành cho các CEO toàn cầu ở Bangkok (Thái Lan) sáng 31/10, bà Phương Thảo nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nhân, nhà đầu tư quốc tế bởi Vietjet được nhìn nhận là "một hiện tượng trong ngành hàng không Việt Nam".
Nữ CEO Vietjet là doanh nhân duy nhất đại diện cho Việt Nam tham dự Forbes Global CEO 2018 với vai trò một diễn giả. |
Nữ tỷ phú tự thân trẻ tuổi nhất Đông Nam Á, một trong những nhân tố đã thay đổi cục diện thị trường hàng không Việt Nam cho biết, từ những năm 1990 bà và các cộng sự, khi tham gia các hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế đã từng thuê những máy bay vận tải cỡ lớn chở hàng chục container hàng hóa. Việc "làm lớn" này giúp hàng hóa của bà tới sớm cả tuần mà chi phí đôi khi còn thấp hơn chở container hàng hóa bằng xe lửa.
CEO Vietjet đặc biệt ngưỡng mộ hệ thống vận tải máy bay của hàng không châu Âu. Nó thuận tiện cho người dân như là xe buýt ở trên không. Chính những thực tế của ngành vận tải hành khách bằng đường hàng không trong những năm 90 này đã cho nữ tỷ phú ý tưởng đầu tư vào ngành hàng không Việt Nam - nơi có dân số đông với gần 100 triệu người và rất trẻ, thu nhập của người dân tăng với tỷ lệ cao nhất trong khu vực mỗi năm. Trong khi đó, tỷ lệ người được đi máy bay chỉ chiếm dưới 1% dân số.
Hội nghị Forbes Global CEO diễn ra sáng ngày 31/10 với chủ đề The World Reboots - "Khởi động lại thế giới" |
Vietjet là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đầu tiên nhận giấy phép tham gia vận chuyển hàng không. Khi đó, nữ CEO và cộng sự từng uớc mơ xây dựng một hãng hàng không năm sao, giống như một khách sạn năm sao bay trên trời.
Tình cờ trong lần từ thiện ở vùng quê, một người phụ nữ nông dân lớn tuổi nói với nữ lãnh đạo: không biết trước lúc nhắm mắt có được đi máy bay không, bởi vì để có một chiếc vé máy bay người nông dân sẽ phải bán đi mấy tấn thóc mới mua được.
"Chính câu chuyện này đã thay đổi quyết định của chúng tôi, mặc dù lúc đó chúng tôi đã ký kết đặt mua máy bay theo cấu hình 5 sao, đã đào tạo phi công, đã làm thương hiệu - một thương hiệu rất sang trọng và xa xỉ", CEO Vietjet kể.
Bà và đội ngũ đã quyết định dừng lại tất cả, thay đổi đơn hàng, thay đổi mô hình, thay đổi thương hiệu theo hướng giản dị, gần gũi để mọi người dân, như người phụ nữ ở trên, đều có thể bước chân lên máy bay, thôi thúc xây dựng dự án hãng hàng không chi phí thấp.
"Ước mơ của chúng tôi chính là chinh phục hơn 99% dân số còn lại chưa được đi lại bằng máy bay ở Việt Nam", nữ tỷ phú xúc động chia sẻ.
Những câu chuyện về sự phát triển ngành hàng không và của người Việt được CEO Vietjet chia sẻ trong sự thích thú của hội nghị. |
Với chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối năm 2011, hãng hàng không Vietjet đã hiện thực hoá được ước mơ của người phụ nữ nông dân năm đó. Mang lại cơ hội bay cho những người dân bình thường nhất, và đã tạo nên những xu hướng mang tính cách mạng trong ngành hàng không. Khoảng 30% hành khách Vietjet là những người lần đầu tiên đặt chân lên máy bay.
"Rất thú vị là sau khi chúng tôi phát triển mạng bay quốc tế, những người khách lần đầu tiên đặt chân lên máy bay không chỉ là người Việt Nam nữa mà là người dân từ 10 nước mà chúng tôi đang bay tới. Nhiều người trong số họ cũng lần đầu tiên được bay", người phụ nữ quyền lực cho biết thêm.
Khi được hỏi Vietjet có phải là một thách thức cho hàng hãng không truyền thống không, nữ doanh nhân nổi tiếng thẳng thắn: “Sự tham gia thị trường của Vietjet không phải là sự thách thức một hãng hàng không khác mà là nhân tố tích cực làm thay đổi thị trường về căn bản, hấp dẫn hơn, sôi động hơn và phát triển hơn bao giờ hết".
Lý giải giải cho điều này, CEO Vietjet đưa ra những dẫn chứng cho thấy hãng đã tạo nên lực lượng khách hàng mới cho ngành hàng không. Ngành hàng không Việt Nam những năm qua đã tăng trưởng liên tục với tỷ lệ bình quân gần 20% mỗi năm.
"Trong đó Vietjet đóng góp tới 70% của sự tăng trưởng này và 30% còn lại là sự tăng trưởng của các hãng khác nghĩa là tăng trưởng đã tới trên toàn ngành", nữ tỷ phú nhấn mạnh.
Hoạt động của Vietjet kéo theo sự bùng nổ của dịch vụ hàng không, dịch vụ mặt đất, kỹ thuật, xăng dầu, đào tạo... Sự đổi mới của cả ngành đã làm cho lợi nhuận và giá trị vốn hoá của các doanh nghiệp, trong đó có hãng hàng không nhà nước, đều tăng trưởng mạnh.
CEO Vietjet được truyền thông thế giới và trong nước đánh giá là một trong những nhân tố làm thay đổi thị trường hàng không. |
Khá khiêm tốn nhưng CEO Vietjet không giấu giếm niềm vui và tự hào vì đã thúc đẩy sự đổi mới trên từ chính sách, luật pháp tới các chương trình đầu tư xây mới, mở rộng liên tục các sân bay, các chương trình ứng dụng tự động hóa, nâng cao năng lực điều hành bay, quản lý an toàn...
Nữ tỷ phú cũng chia sẻ những ước mơ lớn sau khi thực hiện thành công cuộc cách mạng để "người nông dân dễ dàng bước lên máy bay". Đó là chiến lược phát triển hãng hàng không phục vụ cho mọi nhu cầu tiêu dùng của khách hàng trên nền tảng thương mại điện tử trong hệ sinh thái kết nối chuỗi các dịch vụ đa dạng trên toàn cầu.
"Giấc mơ và đam mê sẽ ra tạo sự thay đổi tốc độ. Giấc mơ lớn sẽ cho chúng ta thêm nhiều cảm hứng, tạo ra những năng lượng vượt trội vượt lên mọi thách thức để đạt được những điều mình mong muốn. Giấc mơ của chúng tôi là mang lại nhiều nhất cơ hội bay cho tất cả những ai chưa từng được bay", nữ tỷ phú hàng không chia sẻ trong phần kết thúc toạ đàm với giấc mơ về một hãng hàng không vì người tiêu dùng (consumer airline) mà bà và hàng nghìn cán bộ công nhân viên tại Vietjet đang hướng tới.
Tuấn Nhu
Lãnh đạo Vietjet được vinh danh là Doanh nhân Đông Nam Á tiêu biểu
Tại Seoul - Hàn Quốc, trong khuôn khổ Diễn đàn Tri thức Thế giới, Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc và Tập đoàn Truyền thông ... |
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: Cần trao nhiều cơ hội hơn cho kinh tế tư nhân
Nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam kỳ vọng Chính phủ trao nhiều cơ hội hơn cho khu vực kinh tế tư nhân. |