Chuyện ít người biết trên giàn khoan

Từ trước đến nay, cuộc sống và lao động của những người thợ trên những giàn khoan dầu trên biển rất ít người được biết. Bởi lẽ, hiếm người có thể đi ra được ngoài giàn khoan và những người thợ dầu khí cũng ít khi kể về mình. Nhân dịp năm hết Tết đến, chúng tôi xin kể cho các bạn nghe những câu chuyện ít người tưởng tượng được trên giàn khoan.

1. An toàn là thế nào?

Trên các giàn khai thác, việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện được đặt lên hàng đầu. Đã có một thời gian dài, chúng ta phải thuê người nước ngoài làm nhiệm vụ giám sát an toàn trên giàn khoan. Sở dĩ như vậy là vì người nước ngoài làm việc có tính nguyên tắc rất cao, đặc biệt là người Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đối với họ, không có chữ “du di” và không bao giờ thỏa hiệp hoặc nhân nhượng trước bất cứ việc làm nào vi phạm tới nguyên tắc an toàn dù là nhỏ nhất, kể cả đó là việc “vô thưởng vô phạt”.

Mỗi người khi từ đất liền ra giàn khoan, dù là công nhân đã làm việc hàng chục năm, bay ra giàn hàng trăm lần; nhưng ngay khi xuống máy bay trực thăng là họ phải vào phòng nghe hướng dẫn về những quy tắc an toàn cơ bản. Còn cách giáo dục về công tác an toàn cũng hết sức cụ thể, sinh động và thiết thực.

Một ví dụ nhỏ, công nhân trên giàn khoan phải đi đôi giày bảo hộ nặng tới 1,1kg, loại giày này có mũi bằng thép và có thể chịu được một cục sắt nặng từ 8-12kg rơi từ độ cao 2m xuống mà ngón chân không bị làm sao.

Khi học bài giảng về an toàn, người ta sẽ lấy dẫn chứng về hậu quả khi anh không đi giày bảo hộ. Nếu bị một thanh sắt rơi vào chân hoặc bị vấp mà ngón chân bị thương, người công nhân đó không thể làm việc thì sẽ như thế nào?

Trước hết, anh ta phải nghỉ việc. Trong trường hợp nặng thì phải thuê một chuyến bay đưa anh ta về đất liền chữa trị. Một chuyến bay trực thăng như vậy, đơn vị phải chi ít nhất 25.000 USD. Ngoài ra phải điều một công nhân từ đất liền thay thế vị trí của anh ta.

Khi anh về chữa trị thì chỉ được hưởng lương cơ bản, nghĩa là mất đi khoảng 4/5 thu nhập. Trong thời gian chữa trị vết thương, công việc của anh ở ngoài giàn đã có người thay thế và sau khi anh chữa khỏi, lại phải chờ để bố trí công việc tiếp theo cho anh, và chưa biết chừng sẽ là thất nghiệp. Mà khi đó, ảnh hưởng lớn nhất chính là gia đình của anh.

Cách dạy về an toàn giản dị như vậy!


Nụ cười người thợ khoan dầu khí

Ở trên các giàn khai thác khí như BIEN DONG 01, công tác an toàn còn “khủng khiếp” hơn. Các phóng viên khi ra giàn đều bị thu máy ảnh, điện thoại. Chiếc máy ảnh đó đã được nhân viên an toàn kiểm tra kỹ lưỡng và dán niêm phong. Rồi khi phóng viên được phép đi chụp ảnh, phải có 1 công nhân mang một máy dò khí đi cùng. Phóng viên chỉ được phép chụp ảnh khi được sự đồng ý của nhân viên giám sát. Trên giàn khoan, các loại đèn flash bị “cấm tiệt”.

Đêm 30 Tết, các giàn khoan cũng được phép thắp hương cúng giao thừa. Nhưng quy trình để được thắp một nén hương trong 15 phút thì cực kỳ nhiêu khê.

Đầu tiên, giàn trưởng phải làm “kế hoạch thắp hương” gửi về công ty. Trong kế hoạch đó, phải ghi rõ thắp hương từ mấy giờ mấy phút, cho tới khi nào, ai là người chịu trách nhiệm thắp hương, ai là người giám sát, hệ thống cứu hỏa tại phòng thắp hương đã được kiểm tra hay chưa?

Sau khi được lãnh đạo công ty “OK”, từ buổi chiều, hệ thống thông gió ở các phòng - đặc biệt là nhà Câu lạc bộ (nơi đặt bàn thờ) sẽ được mở hết cửa, quạt thông gió chạy hết công suất. Trước giao thừa khoảng 30 phút, toàn bộ hệ thống phòng cháy chữa cháy trên giàn đã đi vào trực một cách nghiêm cẩn. Các nhân viên giám sát an toàn mang máy dò khí đi dò khắp nơi - kể cả trong toilet!

Sau khi thấy các chỉ số về an toàn đảm bảo, khoảng 12h kém 10, giàn trưởng được thắp hương; đồng thời báo cáo ngay về trung tâm trong đất liền: vào giờ này, phút này, trên giàn khoan đã thắp hương cúng giao thừa.

Giao thừa xong, mọi người nghe giàn trưởng chúc mừng năm mới, mừng tuổi anh em, nghe lãnh đạo tổng công ty chúc tết qua điện thoại vệ tinh rồi kèm theo 1-2 tiết mục văn nghệ đón chào năm mới. Đến 12h 15 phút, buổi đón giao thừa chấm dứt, các nén hương đang cháy dở được rút bỏ, nhúng nước. Rồi sau đó, giàn trưởng lại làm báo cáo nhanh gửi về đất liền, báo cáo về buổi đón giao thừa và các công tác an toàn.

Ở ngoài giàn, một năm anh em được thắp hương 2 lần: đó là vào đêm 30 Tết và ngày giỗ Bác Hồ.

Cũng nói về công tác an toàn, trên một số giàn khoan do người Nhật Bản hoặc Hàn Quốc điều hành cấm tiệt việc sử dụng tăm xỉa răng. Sở dĩ như vậy do họ rất sợ người Việt có thói quen dùng tăm sau khi ăn cơm và vứt tùy tiện. Nếu như chiếc tăm đó chui vào lavabo hay vị trí khác thì sẽ làm tắc nghẽn toàn bộ hệ thống xử lý nước thải trên giàn, và xử lý vấn đề này cực kỳ nhiêu khê, tốn kém.

Hiện nay, nhiều giàn khoan do người Việt điều hành cũng áp dụng chế độ ăn cơm không dùng tăm xỉa răng. Ai không thể bỏ được thói quen này thì phải ra khu vực nghỉ ngơi cho người hút thuốc. Tuy nhiên, trên các giàn khai thác khí không có khu vực nghỉ ngơi, cũng không có khu vực hút thuốc.

2. Công nhân trên giàn khoan hưởng lương thế nào?

Ai cũng nghĩ rằng, người lao động của ngành dầu khí được hưởng lương cao “ngất ngưởng” và cuộc sống của họ trên giàn khoan thì người trong đất liền nằm mơ cũng không thấy. Đó là họ được ăn tự chọn, quần áo thay ra có người giặt, là ủi cẩn thận.

Hãy lấy ví dụ lương của một giàn trưởng là khoảng 100 triệu/tháng. Mức lương này của người Việt bằng 1/5 mức lương của người nước ngoài, thậm chí những giàn bằng 1/10.

Nhưng 100 triệu/tháng nghe đã quá to, nhưng thực chất là sao?

Sau khi xử lý sự cố trên giàn khoan

Thứ nhất, làm việc trên giàn khoan 1 ca là 12 tiếng. Trong 12 tiếng ấy được nghỉ 30 phút. Như vậy 1 ngày làm việc trên giàn khoan, người thợ phải làm gấp rưỡi người trên đất liền.

Thứ hai, trên giàn khoan không có ngày nghỉ, giờ nghỉ, không ngày lễ ngày Tết, đến ca thì phải làm. Họ chỉ được phép nghỉ khi giàn khoan không còn khai thác hay có gió bão quá sức chịu đựng của giàn. Họ phải làm việc ở trên giàn từ 25 ngày trở lên.

Theo thông lệ của quốc tế, thời gian làm việc trên giàn khoan là 15 ngày, sau đó họ được đổi ca, về nghỉ 15 ngày. Nhưng ở Việt Nam, đa số các giàn đều áp dụng chế độ làm việc từ 25 ngày trở lên để tiết giảm chi phí, đặc biệt là chi phí vé máy bay. Giá vé máy bay trực thăng đi ra giàn cao gấp 3 - 4 lần giá vé máy bay thương mại. Đã có thời kỳ, do giá dầu giảm sâu, nhiều đơn vị đã phải chở anh em ra giàn thay ca bằng tàu dịch vụ, nhưng như thế thì quá vất vả, anh em bị say sóng nên khi đến nơi, nhiều anh phải nghỉ cả ngày mới “hoàn hồn”.

Hết thời gian làm việc ngoài giàn, người công nhân đó về bờ và trong thời gian về bờ, anh chỉ được hưởng mức lương “cơ bản”. Như vậy, thực chất lương một người thợ trên giàn có thể được 50 triệu/tháng, nhưng tính thời gian làm việc và ở bờ thì lương của anh trung bình chỉ 15 triệu/tháng. Mức lương này thực sự không cao, đó là chưa kể người trên giàn khoan phải lao động với cường độ khủng khiếp.

3. Khoan trên giàn là thẳng hay cong?

Tất cả chúng ta đều nghĩ, mũi khoan khi cắm xuống lòng biển là đi vuông góc 90° theo đường thẳng tắp.

Nhưng ở trên biển thì không phải như vậy. Trên một giàn khoan có khoảng từ 5-10 giếng khoan, thậm chí là 12 giếng khoan. 12 giếng khoan được đặt trên diện tích 500m² là quá chật chội. Và không thể có được túi dầu nào nhét từng ấy giếng khoan vào diện tích nhỏ như vậy. Chính vì thế, người ta đã nghĩ ra phương pháp khoan nghiêng hay khoan xiên.

Mũi khoan khi đi xuống lòng đất khoảng 3.000m, tùy theo cấu tạo địa chất, người ta sẽ bắc cầu, cầu đó có tác dụng cản mũi khoan, lái nó theo hướng khác, thường là 30 - 45°.

Các bạn thử tưởng tượng, làm thế nào để 1 mũi khoan nặng 1 tấn, dài 10m, đường kính khoảng 30cm bằng một loại hợp kim cực kỳ cứng lại có thể chạy nghiêng được, rồi thậm chí là có những giếng khoan, mũi khoan đã chạy nghiêng hàng km rồi lại “ngóc” ngược lên.

Ta cứ tưởng tượng thế này, nếu có một người “siêu khổng lồ” cầm một sợi dây thép với khối lượng và đường kính như trên thì ở chiều dài 3 - 4km thì sợi thép đó sẽ mềm dẻo như một sợi bún và có thể quấn quanh một trục có đường kính 400m. Chính vì vậy, ở các giàn khoan, nếu nhìn trên sơ đồ thì các giếng dầu từ giàn khoan tỏa ra hàng km. Và như vậy, mỗi một giàn khai thác đảm nhiệm hút dầu trên vùng biển khoảng 30 – 40km²; thậm chí lên tới cả 100km² tùy số lượng giếng.

Chính vì thế, người viết bài này từng nghĩ, nếu có một ngày đẹp trời chúng ta phát hiện mỏ dầu ở dưới đáy hồ Hoàn Kiếm thì làm sao khoan lấy dầu mà không phá vỡ cảnh quan của hồ?

Với dầu khí, bây giờ họ làm rất đơn giản. Họ có thể đặt giàn khoan nằm bên kia sông Hồng, ở khu vực Gia Lâm cách hồ Hoàn Kiếm 4-5km. Sau đó họ khoan xuống và hướng mũi khoan chạy nghiêng về phía hồ.

Nghề khoan dầu khí là như thế!

Nguyễn Như Phong

PTSC M&C giành được hợp đồng đóng giàn khai thác dầu khí cho Qatar PTSC M&C giành được hợp đồng đóng giàn khai thác dầu khí cho Qatar
Mỗi giàn khoan trên biển là một cột mốc chủ quyền Mỗi giàn khoan trên biển là một cột mốc chủ quyền
Xuân sớm trên những công trình dầu khí biển Xuân sớm trên những công trình dầu khí biển
/ Thương hiệu & Sản phẩm