Nhiều chuyên gia tài chính nêu quan điểm nếu dung hòa được chính sách, Việt Nam vẫn có dư địa để giảm lãi suất ngay trong quý II/2023.
Tại tọa đàm "Tác động của môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và hồi phục tăng trưởng năm 2023" do Viện Nghiên cứu Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 11/5, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho hay, nhiều người có quan điểm cần kiểm soát tín dụng để kiểm soát lạm phát là không chính xác. Cung tiền mới là yếu tố quan trọng trong điều hành lạm phát chứ không phải là tín dụng. Từ năm 2020 tăng trưởng cung tiền xuống rất thấp, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức chấp nhận được dù chúng ta nhập khẩu lạm phát rất nhiều.
"Nhìn lại năm 2022, tăng trưởng GDP ba quý đầu năm có vẻ ổn nhưng đến quý IV/2022 thì giảm mạnh do đơn hàng sụt giảm, sản xuất suy giảm, chỉ số quản lý thu mua PMI liên tục dưới 50 điểm", ông Tú Anh nói.
TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương.
Trong bối cảnh khó khăn đó, lãi suất quý IV/2022 lại tăng gây khó khăn cho doanh nghiệp, lãi suất cho vay trung bình ở mức 12-13% và thực tế có những ngân hàng còn cho vay với mức lãi suất cao hơn.
Một yếu tố nữa là từ năm 2011-2020 Việt Nam chủ yếu là thặng dư cán cân vãng lai, tức là Việt Nam là nước xuất khẩu vốn. Trong hai năm 2021 và 2022 do phải chi phí cho nhập khẩu thuốc và thiết bị phòng chống dịch COVID-19 và chi phí vận tải tăng vọt nên cán cân vãng lai trở nên bị âm. Nhưng về xu hướng dài hạn thì Việt Nam sẽ vẫn thặng dư cán cân vãng lai và vẫn là nước xuất khẩu vốn.
Theo đó, vị chuyên gia này nhận định, Việt Nam hoàn toàn có dư địa để giảm lãi suất khi ở vị thế một nước xuất khẩu vốn.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận, lãi suất của Việt Nam năm 2023 còn cao vì trong năm 2022 nguồn cung tiền còn thấp, nhiều tổ chức tín dụng còn yếu kém. Tuy nhiên, nếu dung hoà được chính sách, Việt Nam vẫn có dư địa để giảm lãi suất ngay trong quý II/2023.
"Áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất của thế giới đang giảm xuống và nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với năm ngoái. Thanh khoản ngân hàng năm nay tốt hơn so với quý IV/2022. Hết 4 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng 3,05%, huy động vốn tăng 1,5% có nghĩa là tiền dân cư vẫn đang vào ngân hàng. Chưa kể, nếu giải ngân đầu tư công tăng lên và nợ đọng vốn của doanh nghiệp giảm xuống, thông những điểm nghẽn, cải thiện môi trường kinh doanh thì nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt", TS. Cấn Văn Lực kỳ vọng.
TS. Cấn Văn Lực tại tọa đàm.
Lãi suất cao ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN
Theo Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Anh Thu, lãi suất là vấn đề rất lớn, có tác động sâu, rộng tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, cũng như sự hoạch định chính sách. Theo bà, lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và các chỉ số phát triển doanh nghiệp.
Đây cũng là luận điểm được ông Tú Anh nhấn mạnh. Theo ông, kinh tế Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn, bao gồm sự trầm lắng của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cùng với sự suy giảm mạnh của hoạt động xuất khẩu trong quý IV/2022. Mức lãi suất cho vay tăng cao từ tháng 7/2022 và vẫn tiếp tục neo cao cho đến tháng 2/2023 đã làm suy yếu năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tốc độ tăng tín dụng và huy động vốn giảm mạnh trong ba tháng đầu năm 2023, do cầu yếu và lãi suất vẫn cao. Mức lãi suất cho vay bình quân từ khoảng 9-10% được chuyên gia đánh giá là rất cao. Theo NHNN, dư nợ tín dụng bình quân trong cả năm 2022 là 1,13 triệu tỷ đồng với lãi suất cho vay bình quân là 10% thì riêng chi phí lãi vay mà doanh nghiệp và người dân phải chịu ít nhất là 1,13 triệu tỷ đồng, tương đương với 12% GDP của Việt Nam năm 2022.
"Môi trường lãi suất cao không chỉ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hiện hành mà còn ảnh hưởng đến nhu cầu khởi nghiệp, nhu cầu thành lập doanh nghiệp vì lãi suất cao sẽ làm cho chi phí khởi nghiệp tăng khiến người muốn khởi nghiệp chùn bước", ông Nguyễn Tú Anh nói.