Chuyên gia quốc tế hiến kế Việt Nam tiêm chủng hiệu quả

Các chuyên gia nói Việt Nam cần thiết lập hệ thống đặt lịch trực tuyến, các điểm tiêm vaccine đại trà, theo dõi chặt chẽ tác dụng phụ sau tiêm.

Việt Nam đang bước vào chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử. Chính phủ đặt mục tiêu mua 150 triệu liều vaccine, đủ tiêm 70% dân số trong năm nay.

Giáo sư Jin Dong-Yan, Đại học Hong Kong, cho biết Việt Nam có thể học hỏi mô hình đăng ký tiêm vaccine trực tuyến tại Hong Kong, đồng thời đảm bảo khoảng cách an toàn 1,5 m ở các điểm tiêm chủng.

"Với cách làm đó, ban điều hành có thể giám sát việc thực hiện giãn cách xã hội. Nguy cơ lây nhiễm giảm xuống mức tối thiểu", ông nói.

Theo giáo sư Jin, giới chức Hong Kong tận dụng các nhà thi đấu để tiêm vaccine cho hơn 50.000 người mỗi ngày. Các trung tâm tiêm chủng do nhiều nhóm tình nguyện khác nhau điều hành. Trường Đại học Hong Kong đang huy động cựu sinh viên khoa điều dưỡng hỗ trợ công tác triển khai.

Tiến sĩ Litjen Tan, Giám đốc chiến lược, Liên minh Hành động vì Tiêm chủng (IAC), đề xuất Việt Nam thành lập các điểm tiêm chủng đại trà (MVC), đã và đang chứng tỏ hiệu quả ở Mỹ. MVC giúp tiêm vaccine cho nhiều người trong thời gian ngắn và hiệu quả. Các phòng tiêm dựng lên ở những nơi phi truyền thống như bãi đậu xe, khuôn viên của các tòa nhà lớn, hoặc bên lề đường dành cho tài xế, người đi bộ.

"Nên tách người dân ra khi họ đến tiêm vaccine để giảm nguy cơ lây nhiễm", ông Tan nói.

Ông nhấn mạnh Việt Nam cần đảm bảo quá trình tiêm chủng diễn ra thuận tiện. Người dân có thể tiêm vaccine ở mọi nơi, từ bệnh viện công, trung tâm thương mại đến cửa hàng tạp hóa.

Theo ông, cần có hệ thống giám sát chặt chẽ phản ứng phụ sau tiêm, nhân viên y tế phải nắm được tất cả tình trạng sức khỏe của người dùng vaccine.

Chuyên gia quốc tế hiến kế Việt Nam tiêm chủng hiệu quả
Người dân TP HCM tiêm vaccine Covid-19, ngày 24/6. Ảnh: Hữu Khoa.

Tiến sĩ Jason Kindrachuk, Đại học Manitoba, nhận định khi chưa có nguồn cung dồi dào, Việt Nam nên cân nhắc tiêm liều vaccine đầu cho càng nhiều người càng tốt. Chiến lược này hiệu quả với Canada. Theo đó, Canada cho phép giãn cách các liều tiêm tối đa 90 ngày, thay vì 3-4 tuần như khuyến cáo từ nhà sản xuất. Đến nay, khoảng 2/3 dân số nước này đã được tiêm một liều vaccine, xếp thứ ba về tỷ lệ bao phủ vaccine trong khối G7, với 67,29 liều/100 dân.

Nhờ đó, số ca nhiễm ở những người đã tiêm chủng giảm đáng kể. Dù mắc bệnh, họ cũng không có triệu chứng nghiêm trọng. "Điều này giúp giảm sức ép cho hệ thống y tế Canada, đồng thời giảm tốc độ lây truyền ở một số điểm nóng dịch bệnh", ông Kindrachuk nói.

Dù vậy, Việt Nam cần đảm bảo nhóm yếu thế như người cao tuổi, người có bệnh nền, bị suy giảm miễn dịch được tiêm liều thứ hai trong khoảng thời gian quy định, sau liều đầu khoảng vài tuần.

Sự đồng lòng của người dân

Giống với nhiều nước khác, việc xây dựng lòng tin vào vaccine ở công chúng rất quan trọng. Theo ông Jin, giới chức cần minh bạch công bố thông tin về tác dụng phụ nghiêm trọng như đông máu, biến chứng và tử vong, dù hiếm gặp.

Giới chức Hong Kong đã phối hợp cùng các doanh nghiệp tạo ra chương trình khuyến khích tiêm chủng. Người dân có cơ hội trúng nhà, xe hơi nếu tham gia rút thăm may mắn sau tiêm. Họ cũng không cần cách ly, được phép tụ tập với bạn bè, người thân.

Ví dụ, sau khi các tập đoàn bất động sản ra thông báo ngày 28/5 rằng người được tiêm phòng đầy đủ có thể tham gia rút thăm trúng căn hộ trị giá 1,4 triệu USD, số đơn đăng ký tiêm vaccine ở Hong Kong đã tăng gần 48.000 vào ngày 1/6. Một ngày trước thông báo, con số chỉ là 20.200 đơn. Từ ngày 27/5 đến 3/6, số người được tiêm phòng mỗi ngày tăng 38,5%, từ khoảng 26.000 lên 36.000.

Giáo sư Jin cho rằng tiêm chủng là biện pháp duy nhất để thoát khỏi đại dịch. Công tác giáo dục nhận thức rất quan trọng, vì nhiều người còn tỏ ra e ngại với vaccine.

"Hong Kong vẫn nỗ lực thuyết phục người dân đi tiêm phòng", ông nói.

Theo giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Trường Y tế Dân sinh, Đại học New South Wales, Australia, lời khuyên từ bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình có tác động lớn đến tâm lý bệnh nhân.

Là giáo sư về y học chẩn đoán, ông Tuấn cho biết rủi ro từ vaccine không quá lớn. Ngược lại, nó làm giảm mức độ nghiêm trọng của Covid-19, tăng khả năng sống sót cho người bệnh. Ông thừa nhận vaccine gây một số tác dụng phụ nghiêm trọng như đông máu, tim mạch.

"Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng lợi ích của vaccine lớn hơn rủi ro", ông nói thêm.

Thách thức lớn

Theo ông Tuấn, mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số của Việt Nam là "thách thức rất lớn". Với tình trạng thiếu nguồn cung giữa làn sóng lây nhiễm mới, nhiệm vụ quan trọng giờ đây là có thêm vaccine. Lý tưởng nhất là tự sản xuất vaccine trong nước, song điều này sẽ rất mất thời gian, ông nhận định.

Chính phủ đã yêu cầu nhiều quốc gia chuyển giao công nghệ. Ông Tuấn cho rằng đây là quyết định thiết thực.

"Tôi tin Việt Nam có cơ sở hạ tầng để sản xuất vaccine, hy vọng hạ tầng đó sẽ được sử dụng cho vaccine Covid-19", ông nói.

Theo giáo sư Tuấn, đợt bùng phát mới ở Việt Nam và toàn thế giới là lời cảnh báo rằng virus sẽ không biến mất trong thời gian ngắn. Cộng đồng cần học cách sống chung với căn bệnh. Ông cho rằng Việt Nam có thể đón thêm một vài làn sóng lây nhiễm. Covid-19 đang trở thành dịch đặc hữu, nghĩa là nó sẽ tồn tại lâu dài. Người dân cần thích nghi và tìm cách bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Ông cảnh báo Việt Nam nên duy trì giãn cách xã hội ngay cả sau khi tiêm chủng. Trích dẫn nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Medicine vào tháng 12/2020, ông cho biết biện pháp tốt nhất là đóng cửa cơ sở giáo dục và hạn chế biên giới.

"Dù đã tiêm vaccine, vẫn nên duy trì giãn cách xã hội một thời gian", ông nói.

Việt Anh

Putin phản đối tiêm chủng bắt buộc toàn quốc Putin phản đối tiêm chủng bắt buộc toàn quốc
Ấn Độ đạt kỷ lục tiêm chủng Ấn Độ đạt kỷ lục tiêm chủng
/ vnexpress.net