Nhiều ý kiến cho rằng rút ngắn thời gian cách ly sẽ góp phần gia tăng hiệu quả chăm sóc, điều trị F0, đặc biệt là giảm quá tải khu cách ly trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 của TP.HCM còn cao.
Sở Y tế TP HCM vừa kiến nghị Bộ Y tế rút ngắn thời gian cách ly tập trung từ 14 ngày xuống còn 7 ngày với F0 không triệu chứng đã tiêm đủ vaccine và kết quả âm tính vào ngày thứ 7, nhằm giảm tải cho các khu cách ly tập trung, tăng hiệu quả công tác chăm sóc, điều trị F0 trong bối cảnh số ca mắc mới tại các quận huyện ở thành phố có xu hướng tăng nhẹ.
Trong văn bản kiến nghị rút ngắn thời gian cách ly tập trung đối với F0, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - khẳng định đến nay TP.HCM đã cơ bản hoàn thành tiêm ngừa COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên (mũi 1 đạt hơn 99% và mũi 2 đạt 83%). Ngoài ra trẻ em từ 12 đến 17 tuổi cũng đã tiêm ngừa mũi 1 đạt 95% và dự kiến ngày 22-11 sẽ tiêm đại trà mũi 2.
Mặt khác từ khi sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir đã có nhiều trường hợp F0 hoàn toàn không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Đặc biệt có nhiều F0 mất hẳn các triệu chứng chỉ sau 1 tuần cách ly và có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.
Tuy nhiên các trường hợp trên hiện vẫn phải tiếp tục cách ly đến hết thời gian theo quy định 14 ngày. "Việc kéo dài thời gian cách ly cùng với số ca mắc mới gia tăng mỗi ngày nên khó tránh quá tải tại khu cách ly tập trung và các bệnh viện", ông Thượng nhấn mạnh.
Về vấn đề này, bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh (Phó Trưởng Bộ môn Nhiễm Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cho rằng nhìn lại giai đoạn vừa qua, có thể thấy việc cách ly 14 ngày, thậm chí 21 ngày khiến ngành y tế khá vất vả, phải huy động nguồn nhân lực rất lớn, làm mỏng đi lực lượng tại các bệnh viện.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (cố vấn Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1) cũng cho rằng F0 không triệu chứng, đã tiêm đủ vaccine và âm tính vào ngày thứ 7, nếu kéo dài cách ly đến đủ 14 ngày sẽ gây quá tải không đáng có. "Nhân lực y tế bây giờ rất quan trọng, cần tập trung lực lượng này để theo dõi, điều trị, cứu sống những F0 nặng, nguy kịch, thay vì dồn sức phục vụ thời gian dài những người đã âm tính", bác sĩ Khanh nói.
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng (Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TP HCM) khẳng định việc rút ngắn thời gian cách ly sẽ mang đến nhiều tác động tích cực cho công tác phòng chống dịch. Thời gian cách ly, điều trị ngắn sẽ khiến tâm lý người bệnh bớt nặng nề, F0 sẽ vui vẻ hơn và từ đó dễ khỏi bệnh. Ngoài ra, điều này cũng giúp giảm rất nhiều chi phí cho ngành y tế trong việc tiếp nhận chăm sóc và điều trị.
Ông cho rằng với người bệnh được sử dụng thuốc molnupiravir thì chỉ nên cách ly trong 7 ngày, nếu không dùng thuốc này thì có thể yêu cầu cách ly tối thiểu 10 ngày. "Việc điều trị Covid-19 bằng thuốc kháng virus molnupiravir thời gian qua đã mang lại hiệu quả khá cao, có tác dụng diệt virus rất tốt, một số nghiên cứu cho thấy sau khi dùng thuốc 5 ngày thì nguy cơ lây lan không còn nữa", ông Dũng nói.
Theo số liệu cập nhật trên Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM, thời gian gần đây mỗi ngày số ca mắc của TP.HCM thường trên 1.000. Đáng chú ý số ca nhập viện luôn cao hơn số ca xuất viện, thậm chí số ca nặng, tử vong có tăng. Nếu diễn biến ca mắc tiếp tục tăng sẽ gây khó khăn về nhân lực, vật lực để chăm sóc, cách ly và điều trị.
Theo thống kê của Sở Y tế, TP.HCM hiện có hơn 70.000 F0, trong đó gần 13.000 người phải điều trị tại bệnh viện, hơn 51.000 người không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ được chăm sóc điều trị tại nhà hoặc các khu cách ly tập trung.
Ngoài ra còn có hơn 5.300 F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà đang phải cách ly và điều trị 14 ngày tại các khu cách ly tập trung theo quy định của Bộ Y tế. Theo Sở Y tế, thời gian cách ly kéo dài cùng với số ca mắc mới gia tăng mỗi ngày như hiện nay có nguy cơ các khu cách ly tập trung và các bệnh viện tầng thấp sẽ lặp lại tình trạng quá tải.
PV (th)
F0 nào được phép cách ly, điều trị tại y tế cơ sở? |
F0 ở các tỉnh miền Trung và miền Tây tiếp tục tăng, Thừa Thiên - Huế cao kỷ lục |
Hà Nội điều trị F0 nhẹ tại trạm y tế lưu động |