Làm công việc truyền bá văn hóa kiến thức, giáo viên nói ngọng "l, n" rất khó chấp nhận vì có thể ảnh hưởng đến nhiều thế hệ.
Theo PGS Mai Xuân Huy, nguyên Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ, nói ngọng là hiện tượng không phát âm chuẩn trong tiếng Việt. Ngôn ngữ nói được coi chuẩn hiện nay là dùng trên đài phát thanh, truyền hình quốc gia.
Nói ngọng hình thành trong một số cộng đồng phương ngữ địa lý, tồn tại hàng trăm năm. Nói sai "l, n" cũng do phương ngữ, xuất hiện ở nhiều vùng ngoại thành Hà Nội, các tỉnh thành Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng... Hiện tượng này sở dĩ phổ biến vì nhiều người sống trong cộng đồng nói ngọng, ít khi di chuyển. Họ cảm thấy việc đó bình thường, không cần thiết phải sửa. Trẻ em lớn lên trong cộng đồng đó sẽ nói ngọng như thói quen.
"Phương ngữ mang bản sắc văn hóa vùng miền. Giọng vùng Ba Vì không rõ thanh huyền Con bò vang, giọng Nghệ An, Hà Tĩnh, miền Nam..., tôi nghe rất dễ thương. Nghe tiếng nói, ta nhận ra người đó ở vùng nào. Cái đó không phải sửa và không nên đặt vấn đề sửa. Tuy nhiên, nói ngọng hai phụ âm đầu l, n lại là lỗi phải sửa", ông Huy nêu quan điểm.
Chuyên gia ngôn ngữ học dẫn chứng bất tiện của việc nói ngọng "l, n". Chẳng hạn khi gọi tên một người tên "Nam", ngọng thành "Lam"; "nước này là nước nào?", ngọng thành "Lước lày là lước Lào"... làm sai hoàn toàn nghĩa của từ và câu, gây cười hoặc khiến người nghe không hiểu.
"Tâm lý chung nhiều người cho rằng nói ngọng l, n là văn hóa thấp, không biết tự sửa chữa cho mình. Đặc biệt, đối với những người làm công việc như giáo viên, hướng dẫn viên, người truyền bá văn hóa, phát biểu trước đám đông, việc nói ngọng l, n khó được chấp nhận", ông Huy nói.
PGS Mai Xuân Huy, nguyên Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ. Ảnh: Dân việt |
Phát âm chuẩn "l, n" phải là tiêu chí bắt buộc của giáo viên
PGS Huy đánh giá chương trình "Luyện phát âm, viết đúng chính tả hai phụ âm đầu l, n" cùa Hà Nội rất sáng tạo. Tuy nhiên, việc triển khai "nhắc nhở" như hiện nay chắc chắn sẽ ít đem lại hiệu quả. Với giáo viên, cần đưa vào tiêu chí bắt buộc, bởi họ làm công việc truyền bá văn hóa kiến thức cho nhiều thế hệ.
"Sửa phát âm ngọng cho giáo viên hoàn toàn được nếu có sức ép thi đua, tăng lương. Sở Giáo dục trực tiếp triển khai chương trình, cùng với khảo sát, đánh giá khoa học, sức ép sẽ lớn hơn nhiều so với nhắc nhở", ông Huy nói.
Hơn 40 năm giảng dạy ngôn ngữ, PGS Nguyễn Hữu Đạt, Chủ nhiệm bộ môn Việt ngữ học (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) tỏ ra gay gắt khi bắt gặp sinh viên ngọng. "Nói ngọng l, n không những gây hiểu lầm, gây cười mà còn biến vấn đề nghiêm túc thành ra chuyện bông phèng. Phát hiện sinh viên ngọng tôi đều dừng giảng để sửa ngay", ông Đạt kể.
Cách sửa nói ngọng "l, n" của PGS Đạt là yêu cầu sinh viên đó đứng tại lớp nói 10 lần câu "Làng tôi có một cô nàng mắt long lanh, lúng liếng, lung linh". Nhiều ngày sau, ông tiếp tục kiểm tra đến khi sinh viên đó sửa được.
"Tôi nghĩ việc phát âm chuẩn phụ âm đầu l, n cần đưa vào chương trình đào tạo sinh viên sư phạm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định bắt buộc đối với giáo viên các cấp học", PGS Đạt đề xuất.
Luyện phát âm chuẩn cần đưa vào nhiệm vụ của từng trường
Với bề dày lịch sử gần 60 năm, Đại học Thủ đô Hà Nội, tiền thân là Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, đã đào tạo hàng trăm nghìn giáo viên tiểu học khu vực phía Bắc. Việc phát âm chuẩn được lồng ghép trong các môn nghiệp vụ sư phạm, ngữ văn.
Đến kỳ thực tập, trường khảo sát, sàng lọc những sinh viên phát âm sai để mở lớp sửa trong một tháng. Trung bình mỗi lớp có 50-60 sinh viên, giảng viên môn ngữ văn xây dựng giáo trình phương pháp chữa phát âm sai. Tuy vậy, mỗi khóa đều có 2-3 sinh viên không được thực tập vì phát âm lệch chuẩn "l, n".
"Cấp tiểu học cực kỳ quan trọng đối với việc hình thành ngôn ngữ, chữ viết của học sinh. Với mỗi sinh viên sư phạm, phát âm chuẩn là điều kiện bắt buộc trước khi các em đứng lớp. Sinh viên bị gây sức ép, nếu không sửa được, chúng tôi không cho thực tập", TS Đỗ Hồng Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Thủ đô Hà Nội nói.
Theo ông Cường, việc sửa phát âm đối với từng cá nhân giáo viên, học sinh không khó, tự ý thức sẽ sửa được. Tuy nhiên, để thực hiện trên địa bàn tỉnh thành và cả nước cần khảo sát lập đề án, đòi hỏi công sức lớn, kiên trì trong nhiều năm.
TS Cường đưa ra phương án, chia tách từng khu vực, nhóm cụm trường để mở lớp cho giáo viên phát âm sai, theo dõi, khảo sát thường xuyên. "Luyện phát âm cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, đưa vào nhiệm vụ năm học của từng trường và không hạn định thời gian hoàn thành", ông Cường nói.
Chương trình sửa ngọng "l, n" của Hà Nội được thí điểm ở các trường tiểu học huyện Phú Xuyên từ năm 2009, mở rộng ở 13 huyện ngoại thành từ năm 2011, nhưng đến 2015 không còn là bắt buộc, chỉ nhắc nhở thực hiện. Theo ông Nguyễn Trí Dũng (nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Hà Nội), người lập kế hoạch, chương trình đạt kết quả khả quan, mỗi năm giảm 2-10% số học sinh, giáo viên bị ngọng. Tuy nhiên, những người thực hiện không ảo tưởng sẽ chuẩn hóa giọng Hà Nội vì việc này đòi hỏi phải làm lâu dài, 10 năm vẫn là "quá ngắn ngủi". Cách phát âm chuẩn hai phụ âm đầu "l, n" Cách phát âm L: Đặt đầu lưỡi ở vị trí hàm trên, nâng mặt lưỡi cong lên, chặn luồng khí lên mũi, đồng thời hai bên lưỡi hạ xuống để luồng không khí từ phổi lên, lách qua hai bên, cọ xát vào thành má, qua miệng mà thoát ra ngoài. Cách phát âm N: Hai bên lưỡi áp vào hai bên miệng, đồng thời đầu lưỡi hạ xuống làm cho luồng không khí từ phổi lên không hoàn toàn qua đường miệng mà phải có một phần qua mũi thoát ra ngoài. Cảm giác như lưỡi thụt phía sau, đè xuống. |
Ý tưởng sửa ngọng "l, n" ở Hà Nội hình thành như thế nào?
Ý tưởng xây dựng chương trình sửa ngọng tại trường tiểu học Hà Nội được hình thành sau cuộc họp với 28 trên 29 hiệu ... |
Hà Nội 10 năm sửa ngọng "l, n" chưa thành công
Một cô giáo huyện Phú Xuyên hát “Hà Lội mến yêu của ta/ Thủ đô mến yêu của ta". Khán giả cười khúc khích, cô ... |