Các chuyên gia đều cho rằng Bộ GD&ĐT không nên biên soạn 1 bộ sách giáo khoa riêng để đảm bảo cho các đơn vị, nhà xuất bản cạnh tranh công bằng, xã hội hoá.
Trong Công điện ngày 16/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương có giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra trong triển khai chương trình phổ thông, sách giáo khoa mới, trong đó có việc chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.
Chống độc quyền sẽ thất bại
TS Nguyễn Hồng Quang, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, sau gần bốn năm thực hiện, chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 của Quốc hội đã có kết quả tích cực. Cả nước có 6 nhà xuất bản và 3 tổ chức đủ điều kiện tham gia biên soạn sách giáo khoa, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Chuyên gia không đồng tình việc giao Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ sách giáo khoa. (Ảnh minh hoạ)
"Nếu thời điểm này Bộ GD&ĐT biên soạn thêm một bộ sách sẽ làm hạn chế xã hội hóa, gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng và tốn kém cho xã hội, đặc biệt sẽ làm chính sách chống độc quyền thất bại", ông Quang nói.
Việc xã hội hóa biên soạn và phát hành sách giáo khoa đã góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước, đảm bảo tính cạnh tranh, hướng đến mục tiêu đa dạng hóa nguồn học liệu phục vụ nhu cầu học tập và giảng dạy của học sinh, giáo viên. Giờ đây, sách giáo khoa không còn là "pháp lệnh", là duy nhất.
Thay vì Bộ GD&ĐT sử dụng ngân sách biên soạn thêm một bộ sách thì nên tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa theo chủ trương đã được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 122.
Vị chuyên gia này cũng phân tích thêm, Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, không có các bộ phận chức năng thực hiện các công đoạn xuất bản sách giáo khoa. Nếu Bộ GD&ĐT tự thực hiện thêm một bộ sách giáo khoa thì phải hình thành các bộ phận tương ứng như một nhà xuất bản. Từ đó, dẫn tới lãng phí nguồn lực (tác giả, biên tập viên, hoạ sĩ, trang thiết bị trong lĩnh vực xuất bản), không phát huy được nguồn lực sẵn có tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Quan trọng hơn hết, việc thay sách giáo khoa đã đi gần hết chặng đường nên nếu có thêm một bộ sách của Bộ GD&ĐT vào lúc này có thể sẽ là một cuộc điều chỉnh chính sách giữa chừng rất lớn. Điều này gây ra sự lãng phí về nguồn lực, công sức, trí tuệ và có thể nói sẽ đi ngược chủ trương xã hội hóa theo các Nghị quyết của Quốc hội, vị này nêu quan điểm.
Ông Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn cũng từng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, việc yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục biên soạn một bộ sách giáo khoa là hoàn toàn không cần thiết, không khả thi và làm phức tạp thêm tình hình. Ông chỉ ra 5 lý do.
Thứ nhất, các bộ sách đã có đầy đủ, để triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đúng tiến độ.
Thứ hai, Nghị quyết 122 của chính Quốc hội (ra sau Nghị quyết 88) đã yêu cầu không biên soạn bộ sách sử dụng ngân sách Nhà nước nữa.
Thứ ba, việc biên soạn sách giáo khoa theo hướng xã hội hóa đã được triển khai thành công theo Nghị quyết 88, không tốn kém ngân sách Nhà nước, lại phát huy được trí tuệ và các nguồn lực của xã hội.
Thứ tư, nếu Bộ GD&ĐT tiến hành biên soạn bộ sách của bộ thì phải làm lại từ đầu, bắt đầu từ lớp 1, nếu làm đồng loạt các cấp thì ít nhất phải mất 5 năm nữa mới hoàn chỉnh. Trong khi thực tế đã có đủ sách giáo khoa cho tất cả các cấp lớp rồi. Bộ sách "của Bộ" ra đời khi các trường đã dạy theo những bộ sách khác suốt 5 - 7 năm trời, bây giờ họ có sẵn sàng thay đổi không, nếu thay đổi thì giáo viên phải đi tập huấn lại, soạn lại giáo án chăng?
Thứ năm, không thể nghĩ đơn giản việc chọn trong các bộ sách đã có để lấy một bộ sách làm sách của Bộ được, vì mỗi bộ sách đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định và việc đánh giá bộ nào hơn bộ nào là bất khả thi.
"Liệu rằng, Bộ GD&ĐT có dám cho giáo viên toàn quốc bỏ phiếu trực tiếp để chọn lấy một bộ sách từ mỗi môn học không? Mỗi môn học lại có 12 lớp, liệu có bộ nào có sách cả 12 năm đều có ưu điểm hơn hẳn các bộ sách khác không?", ông nói.
Lại nữa, nếu năm này chọn sách bộ A nhưng sang lớp sau sách bộ B lại tốt hơn thì có chọn tiếp sách bộ A hay không? Nếu chọn mỗi sách một ít bài ghép lại thì lại càng không ổn vì mỗi sách có một tư tưởng sư phạm, một cấu trúc rất khác nhau dù cùng chung một chương trình. Hơn nữa, vấn đề bản quyền tác giả sách sẽ rất phức tạp…, ông Đỗ Ngọc Thống nêu thêm.
Năm học 2023 - 2024 tới các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 sẽ dạy học theo chương trình và sách giáo khoa mới được lựa chọn từ nhiều nhà xuất bản khác nhau.
Lãng phí ngân sách
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Hà - Uỷ viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nêu quan điểm, không nên có thêm bộ sách do Bộ GD&ĐT biên soạn vào thời điểm này. Bởi khi yêu cầu Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa bằng kinh phí của Nhà nước rất tốn kém.
Ngoài ra, hiện nay việc thay sách đã đi gần hết một chặng đường. Việc có một bộ sách vào lúc này có thể sẽ là một cuộc điều chỉnh chính sách rất lớn, cần phải huy động rất nhiều thời gian, nguồn lực. Trong khi đổi mới giáo dục không thể cho chúng ta thêm nhiều thời gian để chững lại hay chậm thêm.
Và hơn hết, việc Bộ GD&ĐT biên soạn thêm 1 bộ sách giáo khoa chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn các chủ biên. Bởi hiện nay, hầu hết những "nhân tài" giáo dục đã tham gia biên soạn các bộ sách giáo dục hiện hành.
Về băn khoăn, Bộ GD&ĐT nên lựa chọn các đầu sách từ các bộ sách giáo khoa hiện hành để tạo thành một bộ sách giáo khoa dùng chung trong cả nước, bà Hà cho rằng, điều này cũng không phù hợp bởi mỗi một bộ sách đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Việc đánh giá bộ sách để sử dụng phụ thuộc vào nhu cầu, mong muốn của từng địa phương.
Đặc biệt, điều này có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong việc lựa chọn sách của các địa phương, dễ xuất hiện nguy cơ quay lại thời kì “độc quyền” sách giáo khoa như trước kia.
Tại phiên giám sát cũng về nội dung này hôm 14/8, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đã đề nghị bỏ đề xuất nói trên. Theo Bộ trưởng, nhà nước nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc. Đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn sách giáo khoa là học liệu, công cụ để hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.
"Chương trình là duy nhất, thống nhất; học liệu là đa dạng và linh hoạt. Vậy có cần một bộ sách giáo khoa, tức một bộ học liệu của nhà nước hay không?", Bộ trưởng Sơn đặt câu hỏi.
Cũng theo ông Sơn, việc này khác với nội dung nghị quyết 122 năm 2020. Bộ chỉ tổ chức biên soạn sách khi không có tổ chức và cá nhân nào biên soạn. Thực tế, tất cả môn học đều có sách của các tập thể, cá nhân biên soạn.
Việc Bộ biên soạn một bộ sách nữa không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa mà còn có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới.
https://vtc.vn/chuyen-gia-neu-bo-gd-dt-bien-soan-1-bo-sgk-chong-doc-quyen-se-that-bai-ar813383.html