Chuyên gia “hiến kế” chống ngập cho đô thị Đông Nam Bộ

Để giải quyết ngập nước một cách căn cơ trước mắt, các chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, cần xây dựng các công trình theo hướng tăng diện tích thấm nước, thay vì bê tông hóa như hiện nay...

W_ngap2.jpg
Mưa lớn, nước tràn vào sân vườn và nhà dân tại thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: H.Phạm

Trận mưa lớn nhất từ đầu năm 2025 vào ngày 10-5, gây ngập sâu trên nhiều tuyến đường và khu vực thuộc thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, khiến sinh hoạt và việc đi lại của người dân đảo lộn. Đáng tiếc, mưa lớn còn khiến một người thiệt mạng do bị nước cuốn trôi tại Bình Dương.

Trao đổi với Báo HànộimớiPGS.TS Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, để giải quyết ngập nước đồng bộ hiện nay rất khó, bởi, thứ nhất, về giải pháp công trình, chúng ta mới chỉ đầu tư làm một phần nhỏ, manh mún, chưa đồng bộ, còn để đầu tư hoàn chỉnh cần thời gian, chưa kể kinh phí quá lớn lên đến cả hàng tỷ USD. Thứ hai, tình trạng đô thị hóa nhanh ảnh hưởng không nhỏ đến việc thi công các công trình chống ngập.

Cũng phải nói thêm rằng, hiện nay, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, xuất hiện nhiều trận mưa lớn, cực đoan vì không tuân theo một quy luật nào. Do đó, công tác chống ngập càng thêm khó khăn hơn.

Theo PGS.TS Hồ Long Phi, để giải quyết vấn đề ngập nước một cách hiệu quả, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị với tầm nhìn ở cấp quốc gia, bởi riêng một địa phương thì khó có thể xoay xở nổi. Trong đó, cần khuyến khích và huy động thành phần tư nhân tham gia - lực lượng có tiềm lực tài chính mạnh và tư duy linh hoạt để cùng Nhà nước chia sẻ trách nhiệm và đồng hành trong việc tìm ra giải pháp tối ưu cho bài toán ngập nước.

“Về giải pháp căn cơ, trước mắt chúng ta cần triển khai các công trình có khả năng thấm nước tốt, chẳng hạn như sử dụng vật liệu có độ hút nước cao, giúp nước thấm nhanh xuống nền đất; áp dụng bê tông nhựa rỗng tại các khu vực như vỉa hè, bãi đỗ xe... cũng sẽ góp phần giảm đáng kể tình trạng ngập úng. Bên cạnh đó, việc thu gom nước mưa qua các bể chứa ngầm bằng nhựa - như mô hình đã triển khai tại thành phố Thủ Đức - cũng là một giải pháp hiệu quả. Những cách làm này hoàn toàn có thể nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vì không cần nhiều mặt bằng, chi phí thấp, thi công nhanh và hiệu quả rõ rệt”, PGS.TS Hồ Long Phi nêu quan điểm.

W_ngap3.jpg
Mưa lớn gây ngập nhiều khu vực tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai ngày 10-5, làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt người dân. Ảnh: H.Phạm

Bàn câu chuyện ngập nước tại thành phố Hồ Chí Minh, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia kiến trúc và quy hoạch đô thị đã đưa ra số liệu nghiên cứu cho thấy, thông thường, khi mưa xuống đất tự nhiên thì 40% bốc hơi, 10% chảy trên bề mặt, 50% thấm vào đất. Nhưng với tốc độ đô thị hóa cao tại thành phố Hồ Chí Minh, bê tông hóa dày đặc, nên thấm vào đất chỉ khoảng 5%, làm cho 65% nước thoát bề mặt, nên rất dễ gây ngập nước.

Để giải bài toán ngập nước, theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, thành phố cần có một chiến lược thoát nước bài bản. Trong đó, cần định hướng triển khai các dự án quy mô nhỏ nhằm giúp nước thoát chậm, không gây ngập cục bộ mà chảy dần vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch và thấm xuống mặt đất. Đơn cử, có thể xây dựng các hồ điều tiết ngầm nhằm tăng khả năng thoát nước trong những trận mưa lớn. Bên cạnh đó, cần mở rộng diện tích đất dành cho không gian xanh, giúp tăng khả năng tiêu thoát nước tự nhiên. Đồng thời, cần tiến hành nạo vét, nâng cấp và mở rộng kênh rạch để chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường và hệ thống thoát nước.

Nhìn nhận ở góc độ thích nghi, GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường (Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, hiện chúng ta chỉ có thể giảm thiểu quá trình biến đổi khí hậu, thích nghi và chung sống chứ không thể chống lại hoàn toàn.

Vì vậy, để giảm ngập trong thời gian tới, theo GS.TSKH Lê Huy Bá, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai cần có những bước đi cụ thể và linh hoạt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan. Điều này đòi hỏi phải xây dựng các kịch bản và tính toán khoa học, chi tiết nhằm đưa ra những giải pháp khả thi, hiệu quả để hạn chế tình trạng ngập nước.

Về lâu dài, cần tháo gỡ các khó khăn về nguồn lực và đặc biệt chú trọng đến tính liên kết giữa các công trình thoát nước để đạt hiệu quả đồng bộ. Để làm được điều này, bên cạnh việc hợp tác giữa Nhà nước và các nguồn lực xã hội, cần thiết lập một bộ phận quản lý có đủ thẩm quyền và trách nhiệm trực tiếp trong việc điều phối, triển khai thực hiện.

Mặt khác, việc quy hoạch đô thị cần phù hợp với đặc điểm địa hình từng khu vực, hướng tới phát triển các công trình xanh có khả năng tự tiêu thoát nước, hạn chế tối đa bê tông hóa tại những khu vực trọng điểm.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, trận mưa ngày 10-5 có lượng mưa lớn nhất tại thành phố Hồ Chí Minh từ đầu năm 2025 đến nay, vượt xa mức trung bình nhiều năm. Tại thành phố Hồ Chí Minh, lượng mưa đo được ở một số trạm tự động như: Củ Chi 223,2mm, An Phú 123,8mm, Thủ Đức 112,4mm… Một số khu vực khác thuộc Nam Bộ cũng có mưa to như: La Ngà (Đồng Nai) 152,6mm, Đức Hòa (Long An) 124mm, Tân Uyên (Bình Dương) 118,2mm, Sở Sao (Bình Dương) 115,6mm, Bến Cát (Bình Dương) 110,4mm.

Minh Tuấn / HNM