- Giá xăng có thể giảm trở lại
- Được Bộ Công Thương "nhường" quản lý giá xăng dầu, Bộ Tài chính quyết từ chối
Chuyên gia kinh tế cho rằng cần rút ngắn thời gian giữa hai kỳ điều hành giá xăng dầu để tránh có độ trễ so với biến động nhanh chóng của thị trường thế giới.
Bộ Công Thương mới đây gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung dự thảo Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu với những sửa đổi quan trọng. Trong đó đáng chú ý là đề xuất rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống 7 ngày/lần.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), thị trường xăng dầu thời gian qua có nhiều "dị biệt", nên trong quá trình điều hành giá cần phải linh hoạt, uyển chuyển, phù hợp diễn biến thị trường thế giới, đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Về thời gian giữa hai kỳ điều hành giá, chuyên gia cho rằng cần rút ngắn lại để tránh có độ trễ so với biến động nhanh chóng của thị trường thế giới. Trước đây, mỗi chu kỳ điều hành giá xăng dầu là 30 ngày, sau rút lại 15 ngày, rồi 10 ngày như hiện nay. Tuy nhiên, qua quá trình điều hành thì thì thấy 10 ngày cũng vẫn gây bất cập trong điều hành giá xăng dầu. Nhiều thời điểm ngược với giá thế giới, khi giá xăng dầu thế giới tăng thì trong nước lại giảm.
"Tôi cho rằng thời gian giữa hai kỳ điều hành giá càng rút ngắn được bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Thêm nữa, ngoài tần suất cũng như thời gian điều chỉnh thì một vấn đề hết sức quan trọng đối với điều hành giá xăng dầu chính là làm sao phải điều hành sát với giá thị trường…", ông Long nói.
Chuyên gia đồng ý với đề xuất rút ngày thời gian giữa hai kỳ điều chỉnh giá xăng dầu của Bộ Công Thương. (Ảnh minh họa)
Trong dự thảo lấy ý kiến mới đây, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi theo hướng rút ngắn thời gian điều hành, công bố giá xăng dầu từ 10 ngày xuống mức 7 ngày, quy định vào một ngày cụ thể trong tuần. Theo đó, thời gian điều hành giá xăng dầu vào ngày thứ Năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ (trừ trường hợp trùng vào ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 tháng 1 âm lịch của Tết Nguyên đán).
Trường hợp thứ Năm trùng vào những ngày từ mùng 1 đến mùng 3 tháng 1 âm lịch, kỳ điều hành sẽ được chuyển đến ngày mùng 4 tháng 1 âm lịch. Đây là khác biệt đáng kể với quy định hiện hành khi Nghị định 95 nêu rõ kỳ nghỉ lễ không điều hành giá xăng dầu, dịp Tết Nguyên đán kỳ điều hành sẽ được lùi sang kỳ tiếp theo.
Lý do Bộ Công Thương lựa chọn phương án trên là nhằm bảo đảm giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến thế giới, việc điều hành sẽ được thực hiện kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh những lúc giá có biến động lớn trong những dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, liên Bộ Công Thương – Tài chính có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.
Theo Bộ Công Thương, ưu điểm của phương án này là giá xăng dầu trong nước sẽ biến động gần hơn với biến động của giá thế giới. Tuy nhiên, nhược điểm là thời gian để thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (từ lúc đặt hàng đến lúc hàng về đến cảng Việt Nam) thường cần khoảng 10-15 ngày.
Dầu thế giới lao dốc, giá xăng trong nước có thể sắp giảm
Đầu ngày 6/2, trên trang Oilprice, giá dầu Brent giao dịch ở mức 79,3 USD/thùng, giảm 2,49 USD/thùng, tương đương 3,28%; giá dầu WT giao dịch mức 79,94 USD/thùng, giảm 2,34 USD/thùng, tương đương 2,74%.
Trong khi đó, dữ liệu cập nhật mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy trên thị trường Singapore tính đến 2/2, giá xăng A92 là 95,7 USD/thùng, xăng A95 là 99,1USD/thùng, dầu diesel 108,9USD/thùng. Mức giá này thấp hơn bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/1 đến ngày 30/1. Theo đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong khoảng thời gian này là 98,859 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5 RON92 và 102,269 USD/thùng xăng RON95.
Theo đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá dầu thô thế giới gần đây có xu hướng giảm. Đặc biệt trong phiên cuối tuần, dầu Brent về dưới mốc 80 USD/thùng, đẩy mức giảm xăng dầu cả tuần xuống gần 8%. Nguyên nhân khiến giá dầu hạ nhiệt được cho là xuất phát từ lo ngại về những đợt tăng lãi suất cao hơn của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong chiến lược chống lạm phát.
Tuy nhiên, còn gần 10 ngày nữa mới đến kỳ điều giá xăng dầu tiếp theo nên việc giá bán lẻ xăng dầu trong nước chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến giá dầu thế giới những ngày sắp tới và việc điều hành quỹ Bình ổn giá (BOG).
Ngày 30/1, liên bộ Công Thương - Tài chính công bố điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước từ 18h ngày 30/1 theo hướng tăng giá đồng loạt các mặt hàng. Theo đó, giá xăng RON95 tăng 990 đồng/lít lên 23.140 đồng/lít, xăng E5 RON92 tăng 970 đồng/lít lên 22.320 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 890 đồng/lít, lên 22.520 đồng/lít. Dầu hoả là 22.570 đồng, tăng 770 đồng và dầu mazut là 13.930 đồng/kg, tăng thêm 570 đồng so với kỳ điều hành ngày 11/1.
Tại kỳ điều hành này, nhà điều hành không trích lập quỹ Bình ổn giá (BOG) với xăng E5 RON92 và RON95 nhưng chi quỹ lần lượt là 850 đồng và 950 đồng cho mỗi lít xăng E5 RON92 và RON95, đồng thời trích lập quỹ BOG với dầu diesel ở mức 200 đồng/lít.
Kỳ điều chỉnh này sớm hơn 2 ngày so với dự định, do diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới gần đây có nhiều thay đổi thất thường. Trước đó, do trùng ngày Tết Nguyên đán, kỳ điều hành giá xăng dầu dự kiến lùi về ngày 1/2, thay vì ngày 21/1 theo quy định.
https://vtc.vn/chuyen-gia-gia-xang-dau-nhieu-di-biet-can-rut-ngan-chu-ky-dieu-chinh-ar740068.html