Chuyên gia: Dỡ bỏ hàng rào công viên lớn nhất Hà Nội giống như đập bỏ tư duy cũ

Các chuyên gia ủng hộ việc dỡ bỏ hàng rào, không thu phí vào cửa công viên Thống Nhất, coi đó giống như việc phá bỏ tư duy cũ kỹ.

Kế hoạch của Hà Nội về việc cải tạo công viên Thống Nhất theo hướng mở, phá tường rào, dừng thu vé vào cổng đang nhận được sự quan tâm của người dân và giới chuyên môn. 

Là chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực kiến trúc đô thị, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - rất ủng hộ việc mở rào công viên.

Ông Tùng cho biết, trên thế giới có hai loại công viên là “công viên đóng” và “công viên mở”. “Công viên đóng" là để nuôi thú, còn “công viên mở” là không gian công cộng để mọi người dễ dàng tiếp cận. TP.HCM đang thực hiện theo quy hoạch này, hiện chỉ có Thảo Cầm viên là có hàng rào, còn lại là các công viên mở, Hà Nội cũng cần nhanh chóng dỡ rào các công viên.

Chuyên gia: Dỡ bỏ hàng rào công viên lớn nhất Hà Nội giống như đập bỏ tư duy cũ - 1
 Hiện nay, công viên Thống Nhất không thu tiền người dân vào tập thể dục, nhưng những người vào tham quan đều phải mua vé vào cửa.

 “Thời kỳ trước, chúng ta tập trung mọi nguồn lực để giải phóng đất nước. Chúng ta cũng đã từng rơi vào cảnh bị cấm vận vô cùng khó khăn. Dù vậy, những công viên vẫn được xây dựng, điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước và tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội.

Các công viên khi xuất hiện bị rào kín lại, rồi việc thu vé cũng tạo ra nhiều bất cập khi người đi tập thể dục, mặc quần áo thể thao không phải trả tiền trong khi những người ăn mặc chỉn chu đều phải trả tiền vào cửa…

Ngày nay chúng ta đã sang kỷ nguyên mới, thời kỳ công nghệ số, Việt Nam là một nước đang phát triển, đời sống nhân dân khá lên, nên việc tháo bỏ những hàng rào cũ kỹ như phá bỏ tư duy cũ. Việc phá bỏ là rất đúng bởi chúng ta đã bó buộc không gian công cộng quá lâu rồi”, ông Tùng nói.

Chuyên gia: Dỡ bỏ hàng rào công viên lớn nhất Hà Nội giống như đập bỏ tư duy cũ - 2

 Phá bỏ hàng rào công viên là rất đúng bởi chúng ta đã bó buộc không gian công cộng quá lâu rồi. - KTS Phạm Thanh Tùng

Cùng quan điểm với ông Phạm Thanh Tùng, TS.KTS Trương Ngọc Lân - Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng) - nhìn nhận việc xóa bỏ hàng rào công viên là hướng đi cần thiết theo đúng thông lệ quốc tế, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân. Công viên là không gian công cộng, việc phá bỏ hàng rào sẽ giúp nhiều người có thể tiếp cận được và đó là một trong những tiêu chí quan trọng của không gian công cộng.

Ông Lân cho rằng việc bỏ thu vé vào cửa công viên là hoàn toàn hợp lý bởi không gian công cộng phục vụ miễn phí là tốt nhất vì sẽ thu hút được người sử dụng đông hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng cũng như lợi ích của không gian đối với cộng đồng.

“Trước đây, người ta nghĩ rằng xây dựng công viên phải có nguồn thu để phục vụ cho công tác duy trì. Còn hiện nay họ sẽ thay đổi phương thức quản lý, tạo ra nguồn thu bằng những dịch vụ gián tiếp bên trong như khu trò chơi, bán đồ lưu niệm, cửa hàng tiện ích… thay cho việc bán vé vào cửa”, ông Lân nói.

Trả lời phóng viên VTC News, ông Trần Anh Tú - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất - cho biết, công viên Thống Nhất thuộc quản lý của UBND TP Hà Nội, đã được đưa vào kế hoạch nâng cấp ở mức độ 1. Về việc xây dựng công viên Thống Nhất theo hướng mở, hiện nay Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thành phố được giao nghiên cứu triển khai và làm chủ đầu tư theo Nghị định 03 của Thành uỷ.

"Chúng tôi ủng hộ phương án mở rộng không gian, không thu vé vào công viên. Tuy nhiên, khái niệm “công viên mở” cần được hiểu theo nghĩa rộng là mở về không gian, mở về không thu phí vào cửa, mở về các dịch vụ kinh doanh giải trí được hoàn thiện để phục vụ người dân được tốt hơn.

Còn với hàng rào có thể hạ thấp xuống để tăng không gian rộng thoáng cho công viên. Người dân đi vào công viên vẫn phải qua cổng chứ không thể giẫm đạp lên các thảm cỏ, vườn hoa”, ông Tú nói.

Phá rào phải có sự đồng bộ

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - khẳng định việc mở rào công viên là tốt, cần thiết thực hiện nhưng phải đánh giá đầy đủ, xây dựng lộ trình, kịch bản rõ ràng. Nếu vội vã mở mà không có sự đồng bộ thì khó có thể quản lý về mặt quy hoạch đô thị.

“Sự đồng bộ phải đảm bảo ở nhiều khía cạnh từ cơ chế quản lý, vận hành công viên cho đến ý thức người dân. Liệu khi mở công viên, tháo dỡ hàng rào thì khoảng xanh, các công trình lân cận có ảnh hưởng gì hay không? Ví dụ như khu vực công viên Thống Nhất giao với đường Lê Duẩn có lưu lượng giao thông đông đúc, khi phá rào thì sự an toàn có được đảm bảo không?”, ông Hào đặt vấn đề.

Theo ông Hào, sự đồng bộ còn thể hiện ở việc công viên phải đảm bảo nhu cầu của người dân về không gian, các dịch vụ đi kèm như khu vui chơi giải trí, bãi gửi xe…

Chuyên gia: Dỡ bỏ hàng rào công viên lớn nhất Hà Nội giống như đập bỏ tư duy cũ - 3

Nhiều khu vực vui chơi trong công viên Thống Nhất đã xuống cấp, cần phải được nâng cấp, cải tạo.

Chung quan điểm với kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào về những thách thức trong việc quản lý, bảo vệ cảnh quan công viên khi phá bỏ hàng rào, TS.KTS Trương Ngọc Lân cho rằng công tác quản lý công viên sau khi phá rào là công việc phức tạp, đòi hỏi nhiều biện pháp khác nhau.

Ngoài tuyên truyền, giáo dục thì cần có biện pháp về mặt thiết kế. Không gian công viên dễ bị lợi dụng vào những mục đích không tốt hoặc bị phá hoại ở những góc khuất và những thời điểm không có ánh sáng… trong thiết kế cần hạn chế những góc khuất, chiếu sáng buổi đêm như thế nào cho tốt.

“Chúng ta có thể áp dụng nhiều biện pháp độc đáo. Ví dụ như trước đây ở Mỹ có trường hợp một người đàn ông Việt kiều đã xử lý một không gian công cộng mà thường xuyên có các đối tượng nghiện hút, lưu manh tụ tập bằng cách đặt tại đó một tượng Phật và bát hương. Sau đó chăm sóc không gian xung quanh đó một chút.

Tức là khi có một yếu tố mang tính chất tâm linh như vậy thì mọi người đi qua ai cũng chú ý hơn và có hành xử phù hợp hơn. Những đối tượng phá hoại không bén mảng đến khu vực đó nữa vì có đông người qua lại và chú ý vào không gian đó.

Tạo ra góc nhìn thoáng, thu hút người đi lại, khi có lưu lượng hoạt động ở đó tốt hơn thì lập tức không gian ấy sẽ không bị vắng vẻ, không tạo điều kiện cho những hành vi phá hoại”, ông Lân nói.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng góp ý muốn cải tạo công viên theo hướng mở thì phải chỉnh trang, nâng cấp để công viên đáp ứng được yêu cầu xanh - sạch - đẹp, bốn mùa cây trái xanh tươi, tạo nên một không gian an toàn cho người dân vui chơi, giải trí.

“Công viên phải trở thành không gian sáng tạo cho những người trẻ, phải tổ chức được các hội sách, biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian… tạo nên một không gian văn hoá mang bản sắc Việt. Điều này cũng là giúp cho công viên tham gia vào công cuộc phát triển công nghiệp văn hoá mà Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đã chỉ ra. Tất nhiên khi bỏ tường rào thì việc quản lý sẽ nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành”, ông Tùng chia sẻ.

https://vtc.vn/chuyen-gia-do-bo-hang-rao-cong-vien-lon-nhat-ha-noi-giong-nhu-dap-bo-tu-duy-cu-ar675625.html

ANH VĂN / VTC News