Chuyên gia: Cần lộ trình phù hợp và minh bạch khi tăng giá điện

Các chuyên gia, doanh nghiệp đồng tình với việc tăng giá điện của EVN nhưng cho rằng cần minh bạch và nên kéo dài lộ trình thay vì 3 tháng tăng một lần.

Không nhất thiết 3 tháng tăng một lần

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, việc tăng giá điện của EVN là theo quy định và tất yếu, phù hợp với xu hướng chung.

“Việc tăng giá điện sẽ tác động tới CPI 0,09% như tính toán của EVN là tương đối sát. Nhu cầu điện của chúng ta rất lớn và nguy cơ thiếu điện có thể vẫn diễn ra. Vì thế, việc tăng giá điện là cần thiết và gửi một tín hiệu để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành điện. Tuy nhiên, vẫn cần phải kéo dài lộ trình chứ không nhất thiết 3 tháng tăng một lần, TS Võ Trí Thành nói.

Giá điện tăng 4,8% từ hôm nay. (Ảnh: EVN).

Giá điện tăng 4,8% từ hôm nay. (Ảnh: EVN).

Trả lời phỏng vấn Báo Điện tử VTC News, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, việc điều chỉnh giá điện là cần thiết trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo, nguồn điện than nhập khẩu hay nguồn điện nhập có giá không rẻ.

“Tuy nhiên, việc điều chỉnh này phải có lộ trình hợp lý, tránh tạo thêm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, việc tăng giá điện phải minh bạch về thông tin, phải tính đúng, tính đủ. Phải công khai các khoản thu, chi, lỗ, lãi của Tập đoàn Điện lực. Không thể khi được phép tăng dưới 5% theo quy định thì tăng triệt để, mà khi được giao quyền tự chủ thì phải công khai hơn, có kế hoạch tăng giá hợp lý”, ông Phú nói.

Dẫn ví dụ về tăng giá điện ở một số nước, ông Phú cho biết: “Ở Ba Lan, Đức, họ có kế hoạch tăng giá điện trong 5 năm, năm nay tăng 0,1%, năm sau tăng 0,3%… Họ có kế hoạch tăng dài như vậy là để các doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, người dân hoạch định trước kế hoạch tiêu dùng… ”, ông Phú nói.

Còn ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty May 10 cho rằng, tăng giá điện là tất yếu và xã hội, doanh nghiệp cũng phải chia sẻ với ngành điện.

“Tuy nhiên, việc tăng giá điện cũng cần đảm bảo bắt kịp với xu thế chung của các ngành công nghiệp, nhất là những ngành chịu tác động bởi hàng loạt chính sách từ bên ngoài. Vì thế, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và EVN cần tính toán cho phù hợp và có thời gian tính toán dài ra.

Nếu cứ 3 tháng tăng giá một lần sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, vì họ sẽ không thể chủ động tính toán giá thành cho một sản phẩm để đưa vào chi phí. Khi tính toán, đàm phán giá với đối tác thì phải mang tính ổn định và chủ động. Nếu cứ tăng với thời gian quá ngắn như vậy sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Giang nói.

Theo ông Vũ Đức Giang, nếu tính cả lần tăng giá điện này, trong vòng ba năm trở lại đây, giá điện đã tăng tổng cộng 17%.

“Với ngành dệt, nhuộm, chi phí đầu vào của điện chiếm từ 9-12% giá thành sản phẩm. Còn với ngành may, điện chiếm hơn 1,8%. Vì thế, việc tăng giá điện sẽ góp phần tăng giá thành hàng hóa, trong khi hàng Việt Nam vốn đã yếu thế so với các nước khác về công nghệ và nguồn nhân lực”, ông Giang nói.

 

Để giảm khó khăn cho doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam kiến nghị Nhà nước giãn thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo ông, hệ thống tài chính ngân hàng có thể tiếp tục hạ lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp ít chịu áp lực về tài chính.

EVN công bố tăng giá điện.

EVN công bố tăng giá điện.

Còn ông Vũ Vinh Phú cho rằng, việc tăng giá điện sẽ tác động toàn diện đến đời sống, sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp, nhất là người nghèo.

Với người nghèo, mức tăng giá điện như hiện tại, mỗi tháng hóa đơn tiền điện của họ sẽ tăng khoảng vài chục nghìn đồng. Với doanh nghiệp, việc tăng giá điện sẽ nâng giá thành sản phẩm, từ đó giảm sự cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam cả trong nước và xuất khẩu.

“EVN nói giá điện tăng góp phần tăng giá 0,09% là không chính xác, bởi họ không tính được từ khâu đầu đến khâu cuối. Khi giá điện tăng thì 'trăm dâu đổ đầu tằm', từ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, rồi cạnh tranh giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến sức mua toàn xã hội”, ông Phú nói.

EVN nói gì về tăng giá điện?

Theo tính toán của EVN, mức giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,8% sẽ tác động tới CPI là 0,09%. Cụ thể, đối với các hộ sử dụng điện dưới 50kWh, tiền điện tăng khoảng 4.550 đồng/hộ/tháng. Với mức tiêu thụ từ 51 - 100kWh, tiền điện tăng 9.250 đồng/hộ/tháng. Từ 101 - 200kWh, họ phải trả thêm 20.150 đồng/hộ/tháng.

Các hộ sử dụng 201 - 300kWh điện phải chi trả thêm 33.950 đồng/tháng; nếu sử dụng điện từ 301 - 400kWh sẽ phải trả thêm 49.250 đồng/tháng. Tiêu thụ từ 400kWh trở lên, mức tăng tiền điện sẽ khoảng 65.050 đồng/tháng.

Các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội sẽ được hỗ trợ tiền điện hàng tháng tương đương với lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Đối với các hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện không quá 50kWh/tháng, mức hỗ trợ cũng tương đương với số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Mức hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách là 56.790 đồng/hộ/tháng.

Vì vậy, nếu áp dụng theo giá mới, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện khoảng 59.520 đồng/tháng (chưa tính thuế giá trị gia tăng). Chính sách này nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ các đối tượng khó khăn.

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng Giám đốc EVN cho biết, điện sản xuất và mua của EVN thực hiện trong năm 2024 và năm 2025 có mức tăng trưởng tương đương 33,6 tỉ kWh, chủ yếu được sản xuất từ các nhà máy điện có giá thành cao. Trong khi đó, tỷ trọng thủy điện liên tục giảm và đến mức giới hạn, năng lượng khí và nhiệt điện than, điện chạy dầu có giá thành cao hơn so với nguồn giá rẻ.

"Năm nay, biến động thời tiết làm suy giảm thủy điện gần 7 tỷ kWh so với 2024, nhiệt điện than tăng trưởng nhiều ở phân khúc dùng than nhập khẩu, giá thành than thế giới 2021 - 2023 tăng do biến động tăng địa chính trị. Bốn tháng đầu năm 2025 chi phí cho than nhập khẩu, khí và dầu tiếp tục tăng", ông Lâm nói.

EVN thường xuyên rà soát, tính toán và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh giá điện. Việc điều chỉnh cân nhắc kỹ chi phí đầu vào, chi phí biến động, khả năng chi trả của người dân và doanh nghiệp để tìm điểm trung hòa giữa các yêu cầu. Ông Lâm nói, với trách nhiệm đảm bảo cung ứng điện, EVN cũng phải có trách nhiệm đảm bảo nền kinh tế có sức cạnh tranh và an sinh xã hội, nên mức tăng 4,8% được đánh giá là "tương đối phù hợp".

https://vtcnews.vn/chuyen-gia-can-lo-trinh-phu-hop-va-minh-bach-khi-tang-gia-dien-ar942450.html

PHẠM DUY / VTC