Theo nhận định của chuyên gia, bão số 3 là cơn bão rất mạnh, sau khi vào Biển Đông có thể tăng 6 cấp, gây sóng cao 7-9m.
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, sáng 2/9, bão Yagi đi vào vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển đông và trở thành cơn bão số 3 trong năm 2024. Sau khi vào Biển Đông, bão số 3 dần đổi hướng sang hướng Tây, di chuyển chậm lại, cường độ bão cũng có dấu hiệu tăng dần.
Đến 4h hôm nay (4/9), bão số 3 mạnh cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 13 vùng gần tâm bão.
Bão số 3 có thể đi vào vịnh Bắc Bộ trong những ngày tới. (Nguồn: NCHMF)
Theo nhận định của ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, bão Yagi khi di chuyển sâu vào Biển Đông sẽ tiếp tục tăng cấp, khả năng cơn bão sẽ đạt đến cường đại là cấp 14, giật cấp 17 trên khu vực phía Bắc của Bắc Biển Đông.
"Cơn bão này có 3 đặc điểm, liên tục tăng cấp khi vào Biển Đông, tính từ thời điểm bão vào Biển Đông đến khi đạt cấp cực đại tăng 6 cấp. Phạm vi gió mạnh trong bão rộng, tăng theo mức độ tăng cấp của cơn bão, thể hiện rõ nhất ở vùng nguy hiểm do cơn bão gây ra, mở rộng theo hướng di chuyển của bão.
Ngoài ra, chúng ta cần lưu ý, các ổ mây dông mạnh khả năng xuất hiện trước ảnh hưởng của cơn bão, những ổ mây dông này có thể gây ra lốc xoáy và gió giật mạnh trên biển", ông Anh Tuấn thông tin.
Từ chiều 6/9, có hai kịch bản xảy ra đối với hướng đi của cơn bão số 3. Thứ nhất, bão khả năng di chuyển lên phía Bắc ở khu vực Bắc của đảo Hải Nam (Trung Quốc) và đi vào phía Bắc của vịnh Bắc Bộ vào khoảng đêm 6/9, ngày 7/9.
Kịch bản thứ 2 cũng có thể xảy ra, khoảng chiều 6/9, bão số 3 đổi hướng về phía Tây Nam và đi vòng về phía Nam của đảo Hải Nam, đi vào vùng biển phía Nam của vịnh Bắc Bộ. Như vậy, điểm đổ bộ của cơn bão sẽ khác đi.
Tuy nhiên, với hai kịch bản trên, bão số 3 đều có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.
"Đây là cơn bão rất mạnh, ngoài ảnh hưởng của gió mạnh trong bão, bão có thể gây sóng cao 7-9m, ảnh hưởng tới các tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm, thậm chí có thể đánh chìm các tàu tải trọng lớn. Khi bão vào ảnh hưởng trên đất liền, hoàn lưu của bão rộng nguy cơ gây gió mạnh trên một vùng rất rộng, dọc theo ven biển các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Theo 2 kịch bản xảy ra, nếu cơn bão đi vào phía Bắc sẽ gây ra đợt mưa lớn trên các tỉnh Bắc Bộ. Nếu cơn bão đổ bộ lệch về phía Nam, có thể vùng mưa lớn sẽ mở rộng ra cả Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế. Với khả năng như vậy, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, lũ, sạt lở đất, đặc biệt trên các vùng núi, ngập úng trên các khu đô thị", ông Anh Tuấn cảnh báo.