Chuyện gì sẽ xảy ra nếu đề xuất lấy bom hạt nhân chặn siêu bão thành hiện thực?

Các nhà nghiên cứu cho rằng đề xuất lấy bom hạt nhân cản siêu bão không thực tế vì không có bom đủ sức mạnh và nguy cơ hủy hoại môi trường.

Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là gợi ý thả bom hạt nhân vào các siêu bão để chặn chúng tấn công nước Mỹ, nhưng ông hoàn toàn phủ nhận thông tin này.

Ý tưởng đánh bom hạt nhân một cơn bão không phải là mới. Cuối những năm 1950, một nhà khoa học đã đưa ra ý tưởng dùng bom hạt nhân để “điều chỉnh đường đi và cường độ các cơn bão”.

Tuy nhiên, một bài báo từ các nhà nghiên cứu Cơ quan Hải dương và Khí quyển học quốc gia, Mỹ (NOAA) phủ nhận tính ứng dụng của ý tưởng này. Họ cho rằng không thể làm gián đoạn cơn bão với một quả bom hạt nhân vì không có bom đủ mạnh và chất nổ sẽ không thay đổi áp lực không khí xung quanh nhiều hơn một giây.

 Bão nhiệt đới Barry. (Ảnh: Business Insider)

Năm 1959, Jack Reed, một nhà khí tượng học tại Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia, đã nêu ra khả năng phá vỡ các điều kiện thời tiết hình thành bão bằng vũ khí hạt nhân.

Reed đưa ra giả thuyết rằng chất nổ hạt nhân có thể ngăn chặn cơn bão bằng cách đẩy không khí ấm lên và ra khỏi mắt bão, cho phép không khí lạnh hơn thay thế. Điều đó, theo ông, sẽ dẫn đến không khí áp suất thấp làm cho cơn bão tan đi và cuối cùng làm suy yếu cơn bão.

Reed đề xuất hai phương tiện đưa bom hạt nhân vào mắt bão, là thả từ trên không hoặc phóng từ tàu ngầm.

Theo NOAA, ý tưởng này tồn tại nhiều vấn đề.

Thứ nhất, các cơn siêu bão cực kỳ mạnh: Một cơn bão được phát triển đầy đủ sẽ giải phóng một lượng năng lượng tương đương với vụ nổ của bom hạt nhân 10 megaton 20 phút một lần. Năng lượng này lớn hơn 666 lần so với quả bom "Little Boy" mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản vào năm 1945.

Nên để có tác động đủ mạnh với sức mạnh các cơn siêu bão, sẽ cần gần 2.000 Little Boy thả xuống mỗi giờ chừng nào bão chưa suy yếu.

Hơn nữa, nếu đánh bom siêu bão bằng bom hạt nhân, phóng xạ sinh ra sẽ lan rộng xa hơn cả phạm vi cơn bão, gây ra các vấn đề môi trường và sức khỏe hiểm họa.

Đất bị ô nhiễm bởi bụi phóng xạ có thể trở thành không thể ở được. Sau khi nhà máy điện hạt nhân Chernobyl nổ tung vào năm 1986 và phát tán bức xạ độc hại vào không khí, người dân buộc phải từ bỏ một khu vực rộng 1.500 dặm vuông (3884 km vuông). Nếu Mỹ cố gắng phá vỡ một cơn siêu bão bằng bom hạt nhân, bụi phóng xạ có thể lan sang các quốc đảo ở vùng Caribbean hoặc các bang giáp với Vịnh Mexico.

"Tóm lại, đây không phải là một ý tưởng tốt," bài báo của NOAA kết luận.

Siêu bão Lekima đổ bộ Trung Quốc: Hơn 700.000 người phải sơ tán
Trung Quốc ban hành "báo động đỏ" trước siêu bão Lekima
Nhiều chuyến bay đến và đi Đài Bắc ngày 9/8 phải ngừng khai thác
/ vtc.vn