Đi làm ăn xa, mỗi năm về quê một lần trong háo hức, vui mừng, nhưng lần này là cuộc hồi hương hiểm nguy, gian khổ nhớ đời.
“Bão dịch” COVID-19 bất ngờ ập đến, dân miền Trung ở vùng đất phương Nam lâm cảnh thất nghiệp, trong cơn túng quẫn kèm nỗi lo dịch bệnh, họ chọn quê hương làm nẻo quay về
Sợ mắc bệnh nơi đất khách quê người
Anh Nguyễn Xuân Hứa (xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) không thể nào quên những tháng ngày Bình Dương “trở bệnh”. Hứa trải lòng, hai tháng qua, cả gia đình anh nếm trải không ít mối lo. Ngoài đi mua lương thực thì hầu như các thành viên trong gia đình không dám bước chân ra khỏi nhà.
“2 tháng qua tôi và gia đình sống trong nỗi lo sợ, ngoài việc đi mua lương thực thì hầu như không dám ra khỏi nhà. Vì bị phong tỏa nghiêm ngặt nên dù có tiền cũng không làm được gì, mỗi ngày chúng tôi chỉ trông chờ vào lương thực tiếp tế của bà con gửi vào”, anh Hứa nói.
Đợt dịch kéo dài ngày khiến cuộc sống đảo lộn, đặc biệt là những gia đình công nhân xa quê vào miền Nam lập nghiệp. Mất việc làm, các nơi đều phong toả giới nghiêm, khó khăn chồng chất.
Hành lý của những công dân chạy xe máy rời tâm dịch phía Nam để hồi hương. |
“Không chịu được cảnh sống trong nỗi lo sợ, gia đình 8 người chúng tôi quyết định về quê “chạy dịch”, anh Hứa bùi ngùi tâm sự.
Hơn 20 năm Nam tiến lập nghiệp, anh Hứa chỉ về quê vào dịp Tết, còn bây giờ là cuộc hồi hương đặc biệt. Anh không về thăm quê, mà là đi trốn dịch, anh sợ mắc bệnh rồi lại ở nơi đất khách quê người.
Người đàn ông thở dài qua điện thoại khi nói với chúng tôi về những trăn trở của mình. Cực chẳng đã cả gia đình anh mới phải về quê, chứ trong thâm tâm không ai muốn làm gánh nặng cho quê hương.
Hơn 20 năm Nam tiến lập nghiệp, anh Nguyễn Xuân Hứa chỉ về quê vào dịp Tết, còn bây giờ là cuộc hồi hương đặc biệt.
Những người như anh, xác định đi xa lập nghiệp là để “áo gấm về làng”, chứ không phải ra về với tâm thế thảm thương như thế này. “20 năm xa quê, 20 lần trở về đều trong tiếng cười vui, chỉ có lần thứ 21 này là nghẹn đắng”, anh Hứa buồn bã than.
Trên đường đi nhiều lúc anh không cầm được nước mắt khi đi qua các đoạn đèo, nhìn người dân hồi hương bằng xe máy, những em bé được mẹ bế vào lòng… anh khóc nức nở, nhưng đành bất lực.
“Gia đình tôi về tới Hà Tĩnh sau 24 giờ “chạy dịch”, sau đó được hướng dẫn cách ly tại trường mầm non Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh. Tôi đã có giấc ngủ ngon đầu tiên sau 2 tháng sống trong tâm dịch”, anh Hứa nhớ lại.
Di chuyển 40 tiếng, chỉ ngủ đúng 10-20 phút
Trải qua nhiều lần giãn cách xã hội, hàng nghìn lao động Hà Tĩnh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam không còn đủ sức gắng gượng.
Sau hành trình dài chạy xe về quê, anh Nguyễn Tuấn Vũ đang cách ly y tế theo quy định . |
Nguyễn Tuấn Vũ (24 tuổi, xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên) chia sẻ, cùng với hai người bạn, đầu tháng 4 vừa qua, anh khăn gói vào Bình Dương lập nghiệp với hy vọng đổi đời.
Nào ngờ, khi nơi ăn chốn ở còn chưa kịp ổn định, dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh khiến cuộc sống của chàng trai trẻ bị dồn vào tình thế khốn đốn.
Trong thời gian Bình Dương thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, chính quyền yêu cầu tất cả người dân hạn chế ra ngoài. Suốt mấy tuần liền, Vũ và bạn cùng phòng chỉ ăn mỳ gói, đồ cứu trợ của bà con miền Trung ủng hộ.
Gần hai tháng trời chịu cảnh thất nghiệp, không nhận được hỗ trợ từ công ty, chẳng còn cách nào khác, Vũ quyết định về quê. Rạng sáng 31/07, với hành trang vỏn vẹn là chiếc ba lô chứa vài bộ quần áo đeo trên vai, Vũ cưỡi chiếc xe máy quá đát, rời phòng trọ và bắt đầu chuyến hồi hương nhớ đời.
“Ban đầu, tôi cũng cố bám trụ chờ dịch bệnh lắng xuống để đi làm trở lại nhưng trớ trêu thay, dịch bệnh ngày càng phức tạp. Mặc dù xác định tự phát chạy xe về quê tiềm ẩn nhiều rủi ro như lây lan dịch bệnh nhưng vì cuộc sống quá bế tắc, tôi không còn chọn lựa nào khác”, anh Vũ ngậm ngùi nói.
Theo anh Vũ, trong quá trình di chuyển 40 tiếng, anh và những người bạn chỉ ngủ đúng 10-20 phút, 2-3 tiếng nghỉ ngơi tiếp nước còn lại là dành thời gian để chạy xe không kể ngày đêm. Rất may mắn chiếc xe máy của anh không gặp trục trặc trên đường về.
Người dân hồi hương dừng chân nghỉ ngơi tại xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. |
Anh Đỗ Mạnh Tài (25 tuổi, quê xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) quyết định vượt hơn 1.200km về quê.
"Trước khi dịch ập đến, tôi đang thử việc ở một công ty xây dựng. Nào ngờ, công ty phá sản do ảnh hưởng của dịch bệnh, tôi nghỉ việc khi chưa kịp nhận lương. Rời thành phố về quê khi trong túi chỉ còn đúng 300 ngàn. Trong hành trình trở về Quảng Bình lần này cũng may mắn vì bà con ở nhiều địa phương đã trực tiếp ra đường hỗ trợ cơm, nước uống và xăng nên chặng đường cũng bớt đôi chút khó khăn”, anh Tài chia sẻ.
Cùng cháu trai ròng rã vượt hàng trăm cây số từ TP.HCM về quê để tránh dịch COVID-19, bà Trần Thị Thu Thủy (52 tuổi, trú xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho biết, bà bán hàng rong ở TP.HCM nhưng 2 tháng nay thất nghiệp vì dịch.
Bán ngày nào lo cho ngày đó, chẳng tích góp được bao nhiêu nên dịch bùng phát, bà Thủy trắng tay. Ngày về quê, bà Thủy cùng người cháu không còn một xu dính túi.
Chưa dám nghĩ ngày trở lại
Trong vòng vài ngày cuối tháng 7, Quảng Ngãi đón gần 9 ngàn người dân sinh sống, làm ăn ở vùng dịch phía Nam ùn ùn chạy ô tô, xe máy về quê.
Phạm Ngọc Thuận và Võ Văn Công (cùng trú thôn 3, xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi) như trút hết mọi âu lo khi vừa đặt chân về đến lãnh địa quê nhà, ngay đúng thời khắc chính quyền địa phương thực lệnh lệnh “đóng cửa”, tạm dừng đón công dân tự phát hồi hương (từ 0h ngày 1/8).
Phạm Ngọc Thuận và Võ Văn Công tranh thủ nghỉ ngơi trong lúc chờ xe tới đón đi cách ly. |
Ngồi chờ tới lượt khai báo y tế tại chốt kiểm soát đèo Bình Đê (thị xã Đức Phổ) – cửa ngõ phía Nam tỉnh Quảng Ngãi, khu vực giáp ranh với Bình Định, Thuận và Công kể, 5 năm trước, cả hai khăn gói vào TP.HCM học nghề cơ khí rồi bám trụ lại thành phố kiếm kế sinh nhai tới tận bây giờ. Nhiều năm trời có công ăn việc làm ổn định, hai thanh niên này chưa từng nghĩ tới viễn cảnh quay về quê nhà vì dịch bệnh.
“Xưởng cơ khí đóng cửa ngay khi dịch bùng phát. Tụi tui cũng ráng bám trụ lại thành phố với hy vọng dịch sẽ qua nhanh. Nào ngờ dịch cứ kéo dài triền miên suốt 3 tháng qua khiến chúng tôi lâm cảnh kiệt quệ. Không còn cách nào khác, tôi và Công bàn bạc rồi quyết định về quê để tránh dịch”, Thuận buồn bã chia sẻ.
Giờ về quê chắc cũng thất nghiệp, nhưng ở gần anh em họ hàng cũng cầm cự được. Tôi và mọi người cũng nuôi ý định vào lại trong Nam nhưng chắc ngày đó còn xa.
Cũng lật đật khăn gói rời Bình Dương khi hay tin Quảng Ngãi “đóng cửa”, đại gia đình gồm 9 thành viên (4 trẻ nhỏ, 5 người lớn) của anh Nguyễn Thanh Hầu (thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng) chạy xe máy xuyên đêm mới kịp có mặt ở quê nhà.
Anh Hầu cho hay, gia đình anh dắt díu nhau vào Bình Dương bán hủ tiếu đến nay cũng tròn 6 năm. “Dịch bùng dữ quá nên không bán buôn gì được. Cả ngày không được ra ngoài, muốn đi chợ phải nhờ chủ trọ đưa cho cái thẻ mới được đi. Từ ngày dịch bùng phát, bao nhiều tiền bạc dành dụm từ đầu năm đến giờ cũng tiêu hết nên cả nhà phải chở nhau về quê tránh dịch. Với tình hình dịch như hiện nay, chúng tôi chưa dám nghĩ ngày trở lại miền Nam”, anh Hầu ngậm ngùi nói.
Mặc dù đã đặt chân đến quê hương nhưng chị Nguyễn Thị Thanh Vân (huyện Ba Tơ) vẫn canh cánh với vô vàn nỗi lo. Đó là bởi, nhà cửa, cơ sở kinh doanh ăn uống của gia đình đều ở Đồng Nai. “Con cái học hành cũng ở Đồng Nai. Nay phía Nam dịch bệnh tràn lan nên cả nhà muốn về quê một thời gian. Khi nào dịch bệnh qua đi thì vào lại”, chị Vân bộc bạch rồi buông tiếng thở dài vì chẳng biết bao giờ dịch bệnh mới thôi hoành hành.
Anh Nhận nuôi ý định vào lại trong miền Nam khi dịch bệnh qua đi. |
Anh Nguyễn Đức Nhận (31 tuổi, trú xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho biết, hành trình từ TP.HCM về quê đợt này, đoàn anh có 30 người trú cùng xã, đa số là làm nghề thợ hồ. Dịch bùng phát, tất cả thất nghiệp.
Ngày rời TP.HCM, anh Nhận xin chủ nhà khất tiền thuê trọ. “Giờ về quê chắc cũng thất nghiệp, nhưng ở gần anh em họ hàng cũng cầm cự được. Tôi và mọi người cũng nuôi ý định vào lại trong Nam nhưng chắc ngày đó còn xa lắm”, anh Nhận trải lòng.
NHÓM PV