Chiều 28.4.1975, phi đội Quyết thắng của không quân Việt Nam đã xuất kích, dội bom sân bay Tân Sơn Nhất, đóng góp vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Điều đặc biệt của trận đánh này ở chỗ, các phi công của ta đã sử dụng loại máy bay A-37 chiến lợi phẩm thu được của không quân Việt Nam Cộng hòa để đánh địch.
Vì sao lại dùng A-37?
Vì sao chúng ta sử dụng các máy bay thu được của địch để sử dụng cho trận không kích này, trong khi phi công của Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) đã sử dụng các loại máy bay MiG-21, MiG-19 và MiG-17, cùng nhiều loại máy bay ném bom như IL-28, hay AN-24 xuất kích nhiều lần, lập nhiều chiến công?
Theo lời kể của các lãnh đạo quân chủng Phòng không - Không quân, trước chiến dịch Hồ Chí Minh, không quân ta đã điều máy bay MiG-21, Mig-17 vào trực chiến ở các sân bay Vinh, Đồng Hới, sẵn sàng xuất kích. Tuy nhiên, các loại máy bay của chúng ta đang sử dụng khi đó như MiG-21, MiG-17 có tầm hoạt động ngắn, nên không thể xuất kích từ các sân bay căn cứ ở miền Bắc để vào miền Nam không kích rồi quay ra được.
Sau khi lần lượt giải phóng Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng rồi các tỉnh duyên hải miền Trung, quân ta làm chủ rất nhiều sân bay của địch. Nhưng có sân bay không có nghĩa có thể điều máy bay MiG-21 vào để tham chiến, vì đi cùng máy bay cần có một lực lượng hậu cần, hỗ trợ hùng hậu, từ xăng dầu, điện, khí, kỹ thuật, thông tin, vũ khí... Do đó, phương án sử dụng máy bay thu được của địch để đánh địch là hiệu quả và phù hợp nhất, đã được Bộ Tư lệnh Không quân xác định và gấp rút chuẩn bị.
Loại máy bay Mỹ thu được từ không quân Việt Nam Cộng hòa được lựa chọn để làm nhiệm vụ này là máy bay cường kích mặt trận A-37. Các phi công lái MiG17 là Từ Đễ, Nguyễn Văn Lục, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng, Trần Cao Thăng của Trung đoàn không quân 923 đã được lựa chọn cho nhiệm vụ này, và đã có mặt tại Đà Nẵng ngày 22.4.1975. Sau đó, phi đội được bổ sung phi công Nguyễn Thành Trung, người ngày 8.4.1975 đã lái máy bay F5-E của quân đội Sài Gòn dội bom Dinh Độc lập, sau đó nổ súng vào kho xăng Nhà Bè rồi bay ra vùng giải phóng, hạ cánh xuống sân bay Phước Long.
Trong cuốn sách “Không quân tiêm kích”, của đại tá phi công - Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân Lê Hải (NXB QĐND ra mắt năm 2004), tác giả, người phi công của Trung đoàn không quân 923 - giải thích: “Không quân ta quyết định dùng A-37 để thực hiện nhiệm vụ. Tại sao không dùng các loại máy bay khác, mà dùng A-37 vào trận này? A-37 là loại máy bay cường kích hạng nhẹ. Không quân Việt Nam Cộng hòa (VNCH) hay dùng để oanh tạc các mục tiêu, yểm trợ cho bộ binh. Loại này có nhiều ở các sân bay trong miền Nam, khi hoảng loạn bỏ chạy, địch để lại một số chiếc còn tốt”.
Phi công Lê Hải cho biết, máy bay A-37 có máy ngắm để ném bom bằng quang học, đơn giản nhưng khá chính xác. Tốc độ hạ cánh gần như MiG-17, buồng lái có điều hòa nhiệt độ rất mát, đối với phi công chiến đấu như vậy đã là khá sang trọng. Buồng lái A-37 nhô lên phía trước, góc quan sát mục tiêu rất thuận lợi.
“Anh em phi công đã lái MiG-17, khi chuyển loại bay A-37, chỉ cần bay kèm vài lần cho quen đặc tính điều khiển là có thể bay đơn” - đại tá Hải viết tiếp. “Việc sử dụng bom, đạn đối với phi công Trung đoàn 923 không có gì là lạ. Chính họ đã nhiều lần tập ném bom và đã trực tiếp đánh bom tàu khu trục Mỹ”.
Theo đại tá Lê Hải, trong phi đội ấy, hầu hết phi công đã tham không chiến với “giặc trời” Mỹ trên bầu trời miền Bắc. “Thượng úy Nguyễn Văn Lục - Phi đội trưởng - người đã bắn rơi 1 chiếc F-4 và 1 máy bay trinh sát của giặc Mỹ trong chiến tranh chống phá hoại. Thượng úy Trần Cao Thăng - Chính trị viên phi đội là một phi công điềm đạm, chắc chắn trong mọi việc. Thượng úy Từ Đễ - Phi đội phó, bay giỏi, đẹp trai, hay cười và khá thông minh. Anh hay được cử bay thử máy bay sau định kì và thử bắn tên lửa A-72 trên MiG-17”.
“Đồng chí Phạm Ngọc Lan - người biên đội trưởng đã mở mặt trận trên không năm nào, vào năm 1975, là chủ nhiệm dẫn đường Binh chủng Không quân. Anh Lan đã cùng phi công Trần Văn On - (phi công VNCH ra trình diện sau khi quân giải phóng tiếp quản sân bay Đà Nẵng) người Nam Bộ, kiểm tra kĩ thuật các máy bay A-37”.
Trận oanh kích hoàn hảo
Quá trình huấn luyện, chuyển loại sang máy bay A-37 tại sân bay Đà Nẵng lần lượt được tái hiện trong những trang sách của cựu phi công anh hùng Lê Hải. “Ngày 24.4.1975, lần đầu tiên, Từ Đễ bay cùng với Trần Ngọc Xanh, phi công cũ của quân đội VNCH, trên chiếc A-37. Thành công của chuyến bay có ý nghĩa rất lớn đối với việc hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của phi đội sau này. Quyết định của Bộ Tư lệnh Quân chủng, Bộ Tư lệnh Binh chủng Không quân có cơ sở để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ lịch sử chiến dịch Hồ Chí Minh được giao”.
Ngày 25 và 26.4, tiếp tục chuyển loại cho các phi công trong phi đội. Trong hai ngày huấn luyện, mỗi phi công bay được vài vòng. Họ chuẩn bị để chuyển trường đưa máy bay vào sân bay mới giải phóng, để gần mục tiêu chiến đấu. Cấp trên phê duyệt biên đội sử dụng 5 máy bay, gồm 6 phi công Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Nguyễn Thành Trung, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On (bay chung một máy bay). Máy bay A-37 là loại máy bay có hai phi công, nhưng trong điều kiện chuyển loại gấp rút, không quân ta chỉ dùng một phi công cho mỗi máy bay, chỉ máy bay của Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On mới đủ hai phi công.
Theo cuốn “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ hai phía” của Nguyễn Sỹ Hưng - Nguyễn Nam Liên và nhóm tác giả (NXB QĐND, 2013), vào 8h sáng ngày 26.4.1975, tại tổng hành dinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chính thức giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Quân chủng Phòng không - không quân Lê Văn Tri sử dụng máy bay thu được của địch để tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, với yêu cầu đánh đúng vào chiều 28.4.1975, và chỉ chiều ngày đó mà thôi.
Trưa 27.4, toàn bộ lực lượng được chuyển từ sân bay Đà Nẵng vào sân bay Phù Cát, Bình Định. Phi đội Quyết thắng được chính thức thành lập, trên cơ sở Phi đội 4 của Trung đoàn 923, do phi công Nguyễn Văn Lục làm Phi đội trưởng.
9h30 ngày 28.4, phi đội Quyết thắng xuất phát từ sân bay Phù Cát, 5 chiếc A-37 lần lượt hạ cánh an toàn xuống sân bay Thành Sơn (Phan Rang), cách Sài Gòn 400km về phía bắc. Mỗi máy bay mang 4 thùng dầu phụ, lượng dầu tối đa có thể nạp trên máy bay. Vũ khí mang mỗi chiếc 2 bom phá nặng 250 bảng Anh và 2 bom 150 bảng, cùng 2.000 viên đạn súng máy.
Và giờ phút mong chờ của toàn thể lực lượng không quân đã đến. Phi công Lê Hải mô tả chi tiết: “16h15, 2 phát pháo đỏ từ đài chỉ huy vút lên, 5 máy bay mở máy, lăn trên đường băng. Chiếc đầu tiên cất cánh, các chiếc khác tiếp theo cất cánh và tập hợp đội hình trên đường hành quân. Nguyễn Thành Trung dẫn đầu biên đội. Các máy bay lần lượt bổ nhào, cắt bom. Lửa khói trùm khắp khu đỗ máy bay”.
Đại tá phi công Từ Đễ kể lại, đường bay của phi đội sẽ bay dọc theo ven bờ biển từ Phan Rang vào Vũng Tàu, đến cửa sông Sài Gòn thì vòng phải bay lên Sài Gòn. Đây là đường bay thông dụng của không quân VNCH nên chúng cũng ít nghi ngờ. Khi bay, phi đội bay độ cao thấp và không sử dụng liên lạc vô tuyến để đảm bảo bí mật.
Sau khi kéo lên cao để xác định mục tiêu và bổ nhào ném bom, do số 1 Nguyễn Thành Trung ném bom không ra, phi công Từ Đễ đã trở thành người đầu tiên ném 4 quả bom từ đầu bãi đỗ máy bay địch đến giữa bãi đỗ để chỉ thị mục tiêu cho các đồng đội không kích.
Các máy bay trong biên đội, lần lượt vào công kích, cuốn “Phi công tiêm kích” mô tả: “Tiếng bom nổ, tiếng máy bay gầm rít, càng làm cho sân bay Tân Sơn Nhất và Sài Gòn náo loạn. Địch ở đài chỉ huy sân bay hốt hoảng hỏi: “Máy bay của không đoàn nào? Máy bay của phi đoàn nào?”. Trả lời bọn địch, Từ Đễ bổ nhào cắt liền 4 quả bom. Tiếp đó, Nguyễn Văn Lục, Hoàng Mai Vượng, Hán Văn Quảng liên tục công kích. Hàng chục máy bay đang đậu đổ đầy dầu, nổ tung, khỏi lửa mù trời sân bay Tân Sơn Nhất, che kín cả một góc trời Sài Gòn. Máy bay số 1 và số 3 thả chưa hết bom, vẫn vòng lại, bổ nhào ném bom lần thứ 2”.
Sau khi các máy bay đã thả hết bom, vòng trên cao yểm hộ và bổ nhào bắn đạn vào mục tiêu, phi đội trưởng Nguyễn Văn Lục hạ lệnh cho biên đội thoát li chiến đấu, bay về lần lượt hạ cánh ở sân bay Thành Sơn vào 18h15. Trên đường về, do dầu còn quá ít, phi công Từ Đễ đã phải tắt một động cơ và xin hạ cánh đầu tiên, sau khi tiếp đất, dầu chỉ còn 45 lít.
Theo kết quả ghi nhận được, trận không đối đất của phi đội Quyết thắng đạt kết quả cao, tổng cộng có 18 quả bom đã được ném trúng đích, phá hủy 24 chiếc máy máy chiến đấu của Không lực VNCH, gây thương vong trên 100 binh lính và sĩ quan quân đội Sài Gòn.
Trận đánh của không quân ta chiều 28.4 đã gây chấn động lớn Sài Gòn, góp phần làm cho chế độ Sài Gòn mau tan rã. Không quân và pháo binh đã phối hợp cắt đứt đường hàng không cuối cùng của địch tại Tân Sơn Nhất.
Ngày hôm sau (29.4), Mỹ buộc phải tổ chức di tản bằng trực thăng, mang tên chiến dịch “Người liều mạng”. Thời gian sụp đổ hoàn toàn của chính quyền VNCH chỉ còn tính bằng giờ.
Trưa 30.4, ta giải phóng Sài Gòn. Ngày 1.5.1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc tiến hành suốt 30 năm trời, đã hoàn toàn thắng lợi.
Tổng kết chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Quân chủng PKKQ nhận định: “Trận đánh của phi đội Quyết thắng ngày 28.4.1975 là sự phát triển mới về nghệ thuật sử dụng quân - binh chủng của quân đội ta. Trận đánh không những có ý nghĩa lớn về tiêu diệt địch mà còn có ý nghĩa lớn về chiến dịch, chiến lược”.
“Trận đánh của Phi đội Quyết thắng là một trận phối hợp tuyệt đẹp, một trận đánh phối hợp quân, binh chủng đầy đủ nhất từ trước tới nay của quân đội ta, vào thời điểm hết sức quan trọng, có tác động lớn đến diễn biến chiến dịch, đẩy địch đến nguy cơ hoảng loạn mới”.
Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Hà Nội yêu cầu không để ùn tắc trên 30 phút dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5
Hà Nội yêu cầu ngăn chặn tăng giá vé, giá cước vận tải trái phép dịp nghỉ lễ 30/4. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện ... |
Chuyện chưa kể về Chương trình phát thanh đặc biệt ngày 30/4/1975
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái trở thành một người dẫn chương trình bất đắc dĩ ngày 30/4/1975. |