Nhiếp ảnh gia Thái Phiên cho rằng, công chúng cần phân biệt ảnh nude (có yếu tố nghệ thuật) với ảnh khỏa thân nhan nhản trên mạng xã hội.
- Triển lãm “Hồn đá” lần này so với lần trước có tác phẩm nào mới?
Tôi chuẩn bị khoảng 30 tác phẩm lấy từ 3 cuốn sách ảnh nude: Xuân thì, Miền cổ tích và một phần chưa từng công bố. Chúng đang nằm trong kia, lần đầu công bố trong triển lãm “Hồn đá” này.
Mỗi bức ảnh là một câu chuyện. Tôi đã cân đối số tác phẩm phải có đủ góc cận cảnh, trung cảnh và toàn cảnh. Thậm chí với chụp ngoại cảnh, tôi phải cân đối bao nhiêu tấm chụp ở biển, bao nhiêu tấm chụp trên rừng, bên suối, đồi cát…
- Sau mấy tháng, không rõ ảnh nude của anh đã đến được phòng khách chưa?
Để biết thoát hay chưa, có lẽ tôi phải đến phòng tắm của từng nhà để kiểm tra! (cười) Họ mang những tác phẩm của tôi về nhà, như bạn, hãy tự hỏi mình trưng bày chúng ở đâu là xứng đáng nhất? Tôi tin chúng sẽ được trưng ở những nơi trang trọng nhất trong nhà, thay vì phòng tắm hay phòng ngủ như trước đây.
- 20 năm, ảnh khỏa thân nghệ thuật đã cởi mở hơn xưa nhiều. Anh xin triển lãm còn gặp khó khăn không?
Hồi xưa, tôi từng xin phép triển lãm ảnh nude và thất bại 3 lần. Sau đó, tôi tuyên bố không bao giờ xin phép triển lãm ảnh nude thêm lần nào nữa. May thay, tôi đã được Hội Nhiếp ảnh TP. HCM thay mình lo thủ tục, xin triển lãm “Miền cổ tích” lần trước và lần này (triển lãm “Hồn đá”) là Hội Mỹ thuật TP. HCM.
Theo tôi được biết, Sở VH-TT-DL TP. HCM đã rất cởi mở với các tác phẩm của tôi. Họ làm quy trình rất chặt chẽ và đúng hẹn. Có lẽ, họ biết ông Thái Phiên chụp ảnh đàng hoàng. Tôi cho rằng, với tư duy làm văn hóa như các nhà quản lý ở thành phố chúng ta hiện nay sẽ giúp cởi trói cho nghệ thuật, mang nghệ thuật đến gần với công chúng và những người nghệ sĩ chúng tôi cũng đỡ phần nào tủi hờn. Tôi hoan nghênh điều ấy vô cùng.
NAG Thái Phiên bên tác phẩm "Trái cấm". |
- Không nhiều nhiếp ảnh gia dám chụp nude, và trong số đó, càng không nhiều nhiếp ảnh gia chụp nude dám chụp phần nhạy cảm. Thái Phiên và “Hồn đá” lần này cũng vậy?
Dưới góc độ của nhà y khoa, bất cứ bộ phận nào trên cơ thể người đều chỉ là tế bào nên tôi không việc gì phải né tránh cả. Tuy nhiên, cách thể hiện sao để 50% các nhà quản lý ưng thuận, 50% công chúng có thể đón nhận, đó là quá trình dài mà chúng tôi phải làm từng bước thầm thì công chúng mới thẩm thấu được.
Nếu bây giờ tôi chụp bộ phận sinh dục của mẫu nữ và trưng chúng ra, tôi thấy đẹp nhưng chưa chắc bạn thấy đẹp thì sao? Sẽ là một cuộc tranh luận gay gắt. Vì vậy, tôi nghĩ trước mắt cần phải có thời gian. Nếu được, bạn hãy đến nhà tôi, tôi sẽ cho bạn xem những tác phẩm chụp bộ phận sinh dục đẹp tuyệt vời như những đóa hoa.
- NAG Phạm Hoài Nam từng nói tôi: “Cơ thể trần trụi của con người là tạo vật hoàn hảo của tự nhiên. Người già đẹp theo kiểu già, người mập đẹp theo kiểu mập…”. Anh sẽ thử thách mình với mẫu có ngoại hình đặc biệt ở bộ ảnh kế tiếp?
Cảm ơn bạn vì câu hỏi hay. Một bông hoa đang nụ, khi nở hay đã héo úa đều có vẻ đẹp của riêng nó. Chúng ta không nên hỏi vì sao tôi chỉ chụp hoa nụ mà không chụp hoa héo, hoa úa vì mỗi người cảm nhận vẻ đẹp của bông hoa theo cách khác nhau. Bạn thấy hoa héo, hoa úa đẹp thì cứ việc chụp đi, còn tôi chỉ thích chụp hoa nụ.
Có người còn hỏi tôi: Vì sao anh không chụp nude nam? Tôi kêu bạn ấy hãy tự đi mà chụp nude nam, mắc mớ gì phải bắt tôi chụp. Tôi chỉ làm chuyên một phần rất nhỏ trong biển mênh mông nghệ thuật ảnh khỏa thân.
Nét đẹp cơ thể phụ nữ như hòa vào hòn đá. |
- Những tác phẩm này định giá ra sao?
Rất khó để định giá cho từng tác phẩm vì nghệ thuật là vô giá. Từ “vô giá” hiểu theo nghĩa không đáng giá hay không thể định giá đều được cả. (cười) Vì vậy, chúng tôi đã cùng nhau trăn trở về tất cả chi phí để cho ra một tác phẩm như vậy, thậm chí gồm cả tiền thuê mặt bằng triển lãm… để cho ra một con số mang tính tượng trưng.
Bạn thử ra những chỗ bán ngoạn thạch, mỗi viên đá ở đó không in gì đã có giá gấp đôi một tác phẩm của tôi rồi. Vì vậy, tôi cố gắng quảng bá để đưa ảnh khỏa thân nghệ thuật đến gần công chúng chứ không đặt nặng chuyện kinh doanh, lời lỗ gì. Dĩ nhiên, tôi cũng cần một phần lợi nhuận để tiếp tục làm nghề.
Xin nói thêm, tôi là cử nhân quản trị kinh doanh nên không dại gì đầu tư vào nghệ thuật kiếm lời.
- Chúng ta nghe rất nhiều chuyện góc khuất nghề mẫu chụp nude. Nên chăng phải có luật tác nghiệp chụp nude vì đã đến lúc người chụp lẫn người mẫu đều cần được bảo vệ cụ thể?
Trước hết, vì sao lần này Hội Mỹ thuật thay tôi xin phép triển lãm chứ không phải Hội Nhiếp ảnh? Vì chúng tuy là ảnh khỏa thân nhưng được thể hiện trên chất liệu đá, lại là độc bản nên không thuộc nhiếp ảnh nữa rồi. Có thể gọi, những ảnh nude in đá của tôi là lai tạo giữa nhiếp ảnh và mỹ thuật.
Căn cứ Nghị định 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật, các ảnh in đá độc bản của tôi là loại hình đồ họa nên tôi mới xin Hội Mỹ thuật lo thủ tục pháp lý.
Trong ngành y có Lời thề Hippocrates về tâm, đức của người bác sĩ thì tự tôi cũng có lời thề tương tự như vậy khi làm việc với người mẫu nữ. Trong hát quan họ, các liền anh liền chị hát với nhau, luyến láy nhau, đánh mắt đưa tình như thế nhưng không lấy nhau. Đó là lệ chứ không phải luật và nhiếp ảnh chúng tôi cũng có lệ như vậy.
- Thời buổi này, anh mang thề thốt ra nói, liệu có mơ hồ?
Lời thề trung thực nhất nằm trong tim của mỗi người. Những người giơ tay thề thốt, trông thế thôi chứ đừng tin họ! Thay vào đó, hãy lắng nghe nhịp đập của con tim.
Tác phẩm "Sóng đỏ" và hình dáng tự nhiên của đá như dành cho nhau. |
- Chúng ta nói nhiều về chụp khỏa thân nghệ thuật, còn trào lưu chụp khỏa thân thì sao? Khi thời gian qua, có quá nhiều người rủ rê nhau chụp khỏa thân, từ Tuyệt Tình Cốc, phố cổ Hội An đến… đèo Mã Pí Lèng?
Tôi xin phép đính chính rằng chữ “nake” mới là cởi truồng, còn “nude” đã bao hàm yếu tố nghệ thuật trong đó. Thấy một thằng bé cởi truồng, chúng ta không thể nói nó đang nude được.
Vậy làm sao để phân biệt nghệ thuật và phi nghệ thuật? Với những người ngoại đạo, như công chúng, nếu đứng trước tác phẩm nào làm chân – thiện – mỹ trong bạn rung cảm, nâng tâm hồn của mình lên tầm cao hơn, thì đó là nghệ thuật.
Xã hội có rất nhiều tầng lớp. Người ít học thẩm thấu nghệ thuật kém hơn người có học; người ngoại đạo thẩm thấu lại kém hơn người học chuyên ngành nghệ thuật. Chẳng hạn, những bạn nào chuyên ngành nghệ thuật sẽ có thể hiểu được ông tác giả bộ “Hồn đá” này muốn truyền tải gì. Tương tự, nhạc giao hưởng không thuộc về đại chúng, chỉ những ai có hiểu biết về âm nhạc mới nghe được tiếng suối reo, chim hót trong bài giao hưởng.
Vì thế, chụp ảnh khỏa thân nghệ thuật không thể trở thành phong trào như nuôi cá, nuôi tôm được. Loại hình này cực kỳ kén chọn, từ người mẫu, người chụp đến đối tượng thụ hưởng (khán giả). Chúng ta có mở cửa cho ảnh khỏa thân nghệ thuật đi nữa thì cũng chỉ có số ít như chúng tôi dám dấn thân.
Trên mạng xã hội bây giờ có quá nhiều ảnh khỏa thân, phần lớn thuộc loại đưa máy lên bấm cái tách là ra ảnh. Thể loại đó, tôi gọi là ảnh cởi truồng, cần phân biệt với ảnh nude.
Nhân đây, tôi rất cảm ơn Bộ VH-TT-DL, thông qua Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh & Triển lãm đã mở ra cuộc triển lãm nude ở Hà Nội năm ngoái, giúp đưa nghệ thuật chân chính đối trọng lại với ảnh cởi truồng kia.
Tôi quan điểm cứ trồng nhiều hoa thì dần dần cỏ dại sẽ bị lấn át.