Chốt phiên giao dịch hôm qua (giờ Mỹ), cả chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều lập đỉnh mới, khép lại quý tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2023, nhờ kỳ vọng vào các thỏa thuận thương mại và khả năng cắt giảm lãi suất giúp giảm bớt sự bất định của thị trường.
![]() |
Chứng khoán Mỹ ghi nhận quý tăng mạnh nhất trong hai năm |
Trong quý II, S&P 500 tăng 10,57%, Nasdaq vọt 17,75%, còn Dow Jones tăng 4,98%. Chỉ số Russell 2000 đại diện cho nhóm vốn hóa nhỏ cũng tăng 8,28%.
Dù vậy, ba chỉ số chính vẫn ghi nhận mức tăng nửa đầu năm yếu nhất kể từ năm 2022, khi những bất ổn về chính sách thương mại khiến giới đầu tư thận trọng, đặc biệt sau khi Tổng thống Donald Trump công bố loạt thuế quan diện rộng hôm 2/4.
Tâm lý thị trường được cải thiện nhờ kỳ vọng các thỏa thuận của Mỹ với Trung Quốc và Anh sẽ giúp hạ nhiệt nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu, trong bối cảnh thời hạn chót ngày 9/7 do ông Trump đặt ra đang đến gần.
Cuối quý, hoạt động cơ cấu danh mục để “làm đẹp” báo cáo định kỳ cũng góp phần hỗ trợ thị trường.
“Tâm lý đầu cơ đã quay trở lại”, Roy Behren, đồng Chủ tịch quỹ Westchester Capital nhận định và thêm rằng: “Cũng không lạ khi vài ngày cuối quý thường ghi nhận diễn biến tích cực do hoạt động "làm đẹp" báo cáo”.
Hôm Chủ Nhật, Canada bất ngờ hủy bỏ thuế dịch vụ kỹ thuật số nhằm vào các hãng công nghệ Mỹ chỉ vài giờ trước khi luật có hiệu lực, nhằm tạo đột phá cho tiến trình đàm phán thương mại đang đình trệ với Washington.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cảnh báo hôm thứ Hai rằng các quốc gia vẫn có thể đối mặt với mức thuế cao hơn từ ngày 9/7, ngay cả khi đang đàm phán thiện chí. Việc gia hạn hay không sẽ do Tổng thống Trump quyết định.
Trong khi đó, phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đang tìm cách thông qua gói giảm thuế và chi tiêu quy mô lớn của ông Trump, bất chấp những chia rẽ nội bộ xoay quanh tác động làm tăng thâm hụt ngân sách thêm 3.300 tỷ USD, đẩy tổng nợ công Mỹ lên gần 36.200 tỷ USD.
Ông Trump muốn dự luật được thông qua trước ngày Quốc khánh 4/7.
Tuần này, thị trường sẽ đón loạt dữ liệu quan trọng như bảng lương phi nông nghiệp tháng 6 và khảo sát PMI của Viện Quản lý cung ứng (ISM) về lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
Nhiều quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bao gồm Chủ tịch Jerome Powell, cũng sẽ có bài phát biểu trong tuần. Dữ liệu kinh tế yếu và kỳ vọng ông Trump sẽ thay thế Chủ tịch Fed bằng một người ôn hòa hơn đang thúc đẩy dự báo cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Trong phiên thứ Hai, có 9 trong số 11 nhóm ngành của S&P 500 đóng cửa trong sắc xanh. Chỉ số Dow Jones tăng 275,50 điểm (+0,63%) lên 44.094,77 điểm; S&P 500 tăng 31,88 điểm (+0,52%) lên 6.204,95 điểm; còn Nasdaq Composite tăng 96,28 điểm (+0,48%) lên 20.369,73 điểm.
Cổ phiếu các ngân hàng lớn của Mỹ đồng loạt tăng sau khi phần lớn vượt qua bài kiểm tra “stress test” thường niên của Fed, mở đường cho hoạt động mua lại cổ phiếu và chi trả cổ tức hàng tỷ USD.
Dẫn đầu đà tăng của S&P 500 là Hewlett Packard Enterprise (+11,1%), First Solar (+8,8%) và Juniper Networks (+8,45%).
“Đà tăng hiện tại được dẫn dắt bởi một nhóm nhỏ cổ phiếu vốn hóa lớn, tạo cảm giác lạc quan cho thị trường dù các vấn đề chính sách và thâm hụt tài khóa vẫn chưa được giải quyết”, CEO kiêm Giám đốc danh mục tại Smead Capital Management, Cole Smead nhận định.
“Thị trường chứng khoán dường như chẳng quan tâm, mọi người nghĩ rằng bữa tiệc này sẽ kéo dài mãi. Nhưng tôi cho rằng cuộc chơi đã sắp kết thúc, vấn đề chỉ là khi nào và mức độ nghiêm trọng ra sao”, ông nói thêm.
Khối lượng giao dịch trên các sàn Mỹ đạt 17,12 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 18,23 tỷ cổ phiếu của 20 phiên gần nhất.
https://thoibaonganhang.vn/chung-khoan-my-ghi-nhan-quy-tang-manh-nhat-trong-hai-nam-166605.html