Chưa phát hiện thêm ca bạch hầu mới tại Bắc Giang và Nghệ An

Đến nay, sức khoẻ của hơn 130 người tiếp xúc với 2 ca mắc bạch hầu ở Bắc Giang và Nghệ An vẫn ổn định, chưa phát hiện ca nhiễm mới.

Theo thông tin từ Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An, sau khi xác định 119 người có tiếp xúc gần với nữ sinh tử vong vì bệnh bạch hầu, cơ quan chức năng đã tiến hành cách ly y tế tại nhà và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày để có biện pháp xử lý.

Hiện 119 người này sức khoẻ vẫn ổn định, chưa phát hiện ca bệnh mới.

Còn 15 người tiếp xúc gần với nữ sinh M.T.B (quê ở Nghệ An, tạm trú tại xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang) vẫn đang được theo dõi sức khoẻ, trong đó 8 người tiếp xúc gần với bệnh nhân đều có kết quả xét nghiệm âm tính với bạch hầu. Số người còn lại lấy mẫu xét nghiệm sau nên chưa có kết quả. 

Nữ sinh M.T.B sau khi được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sức khoẻ ổn định đã được chuyển về địa phương cách ly, theo dõi. 

Chưa phát hiện thêm ca bạch hầu mới tại Bắc Giang và Nghệ An -0
Bắt đầu tiêm vaccine bạch hầu cho trẻ từ 2-3 tháng tuổi.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, có nguy cơ lây lan nhanh thành dịch trong cộng đồng.

Tuy nhiên, dịch có nguy cơ lây lan ra cộng đồng là không lớn, các ca bệnh hiện nay phát hiện mang tính chẩt lẻ tẻ do hầu hết trẻ em đều đã được tiêm phòng vaccine khi còn nhỏ. Chỉ có những trẻ chưa được tiêm phòng vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ theo lịch tiêm chủng thì mới có khả năng mắc bệnh.

Bạch hầu có tỷ lệ tử vong cao do biến chứng nguy hiểm. Sau khi ủ bệnh từ 2-5 ngày, ngưởi bệnh thường có triệu chứng sốt nhẹ, đau họng, khó chịu, mệt mỏi, ăn kém, da xanh, chảy nước mũi, họng hơi đỏ. Đặc biệt khám họng thấy amidan có giả mạc trắng, lúc đầu nhỏ sau lan dần ra bao trùm họng và lưỡi gà, màu trắng, dai, bóc ra dễ chảy máu, hạch cổ sưng to làm cho cổ bạnh ra (bạch hầu họng).

Sau có thể dẫn đến các triệu chứng nặng như viêm cơ tim, viêm thanh quản (gây khàn tiếng, ho ông ổng, thở rít), suy hô hấp, ngạt thở, suy thận, tổn thương thần kinh. Nếu không được điều trị bằng thuốc đặc hiệu thì có thể dẫn tới tử vong.

"Chương trình tiêm chủng mở rộng đã đem lại nhiều hiệu quả để phòng các bệnh dịch thông thường. Ở những nơi vùng sâu, vùng xa, độ bao phủ tiêm chủng thấp sẽ dẫn tới lỗ hổng miễn dịch và do đó bệnh còn lưu hành và khó có thể dập tắt. Trẻ em cần phải tiêm đầy đủ, đúng lịch để có miễn dịch cộng đồng", PGS Cường khuyến cáo.

Chuyên gia cũng chỉ ra các biện pháp phòng bệnh bạch hầu cho người dân như: Rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, đồ chơi, quần áo của người bệnh phải tẩy uế và sát khuẩn.

Tiêm vaccine bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, dùng vaccine đa giá (bạch hầu - ho gà - uốn ván) cho trẻ. Bắt đầu tiêm từ 2-3 tháng tuổi, tiêm 2 lần, mỗi lần 1ml cách nhau 1 tháng. Một năm sau nhắc lại mỗi một năm 1 lần cho đến 5 tuổi.

Người lớn chưa được tiêm hoặc không có miễn dịch cần được tiêm nhắc lại 1 mũi.

Với người tiếp xúc ca bệnh cần xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày. Ngoài ra cần uống thuốc dự phòng bằng Erythromycin hoặc Azithromycin trong 7 ngày.

https://cand.com.vn/y-te/chua-phat-hien-them-ca-bach-hau-moi-tai-bac-giang-va-nghe-an-i736971/

Trần Hằng / CAND