Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, một số người tại Hội thánh Truyền giáo Phục hưng làm việc ở các khu công nghiệp nên nguy cơ dịch lan vào đây rất cao.
Nhận định này được ông Nguyễn Thành Phong nói tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ở đầu cầu Hà Nội, sáng 29/5.
Hiện, thành phố ghi nhận 2 ca bệnh làm việc trong hai khu công nghiệp lớn là Khu công nghiệp Tân Bình và Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. "Điều này cho thấy nguy cơ dịch lây từ cộng đồng dân cư vào khu công nghiệp hoặc ngược lại thông qua người lao động. Môi trường làm việc và sinh hoạt trong khu công nghiệp đông người là điều kiện cho dịch lan nhanh ra cộng đồng", ông Phong nói.
Công nhân Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Viet Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) ở lấy mẫu xét nghiệm để tầm soát, ngày 18/5. Ảnh: An Phương. |
TP HCM hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao, 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động với 280.000 công nhân, 3.000 chuyên gia nước ngoài. Các khu công nghiệp đông công nhân được xem là nơi nguy cơ lây nhiễm dịch cao nhất, chỉ sau bệnh viện. Các đợt dịch trong nước từ trước đến nay đều bùng phát mạnh khi xuất hiện ca nhiễm trong các nhà máy và phân xưởng.
Hôm 24/5, người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất (Hepza) phối hợp với chính quyền địa phương và cơ sở y tế nghiên cứu, điều chỉnh giờ làm việc của các doanh nghiệp theo hướng giãn cách các ca làm việc, giảm mật độ tụ tập đông người vào buổi sáng, giờ tan ca.
Chủ tịch UBND thành phố giao Hepza cùng các doanh nghiệp phải tổ chức diễn tập các tình huống và thực hiện các biện pháp sẵn sàng ứng phó dịch bệnh tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. "Đợt dịch này có hơn 66% số ca nhiễm là công nhân. Nếu dịch xuất hiện ở một doanh nghiệp có nhiều công nhân thì phải tạm ngừng hoạt động...", ông Phong nói.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng sáng nay, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết Covid-19 ở thành phố đang lưu hành cả 2 biến chủng siêu lây nhiễm trên thế giới là biến chủng Anh B.1.1.7 và Ấn Độ B.1.617.2. Đặc biệt, ổ dịch liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng do chủng Ấn Độ đã ghi nhận 64 ca, trong đó có 37 người trực tiếp sinh hoạt hội truyền giáo.
"Ca bệnh đã xuất hiện rải rác tại hơn 50% số quận huyện của thành phố, với đặc điểm chủng virus lây nhanh, mạnh nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan trong thành phố là rất cao, do mức độ người dân đi lại và giao lưu, tiếp xúc lao động, học tập, sinh hoạt", ông Phong nói và cho biết thậm chí dịch có thể lan đến các tỉnh, thành lân cận vì vừa qua đã có bệnh nhận ở Long An là nhân viên khách sạn Sheraton; một bệnh nhân khác sống ở Bình Dương nhưng lại bị lây ở nơi làm việc là Công ty Concentrix tại Công viên phần mềm Quang Trung.
Đánh giá về đặc điểm dịch bệnh tại TP HCM, ông Phong cho biết về nơi lây nhiễm 55% bệnh nhân lây nhiễm từ sinh hoạt tôn giáo; 25% lây nhiễm tại nơi làm việc; 15% lây nhiễm trong gia đình và 5% lây nhiễm trong quan hệ bạn bè.
"Như vậy, ngoài trừ sự lây nhiễm từ sinh hoạt đặc biệt của một tổ chức tôn giáo thì nguy cơ lây nhiễm tại nơi làm việc là khá cao. Đáng kể là sự lây nhiễm trong các toà nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy lạnh trung tâm. Đây là mối lo lớn cho trung tâm kinh tế, công nghệ như TP HCM", ông Phong nói.
Chủ tịch UBND thành phố dẫn chứng thực tế đã ghi nhận "bệnh nhân 6269" đã lây bệnh cho 3 người làm cùng công ty và một người làm khác công ty nhưng chung toà nhà số 30 Đặng Văn Ngữ. Hoặc "bệnh nhân 6291" lây cho 4 người khác làm tại công ty Concentrix tại Công viên phần mềm Quang Trung.
Về biểu hiện bệnh, cả 4 ổ dịch mới đây đều được phát hiện qua sàng lọc bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế; ngoài ra ổ dịch liên quan ca phát hiện tại bệnh viện Hoàn Mỹ không có yếu tố dịch tễ cho thấy có thể dịch đã lan truyền âm thầm trong thành phố mà không phát hiện được dù đã rất nỗ lực giám sát.
Đến sáng 29/5, trong đợt dịch thứ tư bùng phát từ ngày 27/4, TP HCM ghi nhận 5 chuỗi lây nhiễm với tổng cộng 76 ca nhiễm và nghi nhiễm (một ca bệnh ở Long An). Trong đó, chuỗi liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng ở Gò Vấp (64 ca), chuỗi liên quan quán ăn O Thanh, quận 3 (5 ca), chuỗi nữ nhân viên ngân hàng ở Tân Phú (5 ca); chuỗi trong công ty kiểm toán ở quận 3 (2 ca), và chuỗi từ "bệnh nhân 2910" lây ở Hà Nam.
Riêng ổ dịch lớn nhất tại Hội thánh truyền giáo Phục hưng, ngành y tế thành phố đã truy vết được tổng số 958 F1 (671 mẫu âm tính, 287 chờ kết quả); 37.921 ca F2 (11.483 mẫu âm tính; còn lại đang chờ kết quả). Chủng virus liên quan ổ dịch này là biến chủng từ Ấn Độ B.1.617.2. Biến chủng này được đánh giá khả năng, lây nhiễm nhanh hơn 1,7 lần so những chủng nCoV khác, có thể lây lan nhanh trong không khí ở môi trường kín.
Điều tra dịch tễ, bệnh nhân 6293 là vợ mục sư Hội truyền giáo Phục hưng đã ra Hà Nội từ ngày 23/4 đến ngày 29/4 về TP HCM và ngày 13/5 có triệu chứng. Quá trình điều tra dịch tễ của HCDC, trong lúc sinh hoạt, hội viên hội thánh ngồi trong phòng kín, chật hẹp, không đeo khẩu trang, chưa đảm bảo nguyên tắc phòng dịch. Những yếu tố trên tạo điều kiện virus lây lan nhanh, làm tăng số ca nhiễm. Đây được xem là ổ dịch lớn nhất tại TP HCM được ghi nhận qua các đợt dịch.
Trước diễn biến phức tạp, UBND TP HCM đã yêu cầu từ ngày 28/5 tất cả các cơ sơ sở ăn, uống trên địa bàn không được bán tại chỗ, chỉ được bán mang về. Tất cả nghi lễ tôn giáo; hoạt động tôn giáo tập trung từ 10 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự cũng phải tạm ngưng để phòng dịch lây lan...
Hiện 3.977 người đang cách ly tập trung, 2.608 trường hợp đang cách ly tại nhà và nơi lưu trú. TP HCM đã mở thêm khu cách ly tập trung tại khu huấn luyện an ninh quốc phòng tại TP Thủ Đức với khoảng 600 giường.
Hữu Công - Thư Anh
Năng lực cách ly, điều trị Covid-19 của TP HCM ra sao |
Hội truyền giáo ở TP.HCM hội họp phòng kín, không khẩu trang, nhiễm chủng Ấn Độ |