Viện kiểm sát đề nghị lại mức án theo hướng giảm nhẹ hơn cho nhiều bị cáo, trong đó, ba người được đề nghị án treo.
Chiều nay (22/3), sau khi tổng hợp quan điểm tranh luận của bị cáo Đỗ Anh Dũng (SN 1961, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và 14 đồng phạm cùng các luật sư bào chữa, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân TP Hà Nội đã nêu một số nội dung sửa đổi so với bản luận tội trước đó.
VKS đề nghị lại mức án theo hướng giảm nhẹ hình phạt đối với các bị cáo. Cụ thể, ông Đỗ Anh Dũng được giảm mức đề nghị án còn 8-9 năm tù (mức cũ 9-10 năm tù) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội này, Đỗ Hoàng Việt (con trai ông Dũng) được đề nghị còn 4-5 năm tù (mức cũ 5-6 năm tù).
Hai Phó giám đốc Trung tâm Tài chính kế toán Tân Hoàng Minh gồm Phùng Thế Tính và Hoàng Quyết Chiến cùng bị đề nghị 42-48 tháng tù (mức cũ là 4-5 năm tù).
Ông Đỗ Anh Dũng được đề nghị mức án thấp hơn trước đó.
11 bị cáo còn lại đều bị xác định là đồng phạm của ông Đỗ Anh Dũng. Họ bị đề nghị các mức án từ 20 tháng tù treo đến 30 tháng tù. Trong đó, các bị cáo Bùi Thị Ngọc Lân, Lê Văn Dò, Nguyễn Thị Hải được đề nghị cho hưởng án treo.
Cũng theo cơ quan công tố, đây là vụ án đầu tiên được xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ song có gian dối với giá trị phát hành đặc biệt lớn.
"Động cơ, mục đích xuất phát từ nhu cầu huy động vốn để trả nợ khi doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính sau ảnh hưởng của Covid-19", kiểm sát viên trình bày.
Trong vụ án này, hai bị cáo đầu vụ là Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt đã tích cực khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt, đảm bảo hoàn trả cho số lượng bị hại rất lớn.
"Việc khắc phục hậu quả ngay từ giai đoạn điều tra đã góp phần giải tỏa những bức xúc, lo lắng của bị hại và người dân mua trái phiếu, làm bớt đi tính nguy hiểm cho xã hội", đại diện VKS nhấn mạnh.
Cũng theo VKS, tại tòa các bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và nhận thức rõ hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Bên cạnh đó, rất nhiều bị hại có đơn đề nghị áp dụng chính sách khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Nhiều tình tiết giảm nhẹ mới cũng được cung cấp, trong đó có tình tiết Công ty Ngôi Sao Việt vừa nộp khắc phục hậu quả thêm 2 tỷ đồng. Đây là những căn cứ để VKS đề nghị lại các mức án nêu trên, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.
Nhiều bị hại đề nghị được trả thêm tiền lãi, song VKS cho rằng đây là giao dịch vô hiệu.
Về vấn đề dân sự, VKS giữ nguyên quan điểm và khẳng định lại, khoản tiền hơn 8.640 tỷ đồng đã được cơ quan tố tụng thu hồi cần được xử lý bồi thường cho các bị hại của vụ án.
Các bị hại của Tân Hoàng Minh yêu cầu được nhận lại số tiền gốc theo hợp đồng mua bán trái phiếu, đây là tiền mà các bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt nên có căn cứ chấp nhận.
Còn với yêu cầu trả thêm khoản tiền lãi, VKS thấy Tân Hoàng Minh phát hành 9 gói trái phiếu để bán ra cho nhà đầu tư là trái quy định. Do đó, hợp đồng mua bán trái phiếu của các bị hại đối với Tân Hoàng Minh là vô hiệu, cần giải quyết theo quy định của pháp luật đối với giao dịch vô hiệu.