Chủ tịch LĐLĐ TP HCM Trần Kim Yến phát biểu tại QH sáng 9-11 đã nhấn mạnh cần đánh giá kỹ hơn đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH giãn lộ trình tính lương hưu mới đến năm 2022
Thảo luận tại Quốc hội (QH) về thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, đại biểu (ĐB) Trần Kim Yến (Chủ tịch LĐLĐ TP HCM) cho rằng cần đánh giá kỹ hơn đề xuất của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) giãn lộ trình tính lương hưu mới đến năm 2022 bởi thời điểm này vẫn còn những bất bình đẳng giữa nam và nữ. Báo Người Lao Động ghi lại ý kiến của ĐBQH Trần Kim Yến:
"Tôi xin góp ý vào 2 vấn đề: 1 là sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; 2 là giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động và việc làm.
Không quan tâm nữ, sao có "quả chín"?
Chỉ tiêu nữ tham gia cấp ủy Đảng, ĐBQH và HĐND các cấp và lãnh đạo chủ chốt là nữ theo nhiệm kỳ 2016 - 2021 không đạt.
ĐBQH Trần Kim Yến lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề lương hưu cho LĐ nữ - Ảnh: quochoi.vn
Pháp luật đã quy định, các văn bản lãnh đạo của Đảng cũng nêu rất rõ về trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các cơ quan trong việc tỉ lệ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo; tỉ lệ nữ ứng cử viên trước khi bầu cử các chức danh theo quy định. Thế nhưng, có đến 23 địa phương chưa bố trí đủ số nữ ứng cử viên trong danh sách bầu cử theo quy định, dẫn đến tỉ lệ nữ trong các cơ quan dân cử, cơ quan khác tuy có tăng nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra. Nhiều địa phương trong nhiều nhiệm kỳ liên tiếp không có nữ ĐBQH, hoặc có tỉ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử rất thấp...
10 năm chúng ta thực hiện Luật Bình đẳng giới với sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, vị trí trong gia đình và ngoài xã hội của bản thân phụ nữ đã có nhiều tiến bộ. Vậy tại sao và cái gì đã cản trở việc thực hiện bình đẳng giới trong xã hội? Trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo như thế nào? Như vậy, thử hỏi làm sao mà tỉ lệ sinh trai, gái có chênh lệch cao như thế? Và tự hỏi, có khi có lãnh đạo cũng mong muốn sinh con trai hơn con gái? Nhận thức của cán bộ lãnh đạo như thế thì trách sao được tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" trong nhân dân.
Không hoặc chưa quan tâm quy hoạch, đào tạo, tạo điều kiện cho cán bộ nữ, thì đến khi đại hội, bầu cử, làm sao có đủ tỉ lệ nữ? Nhiều đơn vị, địa phương đến kỳ đại hội, bầu cử thì nói rằng địa phương, đơn vị không có nữ, nếu buộc phải có nữ thì là "ép chín non"? Không nuôi, không dưỡng thì làm sao có "quả chín" để thu hoạch, vậy "ép chín non" cũng là điều dễ hiểu.
Phải xem đây là một nội dung để đánh giá, kiểm điểm trách nhiệm của các địa phương, cơ quan đơn vị, cá nhân người đứng đầu.
Giảm lương hưu nữ: Sao lại cho là giải pháp bình đẳng?
Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Các vấn đề xã hội của QH nêu rất rõ tỉ lệ tham gia lao động (LĐ) chênh lệch đáng kể giữa nam (82,4%) và nữ (72,5%); tỉ lệ thất nghiệp, tỉ lệ người thiếu việc làm nữ cao hơn nam; bình quân thu nhập của LĐ nam cao hơn nữ…
Vậy chúng ta làm gì để tạo điều kiện cho LĐ nữ vươn lên bình đẳng với nam giới, khi mà có hiện tượng: doanh nghiệp (DN) cơ cấu lại thì đối tượng tinh giản thường là nữ, một số DN không muốn nhận LĐ nữ vì ngại thực hiện chế độ thai sản và các chính sách dành riêng cho LĐ nữ, tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động sau tuổi 35…?
Khi thực hiện Luật Bình đẳng giới, chúng ta đã tuýt còi nhiều DN khi đưa ra các quy định phân biệt khi tuyển dụng LĐ nữ. Vậy mà, chính sách bảo BHXH lại muốn công bằng giữa nam và nữ trong hưởng lương hưu (như những ngày gần đây báo chí đề cập rất nhiều về lương hưu cho LĐ nữ vào thời điểm ngày 1-1-2018).
Cách đây mấy ngày, tại buổi thảo luận trên hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, có đại biểu còn nói rằng, đó là giải pháp để bình đẳng giữa nam và nữ trong hưởng lương hưu! Thử hỏi đến bao giờ mới có được bình đẳng giới khi tư tưởng, nhận thức như thế?
Trong khi, tại khoản 6, Điều 5, Luật Bình Đẳng giới có giải thích: Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thực hiện trong một thời gian nhất định và chấm dứt khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được.
Như vậy, mục đích bình đẳng giới đã đạt được chưa mà lại muốn xóa đi các biện pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới?
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, phụ nữ và trẻ em gái về cơ bản vẫn thiệt thòi và yếu thế hơn so với nam giới nhưng việc quan tâm, tạo điều kiện để phụ nữ vươn lên, nỗ lực vượt qua chính mình chưa được đầy đủ. Vậy mà còn cho rằng giảm lương hưu LĐ nữ để bình đẳng với nam trong hưởng lương hưu? Điều chỉnh việc đóng - hưởng BHXH thì nam có lộ trình, phụ nữ thì thực hiện ngay ngày 1-1-2018? Liệu có ổn không?
Đề nghị QH bổ sung nội dung bình đẳng giới vào nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018. Trước hết là điều chỉnh việc thực hiện khoản 2 điều 56 và khoản 2 điều 74, của Luật BHXH năm 2014 về lương hưu đối với LĐ nữ từ 1-1-2018. Ít nhất là có lộ trình như đối với LĐ nam, cho đến khi sửa Bộ luật Lao động như đề xuất của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH. Ngoài ra, tôi cũng đề xuất nghiên cứu điều chỉnh Luật BHXH năm 2014 về mức hưởng lương hưu cho LĐ nữ theo hướng sẽ bằng với LĐ nam khi sự bất bình đẳng giữa nam và nữ đã được xoá bỏ, hoặc kéo giảm.
Về lâu dài, cần đánh giá kỹ hơn đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH là thực hiện có lộ trình đến năm 2022. Đến năm 2022, những bất bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm như thế nào? Đã được xoá chưa? Trong khi tuổi LĐ của LĐ nữ chưa được tăng lên mà kéo dài thời gian đóng BHXH thì có hợp lý? Do vậy cân nhắc cho kỹ".
Thảo luận tại hội trường sáng ngày 9-11, ĐB Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) cho rằng quy định công thức tính lương hưu của nữ không có lộ trình thay dần 5 năm như của nam giới là chưa bình đẳng trong tổng thể nguyên tắc chung về thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. ĐB Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho rằng quy định tính lương hưu của lao động nữ từ ngày 1-1-2018 thực sự gây thiệt thòi cho lao động nữ. Bà đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét quyết định thời điểm có hiệu lực về quyết định này nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho phụ nữ, không tạo ra bức xúc trong xã hội. Phát biểu tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho hay về vấn đề chênh lệch lương hưu từ ngày 1-1-2018, Chính phủ đã sớm phát hiện và báo cáo Ủy ban Thường vụ QH. Chính phủ cũng đã xem xét tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2017, đề xuất theo hướng vừa đảm bảo thực thi phát luật, vừa đảm bảo bình đẳng giới, thực hiện theo lộ trình, không gây bức xúc dư luận xã hội. "Thẩm quyền này do QH xem xét" – ông Dung nhấn mạnh. |
Trả lương bằng… khoai, sắn
Mất gần 10 năm làm việc trước khi có chính sách BHXH với tiền lương rất thấp, quy đổi bằng thóc, khoai, sắn nên đội ... |
Có thể điều chỉnh lương hưu của nữ theo lộ trình
Ngày 6-11, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, đã trả lời báo chí về một số nội dung liên quan ... |
http://nld.com.vn/cong-doan/chu-tich-ldld-tp-hcm-de-xuat-sua-luat-de-binh-dang-lwong-luong-huu-nu-va-nam-20171109124451198.htm