Nhiều hộ dân ở Hà Tĩnh dựng rạp trước cổng nhà máy rác vì ô nhiễm và "ruồi muỗi bay đầy nhà trong mấy ngày Tết".
Sáng 12/2, lãnh đạo huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có mặt tại cổng nhà máy xử lý rác thải Phú Hà (đóng ở thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân) để đối thoại với những người dân dựng rạp chặn lối ra vào của nhà máy này.
Sự việc bắt đầu từ ngày 7/2 (mùng 3 Tết) khi hơn 50 hộ dân ở thôn Nam Xuân Sơn cho rằng nhà máy gây ô nhiễm, họ đến dựng rạp trước cổng nhà máy và bám trụ đến hôm nay.
Để phục vụ cuộc đối thoại, chính quyền địa phương bố trí bàn, ghế nhựa cạnh cổng nhà máy song có rất ít người tham gia, chỉ hơn chục người dân đến đặt câu hỏi rồi đi về, còn đa số vẫn ngồi trong rạp.
Ông Nguyễn Văn Sự (trú thôn Nam Xuân Sơn) nói, "việc dựng rạp chặn cổng nhà máy rác là hình ảnh không đẹp, dù biết sai nhưng chúng tôi không còn cách nào khác vì mùi hôi thối và ruồi muỗi liên tục tấn công khu dân cư".
Cuộc đối thoại diễn ra gần khu vực rạp do người dân tự dựng trước cổng nhà máy rác. Ảnh: Đức Hùng
Ông Sự thay mặt người dân trong thôn đề nghị chính quyền di dời 53 hộ dân đến nơi ở mới vì họ không thể chịu đựng thêm. "Cần xác định nhà máy đóng cửa hay người dân đóng cửa. Nếu nhà máy đóng cửa thì chúng tôi ở lại, còn tiếp tục hoạt động thì phải cho dân đến nơi ở mới", ông Sự nói.
Vẻ mặt khắc khổ, bà Lê Thị Thiết trình bày, bốn năm qua người dân đã làm đơn gửi nhiều cấp, nhưng đều không rõ "mình được đi hay ở lại, ai cũng thấp thỏm nên không thể ổn định cuộc sống để lao động sản xuất".
"Tết vừa rồi, ruồi muỗi bu kín nhà. Tôi làm mâm cỗ để cúng tổ tiên, nhưng khi tàn hương thì ruồi đã đậu đầy mâm, không ai dám ăn nên đành bỏ đi. Buổi đêm, khi mắc màn đi ngủ cũng phải mất vài phút để đuổi ruồi từ trong màn ra", bà Thiết cho hay.
Bà Lê Thị Thiết trình bày nỗi khổ của dân do ảnh hưởng của nhà máy rác. Ảnh: Đức Hùng
Ông Bùi Quang Hoàn - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh giải thích địa phương đã lường trước tình trạng ô nhiễm nên tổ chức phun tiêu độc khử trùng thường xuyên. Song trong mấy ngày Tết, một số đơn vị liên quan lơ là công việc, phun thuốc không đều dẫn tới phát sinh ruồi muỗi bay vào nhà dân. "Tôi xin lỗi về việc này, mong bà con thông cảm", ông nói.
Về lộ trình xây khu tái định cư cho người dân trong vùng ảnh hưởng của nhà máy xử lý rác, ông Hoàn thông tin huyện đã phê duyệt dự án với tổng mức 17 tỷ đồng và đang giải phóng mặt bằng; dự kiến tháng 3 sẽ bàn giao khu đất cho Công ty Phú Hà xây dựng, đến tháng 8 người dân sẽ có nơi ở mới. "Việc này bị chậm trễ vì liên quan đến công tác quy hoạch", ông Hoàn nói.
Ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh phát biểu trong cuộc đối thoại với người dân. Ảnh: Đức Hùng
Tham gia đối thoại, ông Trần Đình Gia - Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh cam kết "sẽ có trách nhiệm với 53 hộ dân thôn Nam Xuân Sơn bị ảnh hưởng bởi nhà máy rác Phú Hà".
Ông Gia khuyên người dân dỡ rạp đi về nhà và chiều nay (12/2) Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh sẽ xuống làm việc để giải quyết các vấn đề liên quan.
Ông Hoàng Chí Thức, Giám đốc nhà máy rác Phú Hà thông tin thêm, trước đây khi doanh nghiệp làm nhà máy xử lý rác thì Bộ Xây dựng chưa quy định khoảng cách an toàn với khu dân cư; sau này có quy định mới thì công trình đã xây xong. "Chúng tôi ủng hộ chính sách di dời các hộ dân bị ảnh hưởng và đã cho 14 tỷ đến16 tỷ đồng hỗ trợ. Triển khai dự án không thể một sớm một chiều là xong, phải có chủ trương rồi tìm tòi vị trí đưa bà con đến nơi ở mới tốt hơn", ông Thức bày tỏ.
Sau cuộc đối thoại, đến 14h chiều nay người dân đã dỡ rạp trước cổng nhà máy. "Chúng tôi dỡ rạp để chờ kết quả cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh", một người dân nói.
Trước đó trong tháng 2 và tháng 8/2018, hơn 50 hộ dân ở thôn Nam Xuân Sơn đã nhiều lần dựng rạp chặn cổng nhà máy xử lý rác thải Phú Hà để phản đối việc nhà máy gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền địa phương nhiều lần tổ chức đối thoại, cam kết giải quyết ô nhiễm môi trường và di dời các hộ dân bị ảnh hưởng đến khu tái định cư.
Nhà máy xử lý rác Phú Hà thu gom rác cho toàn tỉnh Hà Tĩnh và Công ty Formosa. Việc người dân dựng rạp, không cho ôtô chở rác vào nhà máy khiến nhiều huyện, thị bị ảnh hưởng, ứ đọng rác trên địa bàn.
Những người dân 20 năm sống chung với bãi rác lớn nhất Hà Nội
Sau hai mươi năm, triền đồi xanh mướt ở huyện Sóc Sơn đã trở thành khu chứa rác rộng hơn 100ha. |
Di dời các hộ dân gần bãi rác Nam Sơn, Hà Nội dự kiến chi 3.400 tỷ đồng
Khoảng 1.100 hộ dân thuộc 3 xã của huyện Sóc Sơn sẽ di dời khỏi bán kính 500 m của bãi rác trên địa bàn. |