Công ty Cổ phần PVI hiện đang là nhà bảo hiểm số 1 Việt Nam trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Điều đáng nói là công ty ra đời trong bối cảnh hoàn toàn không thuận lợi và với một tiềm lực tài chính hạn chế. Nhưng bây giờ PVI đã trở thành một “đế chế” trong lĩnh vực bảo hiểm và đầu tư tài chính. Chưa có một “phi vụ” đầu tư tài chính nào mà Tập đoàn Dầu khí lại lãi lớn như trong việc đầu tư cho PVI: Vốn bỏ ra ban đầu 300 tỉ đồng, nhưng Tập đoàn đã thu về 2.200 tỉ đồng và nếu tới đây Tập đoàn thoái hết vốn sẽ thu về thêm khoảng 2.400 tỉ đồng. Buôn gì, bán gì cho lại! Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có một cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần PVI.
PV: Thưa ông, đã có nhiều bài báo nói về những nguyên nhân, thành công của PVI, nhưng bây giờ nói một cách ngắn gọn đúng một từ thì theo ông đó là gì?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Đoàn kết! Để có thành công của PVI ngày hôm nay ắt phải có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là đoàn kết thôi. Trước hết là sự đoàn kết của hai người lãnh đạo cao nhất của công ty: Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc. Theo tôi, không đâu kinh doanh khó như ở Việt Nam. Doanh nghiệp là thấp cổ bé họng nhất, ai cũng có thể bắt nạt. Vì vậy, muốn doanh nghiệp tồn tại và phát triển thì hai người đứng đầu phải biết đoàn kết.
Nói vui vậy thôi, giữa tôi và Tổng giám đốc không phải lúc nào cũng nhất trí trong mọi vấn đề đâu, cũng có việc phải tranh luận nảy lửa đấy, song cuối cùng cũng đi đến thống nhất, mà cái chính là cả hai tôn trọng nguyên tắc và tôn trọng mục đích. Chúng tôi không bàn luận nhiều về cái đúng, cái sai, mà hay tranh luận về chuyện lớn chuyện nhỏ, những vấn đề thuộc về nguyên tắc và mục đích luôn là những vấn đề lớn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn trên cột mốc số 0 (ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào) trong chuyến đi từ thiện tại xã Xín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên |
PV: Nghe nói, sắp tới PVI đề nghị Tập đoàn rút hết vốn và sẽ bán cổ phần cho cán bộ, công nhân viên và nước ngoài. Việc này là như thế nào, ông có thể tiết lộ được không?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Điều này cũng có gì là bí mật đâu! Tôi đã báo cáo phương án Tập đoàn tiếp tục thoái vốn khỏi PVI.
Nếu thực hiện thành công đề án này thì Tập đoàn sẽ thu về một khoản tiền khá lớn đấy. Còn nếu nói về hiệu quả thì Tập đoàn thắng lớn, đầu tư cho PVI vỏn vẻn chỉ có 300 tỉ đồng, khi thực hiện cổ phần hóa, PVI đã trả về cho Tập đoàn 2.200 tỉ đồng rồi. Như vậy, Tập đoàn đã thu về hết cả vốn lẫn lãi. Nếu như bây giờ Tập đoàn chấp thuận thoái hết vốn thì khả năng thu về 2.400 tỉ đồng nữa, như vậy tổng cộng là 4.600 tỉ đồng. Đầu tư 300 tỉ đồng thu về được 4.600 tỉ đồng, chưa kể đến các khoản thu ngân sách trong 20 năm cũng trên chục nghìn tỉ đồng nữa, liệu có vụ kinh doanh nào lãi như vậy không.
PV: Tôi xin phép được mạo muội hỏi điều này, hiện nay các ông đang làm chủ PVI, nhưng nếu Tập đoàn rút hết vốn và các ông bán cổ phần cho người lao động và cho các nhà đầu tư lớn thì có khi ông lại trở thành người làm thuê cho họ. Vậy điều này có nên hay không?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: (Cười) Tôi cũng đang làm thuê đấy chứ, đang làm thuê cho Nhà nước mà. Làm thuê cho Nhà nước cũng có phần hãnh diện, được làm người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại công ty, nhưng chuyện buồn thì cũng không ít, mà cái buồn lớn nhất là không được đối xử công bằng. Làm ra nhiều lợi nhuận, công ty phát triển nhưng phần thưởng nhiều lắm cũng chỉ là tấm bằng khen, nhưng chẳng may có sơ sẩy gì thì mang ra suy xét đủ điều. Mà anh biết rồi, làm ăn thì cũng có lúc thắng, lúc thua, làm sao mà thắng suốt. Thị trường mà!
Tôi rất thích cách quản trị của nước ngoài: Rất minh bạch. Mình làm tốt, họ thưởng, làm kém thì họ phạt hoặc sa thải, vậy thôi. Rất là sòng phẳng và rõ ràng. Một ví dụ đơn giản thế này, năm nay công ty lại đạt lợi nhuận vượt kế hoạch. Tập đoàn HDI là nhà đầu tư chiến lược của PVI đã trích tiền từ lợi nhuận của họ mua tặng Chủ tịch và Tổng giám đốc mỗi người một chiếc xe Mercedes trị giá hàng tỉ đồng. Nhưng tôi và Tổng giám đốc cũng không nhận cho cá nhân mà đề nghị họ đưa vào tài sản công ty.
PV: Ông nghĩ thế nào về tình hình kinh tế nước ta hiện nay và đặc biệt là sự phát triển trong những năm tới?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tôi nghĩ người dân không quan tâm nhiều đến sự tăng trưởng GDP đâu, xây một cái cầu hay phá đi một cây cầu cũng được tính vào GDP mà. Người dân chỉ quan tâm đến cái rất cụ thể hằng ngày là công ăn việc làm, cơm áo gạo tiền thôi. Việc làm nhiều, thực phẩm sạch, rẻ là họ cảm thấy hạnh phúc. Chúng tôi kinh doanh cũng chỉ quan tâm đến môi trường minh bạch, sử dụng dịch vụ giá rẻ; Còn doanh nghiệp đã ra thương trường là phải chấp nhận cạnh tranh, thương trường là chiến trường mà.
Nhưng điều tôi trăn trở nhất hiện nay là thị trường Việt Nam tới đây sẽ không còn là của người Việt Nam.
Chủ trương thoái vốn Nhà nước của Chính phủ là một chủ trương đúng, nhưng phần lớn các nhà tư bản Việt hiện nay còn quá trẻ, trình độ quản trị còn hạn chế, chưa tích tụ đủ tư bản để đón nhận được dòng vốn Nhà nước từ cổ phần hóa.
Trong 30 năm đổi mới chúng ta chưa có được một đội ngũ các nhà tư bản tư nhân thực sự lớn mạnh về vốn, có thương hiệu Việt Nam đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, Mitsubishi... Như anh thấy đấy, đến bây giờ Việt Nam mới xuất hiện một số nhà tư bản, song vì nhiều lý do họ chưa thành những nhà tư bản lớn, tạo nên những tập đoàn kinh tế lớn cho Việt Nam và có thương hiệu mạnh. Và tôi lo sợ rằng, nếu cứ thế này, sẽ đến lúc các tập đoàn nước ngoài sẽ thâu tóm hết doanh nghiệp trong nước và chúng ta thành người làm thuê cho họ. Vậy là ta phải chịu sự đô hộ về kinh tế.
Thực sự đáng buồn là một nền kinh tế có xấp xỉ 100 triệu dân mà chỉ có một tỉ phú trong danh sách của Forbes là quá ít, chưa đủ tạo nên động lực và sức mạnh cho nền kinh tế. Chúng ta đã nhìn thấy trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, 4/5 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường là các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài như Prudential, Manulife, AIA… Trên sân chơi bán lẻ các tập đoàn Thái Lan như Central Group, Berli Jucker (BJC)… đã giành vị trí áp đảo các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam; Phần lớn sân chơi kinh doanh các rạp chiếu phim đã rơi vào tay các tập đoàn Hàn Quốc như: CJ Group, Lotte. Tất nhiên, khi mở cửa hội nhập, chúng ta rất cần vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản trị từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đầu tư với mục đích thu lợi nhuận chuyển về nước.
Trong khi đó, các nhà tư bản Việt Nam họ làm vì họ và cũng vì lợi ích, màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta rất cần những tập đoàn tư bản tư nhân của Việt Nam, sản xuất ra các thương hiệu Việt có đủ năng lực cạnh tranh quốc tế.
Tôi tin rằng, chỉ khi Việt Nam có thêm nhiều tỉ phú, có thêm nhiều tập đoàn kinh tế tư bản Việt Nam hùng mạnh thì nền kinh tế Việt Nam mới cất cánh.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này và chúc ông có một năm mới thành công!