Thời gian qua, những vụ việc đáng tiếc xảy ra tại một số trạm thu phí BOT giao thông đã tạo ra sự quan ngại trong dư luận xã hội. Rồi đây, nguyên nhân từ đâu nên nỗi, giải pháp nào cho các BOT giao thông sẽ được đưa ra. Nhưng, muốn sự việc không lặp lại thì trước tiên cần có sự chủ động vào cuộc của cơ quan quản lý trước khi mâu thuẫn xảy ra.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang). |
Tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cùng các bộ, địa phương liên quan, tối ngày 4/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo không thu phí tại trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) 1 tháng để các bên xem xét, kiến nghị giải pháp giải quyết.
Mới đưa vào sử dụng từ đầu tháng 8/2017, tính đến nay chỉ khoảng 4 tháng, nhưng trạm thu phí BOT Cai Lậy nhiều lần bị tê liệt với khoảng 24 lần phải xả trạm không thu phí đã làm nóng dư luận xã hội. Còn nhớ, ngày 15/8, sau nửa tháng đi vào hoạt động, trạm thu phí này đã phải ngừng hoạt động dưới sức ép của nhiều lái xe và người dân trong khu vực. Do quá bức xúc vì bị thu phí quá cao, các tài xế khi đi qua trạm đã đồng loạt trả tiền lẻ gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Những tưởng, sự vào cuộc của Bộ Giao thông vận tải lúc đó đã giúp “sóng yên bể lặng” thì chỉ 3 tháng sau đó, bức xúc của “cánh lái xe” lại trào lên một lần nữa. Đỉnh điểm là sự việc ngày 2/12 vừa qua, khi một tài xế xe container nhất quyết không chịu trả tiền mua vé qua trạm, gây ra những cự cãi, ẩu đả tại trạm thu phí này.
Tuy nhiên, không chỉ trạm thu phí BOT Cai Lậy mới gặp rắc rối, mà việc này đã và đang xảy ra tại một số trạm thu phí BOT ở nhiều địa phương khác.
Có câu “không có lửa làm sao có khói”. Trước tiên là các trạm thu phí nếu hoạt động minh bạch, thu phí hợp lý thì sẽ không có những lùm xùm như vậy. Theo quy định, các trạm thu phí BOT phải cách nhau tối thiểu 70km. Nhưng trong báo cáo giám sát mới đây của Quốc hội, 79/88 trạm thu phí BOT có khoảng cách dưới 70km (tương đương với 90% số trạm). Cá biệt có thời điểm, những cung đường như Hà Nội - Thái Bình: 4 trạm/100km. Nhiều trạm đặt không đúng vị trí, người dân không đi vẫn phải trả tiền, hay làm đường một nơi lại thu phí một nẻo. Có trường hợp chủ đầu tư dự án BOT cầu Hạc Trì (Phú Thọ) còn đem cả ụ bê-tông ra chặn đường lưu thông của người dân khi không thu phí được. Chưa hết, dư luận còn bức xúc khi biết rằng chủ đầu tư cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo không đúng doanh thu, mức thực thu chênh cao so với con số trên giấy tờ. Việc này cũng xảy ra ở trạm thu phí Tào Xuyên (Thanh Hóa).
Bức xúc của người tham gia giao thông khi phải đi qua các trạm thu phí BOT buộc người ta phải đặt vấn đề: Phải chăng các chủ đầu tư không phải làm đường với mục tiêu phát triển kinh - xã hội mà chỉ nhắm tới mục đích lợi nhuận? Có ý kiến cho rằng, để xảy ra những vụ phản ứng thái quá của người dân thời gian qua tại một số trạm thu phí như Bến Thủy hay Cai Lậy, lỗi ở đây chính là do nhà quản lý đã không vào cuộc kịp thời. Vụ việc xảy ra ở những trạm thu phí BOT, không chỉ ở Cai Lậy, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, vấn đề đáng quan ngại hơn là đã gây ra sự xung đột xã hội một cách rất đáng tiếc.
Cả nước có nhiều các trạm thu phí BOT mà trong số đó, như báo cáo giám sát của Quốc hội, có đến 79 trạm thu phí đặt sai vị trí. Trong số này, đã có không ít trạm bị chỉ rõ việc thu phí sai, thu chênh cao so với con số thực trên giấy tờ. Người ta có quyền đặt câu hỏi: Đó mới chỉ là một vài trạm được phanh phui, còn bao nhiêu trạm thu phí BOT đã và đang thu phí một cách mập mờ, không rõ ràng, thiếu minh bạch? Điều này dường như vẫn là một ẩn số.
Chủ trương xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là đúng đắn để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, chủ trương xây dựng hạ tầng giao thông hiện đại càng đáng được trân trọng. Tuy nhiên, những bất cập xảy ra tại nhiều trạm thu phí BOT thời gian qua khiến các nhà đầu tư e ngại khi muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông cũng như các công trình xây dựng khác. Cùng đó là đã tạo ra những bức xúc xã hội không thể không giải quyết.
Để giải quyết những bất cập của các dự án BOT giao thông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng từng cho biết, Chính phủ sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vận tải từ khâu lập, thẩm định, quyết định đầu tư đến thực hiện đầu tư, khai thác. “Yêu cầu đặt ra là phải tính đúng, tính đủ tổng mức đầu tư của từng dự án để làm cơ sở đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, cơ sở để tính giá phí, bố trí trạm thu phí, thời gian thu phí. Nếu tính đúng, tính đủ thì sẽ có mức giá hợp lý, từ đó đảm bảo được quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người dân”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thời gian 1 tháng được Thủ tướng Chính phủ đặt ra để các bên liên quan giải quyết phức tạp nảy sinh tại trạm thu phí BOT Cai Lậy, cũng cần được xem đây là thời gian để tất cả các trạm thu phí BOT trên phạm vi cả nước cân nhắc, rà soát, xử lý những bất cập nếu có. Bài học BOT Cai Lậy một lần nữa cho thấy việc chủ động có giải pháp để ngăn ngừa xung đột lợi ích là rất cần thiết. Chủ động tìm giải pháp, chủ động giải quyết, không để mâu thuẫn tích tụ, dồn nén dẫn đến hành vi quá khích, ảnh hưởng đến trật tự xã hội là điều hết sức cần thiết. Hy vọng trong thời gian 1 tháng này, “vấn đề BOT giao thông” sẽ được xem xét toàn diện, chi tiết để không còn xảy ra những câu chuyện buồn, như ở BOT Cai Lậy những ngày qua.
Ý kiến trái chiều về các kịch bản giải quyết BOT Cai Lậy Nhiều chuyên gia đề nghị dùng quỹ bảo trì đường bộ chi trả phần nâng cấp quốc lộ 1 và dời trạm BOT vào tuyến ... |
Cú sốc BOT Con đường về quê của tôi bao năm phải đi qua một trạm thu phí BOT “đặt nhầm chỗ”. |
Ba kịch bản giải quyết BOT Cai Lậy của Bộ Giao thông Đưa ra ba phương án giải quyết BOT Cai Lậy, lãnh đạo Bộ Giao thông nhận định việc di dời trạm là không khả thi. |