Với sự nỗ lực của những người “đi tìm lửa”, năm qua, ngành dầu khí đã xuất sắc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, khó khăn của ngành vẫn còn nhiều, một số vỉa, mỏ dầu đang có dấu hiệu cạn kiệt, cạnh tranh ngày càng gia tăng..., đòi hỏi ngành phải nỗ lực hơn nữa mới có thể vượt qua những thách thức, phát triển ổn định trong thời gian tới.
Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đi vào hoạt động.
Năm 2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu. Trong đó, sản lượng khai thác dầu thô trong nước vượt 675 nghìn tấn (đạt 11,31 triệu tấn) so kế hoạch Chính phủ giao, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 626,8 nghìn tỷ đồng, vượt 96 nghìn tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch năm, tăng 26% so năm 2017. Đặc biệt, nộp ngân sách đạt 121,3 nghìn tỷ đồng, vượt 47,5 nghìn tỷ đồng, vượt 64,3% kế hoạch năm, tăng 24% so năm 2017, góp phần quan trọng vào cân đối ngân sách trung ương năm 2018; tổng lợi nhuận sau thuế đạt 47,1 nghìn tỷ đồng, vượt gấp 2,5 lần kế hoạch năm, tăng 23% so năm 2017. Thực hiện cổ phần hóa thành công ba đơn vị thành viên là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) thu về thặng dư 7.500 tỷ đồng cho Nhà nước. Bộ máy cơ quan Tập đoàn được tinh gọn giảm từ 28 xuống còn 16 ban/văn phòng tạo khí thế mới trong toàn bộ hoạt động của Tập đoàn,... Đồng thời, PVN đã tập trung huy động mọi nguồn lực để xử lý năm dự án yếu kém của ngành theo đúng đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đưa sáu dây chuyền của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vào hoạt động trở lại (ba dây chuyền sợi hoạt động từ 20-4 và ba dây chuyền sợi tiếp theo hoạt động từ ngày 1-11-2018). Tiếp tục huy động toàn bộ nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1,...
Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, PVN vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp đã tác động đến công tác tìm kiếm thăm dò và phát triển chung của Tập đoàn. Nguồn vốn thực hiện công tác tìm kiếm thăm dò gặp khó khăn do cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí. Hầu hết các mỏ đều đã khai thác trong thời gian dài và hiện tại đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên và số lượng giếng khoan mới rất ít nên hệ số suy giảm sản lượng hằng năm giảm từ 15 tới hơn 30% tùy theo mỏ. Các đơn vị dịch vụ dầu khí gặp rất nhiều khó khăn do khối lượng công việc và giá dịch vụ giảm sâu trong ba năm vừa qua và thường xuyên ở trong tình trạng thiếu việc làm... Do đó, lãnh đạo PVN đang tập trung đề xuất, kiến nghị Nhà nước và các bộ, ngành liên quan sớm hoàn chỉnh Luật Dầu khí, xem xét tổng thể các luật liên quan để có quy định thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dầu khí phát triển.
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế uy tín, giá dầu có xu hướng tăng ổn định đến năm 2023. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, năng lượng này vẫn tiềm ẩn nhiều biến động khó lường. Ngoài ra, hiệu ứng cách mạng công nghiệp 4.0 tạo động lực các công ty dầu khí phải tái cấu trúc, tối đa hóa lợi nhuận, ứng phó kịp thời và hiệu quả với sự biến động của thị trường. Trong khi đó, cân đối cung cầu xăng dầu của nhiều nước trong giai đoạn đến năm 2035 có khả năng xảy ra tình trạng dư cung, nhất là các nước mà Việt Nam đang nhập khẩu. Trong khi đó, nhiều nhà máy đã hết khấu hao cho nên nguy cơ các nước này sẽ sử dụng biện pháp bảo hộ thương mại “bán phá giá”, kéo theo áp lực cạnh tranh gay gắt hơn giữa giá xăng dầu nhập khẩu và sản phẩm lọc dầu trong nước. Trong năm lĩnh vực sản xuất kinh doanh của PVN, lĩnh vực nào cũng phải đối mặt với những thách thức nhất định. Tuy nhiên, tìm kiếm, thăm dò khai thác (E&P) và chế biến dầu khí là lĩnh vực phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới.
Đề cập tới vấn đề nêu trên, lãnh đạo PVN khẳng định, thời gian tới Tập đoàn sẽ tiếp tục lựa chọn, đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tìm kiếm thăm dò thẩm lượng, bảo đảm gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2019 từ năm đến 10 triệu tấn dầu quy đổi. Ưu tiên tập trung phát triển các dự án: Lô B, Cá Voi Xanh. Đôn đốc, làm việc với các nhà thầu dầu khí thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm hoàn thành kế hoạch tìm kiếm thăm dò dầu khí, kiểm soát chặt chẽ tiến độ phát triển các mỏ, công trình đưa vào khai thác và đạt sản lượng khai thác theo đúng kế hoạch đề ra. Kiểm soát, vận hành an toàn, ổn định các nhà máy, công trình dầu khí,... Đồng thời, bám sát diễn biến giá dầu năm 2019 để có các giải pháp kịp thời ứng phó những biến động của giá dầu từng thời điểm trong năm, trong đó tập trung vào các giải pháp khoa học, công nghệ, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác quản trị rủi ro; tiếp tục củng cố và tăng cường công tác dự báo thị trường để luôn chủ động cân đối hợp lý sản lượng khai thác của từng mỏ so với giá thành. Điều phối hợp lý giữa sản lượng khai thác, xuất khẩu và chế biến để bảo đảm hiệu quả giữa chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước; bảo đảm an ninh năng lượng và hiệu quả của doanh nghiệp,...
Các chuyên gia về lĩnh vực dầu khí cũng có chung quan điểm, cho rằng, PVN cần tăng cường nghiên cứu, lựa chọn, ứng dụng công nghệ mới vào tất cả các lĩnh vực để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để tăng cường thu hút đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí. Nghiên cứu, tái cấu trúc đầu tư phù hợp theo ưu thế, cơ hội, thách thức của từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, PVN cần nâng cao năng lực quản trị nội bộ bằng cách quản trị danh mục đầu tư, xếp hạng danh mục dự án đầu tư của từng lĩnh vực, nâng cao hiệu quả quản trị chi phí, tăng cường quản trị nguồn nhân lực chất lượng cao,... Nhà nước cần dành nguồn lực phù hợp để phát triển ngành dầu khí trở thành một phần quan trọng trong ngành công nghiệp năng lượng. Tạo sân chơi bình đẳng, khuyến khích các thành phần kinh tế khác nhau, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong nước. Tạo hành lang để các doanh nghiệp nhà nước trong ngành dầu khí có thể chủ động, linh hoạt, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài, tư nhân,...
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chủ động thích ứng nhanh với công nghiệp 4.0
Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0) là sự phát triển tất yếu của thế giới, tác động to lớn đến mọi mặt của đời sống tự ... |
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ của năm Kỷ Hợi 2019
Ngày 11/2 tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức buổi gặp mặt Tân niên nhân dịp ngày đi làm ... |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc, chúc mừng năm mới Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Ngày 11/2 tại Hà Nội, đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác đã ... |
Nhu cầu đổi mới sáng tạo ngành Dầu khí
Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ. “Cách mạng” nhưng không phải là sự phế bỏ cái cũ, thay bằng ... |