Chốt hạ phương án mở rộng Tân Sơn Nhất

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo phương án của công ty tư vấn độc lập của Pháp ADPi Engineering (ADP-I)

Quyết định trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 28-3. Với quyết định này, sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) sẽ mở rộng về phía Nam và phía Bắc với công suất 50 triệu hành khách/năm. Tổng vốn khái toán phương án này là khoảng 18.000 tỉ đồng.

Thời gian thi công ngắn, chi phí thấp

Theo ADP-I, phương án này sẽ bảo đảm tiến độ xây dựng các hạng mục công trình thiết yếu gồm hệ thống sân đường khu bay và nhà ga hành khách nhanh nhất có thể. Bởi việc xây dựng hệ thống đường lăn song song, đường lăn nối phần lớn là đất hiện hữu của cảng, vì vậy có thể triển khai được ngay. Bên cạnh đó, có thể phân kỳ đầu tư xây dựng theo tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB). Trong giai đoạn 1, tư vấn đã tính toán, nghiên cứu xây dựng ngay một phần nhà ga hành khách T3 (công suất đạt khoảng 10-15 triệu hành khách/năm) tại khu vực khoảng 16,37 ha đất quân sự đã được Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Giai đoạn 2 sẽ mở rộng nhà ga hành khách (công suất đạt 20 triệu hành khách/năm) và sân đỗ tàu bay phía Nam (106 vị trí đỗ); mở rộng khu nhà ga hàng hóa, khu logistics và các công trình dịch vụ hàng không khác tại khu phía Bắc.

chot ha phuong an mo rong tan son nhat

Nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên quá tải hành khách ngay cả trong ngày thường. Ảnh: A.Q

Về tiến độ triển khai và phân kỳ đầu tư (chưa bao gồm thời gian GPMB), dự kiến giai đoạn 1 sẽ mất thời gian thi công 2-3 năm. Gian đoạn 2, thời gian thi công 1-2 năm khi GPMB xong.

Với phương án này, chi phí xây dựng thấp hơn so với các phương án khác, thuận tiện cho quy trình quản lý điều hành bay, bảo đảm quy trình khai thác kết nối giữa các nhà ga và quy trình cung cấp dịch vụ mặt đất cho các đơn vị. Khi triển khai phương án này, khu bay sẽ được nâng cấp để bảo đảm có thể khai thác với tần suất 57 lượt cất hạ cánh/giờ, tương đương 50 triệu hành khách/năm.

Đặc biệt, phương án này sẽ giảm diện tích đất phải thu hồi, khoảng cách giữa các nhà ga gần hơn cùng với giảm chi phí và thời gian thi công. Còn nếu xây dựng nhà ga có thể phục vụ được 20 triệu hành khách ở phía Bắc thì sẽ tốn gấp đôi với 36.000 tỉ đồng và khu vực nhà ga sẽ bị chia cắt, làm giảm công suất hạ cất cánh. Như vậy, cả TP HCM và ADP-I đều không lựa chọn phương án xây dựng thêm đường băng thứ 3 như dư luận từng nêu trước đây. Về kết nối giao thông, sẽ xây dựng tuyến đường nối nhà ga T3 ra đường Trường Chinh, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, xây dựng đường giao thông kết nối giữa các nhà ga T1, T2, T3.

Phương án tối ưu

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định ADP-I hoàn toàn độc lập và tư vấn trên cơ sở nghiên cứu khoa học. "Phương án trình Thường trực Chính phủ là phương án tối ưu" - Bộ trưởng GTVT khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang khẳng định ủng hộ phương án này và bộ sẽ bàn giao nốt 16 ha còn lại trong 36 ha đất đang quản lý để mở rộng sân bay TSN. Các thành viên Thường trực Chính phủ cũng ủng hộ vì chỉ có phương án nâng công suất của sân bay TSN lên từ 45-50 triệu hành khách chứ không thể là 60-70 triệu hành khách.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá phương án ADP-I đưa ra đã tính toán tất cả khả năng mở rộng sân bay TSN và được thảo luận công khai, minh bạch và cơ bản TP HCM đã đồng ý. Hơn nữa, phương án này bảo đảm hiệu quả toàn diện từ sử dụng vốn, đất đai cũng như kinh tế, kỹ thuật và an ninh, an toàn.

Đặc biệt, căn cứ trên các yêu cầu của Chính phủ đặt ra về việc nâng cấp, mở rộng sân bay TSN, đơn vị tư vấn đã xây dựng được bộ tiêu chí để đánh giá ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, từ đó giúp Thủ tướng có cơ sở để lựa chọn một cách chính xác nhất. Các tiêu chí này bao gồm tuân thủ các quy định về hàng không, tiết kiệm kinh phí đầu tư, thời gian xây dựng nhanh đáp ứng yêu cầu cấp bách giảm ùn tắc tại khu vực sân bay TSN; lưu ý việc kết nối đồng bộ hệ thống giao thông và hạ tầng liên quan trong và ngoài sân bay với các hệ thống chính của TP HCM.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ GTVT chỉ đạo ADP-I phối hợp với tư vấn trong nước để hoàn thiện phương án trên trên cơ sở bảo đảm sử dụng đất tốt nhất cả ở phía Nam và phía Bắc, đồng thời tìm nguồn vốn và hoàn thiện hồ sơ pháp lý để nhanh chóng, quyết liệt khởi công xây dựng nhà ga mới sớm nhất nhằm giảm tải cho sân bay TSN hiện đã vượt 44% công suất quy hoạch đến năm 2020. Thủ tướng cũng giao UBND TP HCM chủ động trong quy hoạch và đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông xung quanh sân bay TSN để tránh xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng hơn sau khi sân bay được mở rộng.

Ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế TSN, cho biết việc sớm mở rộng theo phương án của ADP-I sẽ giúp giải quyết bài toán quá tải của sân bay hiện nay.

TP HCM kiến nghị được hỗ trợ vốn để kết nối với sân bay

Trước đó, theo UBND TP HCM, trong 2 năm 2016 và 2017, tại khu vực sân bay TSN thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt vào các giờ cao điểm, gây bức xúc đối với người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Nguyên nhân có một phần là do chậm trễ trong việc đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông kết nối với sân bay theo đúng quy hoạch.

Với nguồn lực ngân sách đang gặp khó khăn, UBND TP cũng kiến nghị Thủ tướng có cơ chế hỗ trợ TP nguồn vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật kết nối với sân bay TSN nhằm giảm áp lực cho ngân sách của TP.

chot ha phuong an mo rong tan son nhat Thủ tướng quyết phương án mở rộng Tân Sơn Nhất về phía nam

Nhà ga mới công suất 20 triệu khách sẽ được xây dựng cùng phía với nhà ga hiện hữu của sân bay Tân Sơn Nhất, ...

chot ha phuong an mo rong tan son nhat Phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất được đề xuất xây đường trên cao

Đường trên cao số 1 được đề xuất kéo dài đến phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất, tại đường Quang Trung (quận Gò Vấp), ...

THẾ DŨNG - PHAN ANH - THÁI PHƯƠNG

/ https://nld.com.vn