- Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, trong điều kiện hiện nay, luật Phòng chống tham nhũng “tiếp lửa” cho “lò” nhưng về lâu dài không phải luật này “tạo củi để đốt lò” mà hướng đến “không có củi”.
Tại hội thảo về mở rộng phạm vi luật phòng chống tham nhũng bao gồm khu vực ngoài quốc doanh diễn ra hôm qua ở Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 rất quan trọng.
“Tuy nhiên cũng phải khẳng định, luật Phòng chống tham nhũng không phải cây gậy thần để phòng chống tham nhũng như nhiều người hy vọng cứ luật ra đời thì công tác phòng chống tham nhũng tự nhiên thành công”, ông nhấn mạnh.
|
|
Phó chủ nhiệm UB Tư pháp của QH Nguyễn Mạnh Cường |
Để chống tham nhũng, phải có các luật khác đồng hành, chẳng hạn luật Phòng chống lãng phí.
“Lãng phí là anh em với tham nhũng, nhiều khi để tham nhũng được, người ta sẵn sàng lãng phí rất nhiều lần. Xây dựng một công trình nhiều khi chẳng để làm gì mà chỉ để tham nhũng ít tiền”, ông Cường nêu.
Nói lương đủ sống thì không tham nhũng là không đúng
Phó chủ nhiệm UB Tư pháp cho biết, luật lần này được xây dựng hướng đến 3 mục đích: không cần, không thể, không dám tham nhũng.
Không thể tham nhũng là nói về thể chế phải chặt chẽ; không dám tham nhũng là nói về việc trừng trị tham nhũng một cách nghiêm minh; không cần tham nhũng là nói về cơ chế chính sách liên quan tới tiền lương cho cán bộ công chức phải tự sống bằng lương của mình...
Trong điều kiện hiện nay, khi việc phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng thì luật Phòng chống tham nhũng “tiếp lửa” cho “lò” phòng chống tham nhũng nhưng về lâu dài không phải luật này “tạo củi để đốt lò” mà hướng đến “không có củi”. Nghĩa là phải tạo ra các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ.
“Mục đích sâu xa, lâu dài của luật là hướng đến phòng ngừa là chính”, ông Cường nói.
Liên quan các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong hoạt động kinh doanh khu vực công, ông nhấn mạnh việc thực hiện quy tắc ứng xử của người giữ chức vụ quản lý trong DN, trong đó có kiểm soát xung đột lợi ích.
Cụ thể như quy định người giữ chức danh, chức vụ trong DN nhà nước không được ký các hợp đồng với các DN của người thân.
“Đây chính là quy định chống DN sân sau”, ông Cường cho rằng các biện pháp phòng chống tham nhũng vừa qua chưa đầy đủ, nhất là trong thực trạng hiện nay, công tư đan xen, tình trạng các DN sân sau rất phức tạp.
Hay như quy định không bố trí người thân làm thủ quỹ, kế toán; không được thành lập DN trong lĩnh vực kình quản lý trong thời hạn nhất định; quy định về tặng quà, nhận quà…
“Ví dụ như cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa có những DN hoạt động trong lĩnh vực bà quản lý mà bà Thoa lại có vốn, có cổ phần. Những trường hợp như thế là vi phạm”, ông Cường dẫn chứng.
Bắt người nước ngoài phải kê khai tài sản, thu nhập là không khả thi
Một biện pháp phòng ngừa tham nhũng quan trọng khác được ông Cường nhắc đến là kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong DN.
Thực tế cho thấy đối tượng kê khai rộng nhưng áp dụng chung 1 hình thức kiểm soát, trong khi cơ quan xác minh dàn trải, không độc lập.
Vì vậy luật lần này chia ra loại 2 loại hình kê khai. Đó là kê khai và kiểm soát chặt chẽ những người giữ chức vụ cao, những vị trí có nguy cơ tham nhũng, từ giám đốc sở trở lên. Những người này thuộc diện kiểm soát chặt chẽ thì phải kê khai hàng năm, kê khai khi bổ nhiệm.
Còn những người giữ chức dưới giám đốc sở, hoặc không nắm giữ vị trí dễ phát sinh tham nhũng chỉ kê khai lần đầu và kê khai bổ sung khi thu nhập trong năm phát sinh từ 300 triệu đồng trở lên. Các quy định này cũng được áp dụng tương tự đối với DN nhà nước.
Giải thích lý do không áp dụng kiểm soát tài sản, thu nhập với mọi loại hình DN, ông Cường cho hay, có những DN có người quản lý là người nước ngoài thì rất khó khả thi. Bởi nếu bắt người nước ngoài phải kê khai tài sản thu nhập của họ ở nước của họ, cả con, vợ họ thì không phù hợp với thông lệ quốc tế và cũng không khả thi.