Chống dịch cần quyết liệt nhưng phải khoa học

Ngay sau khi khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều sắc lệnh, có nhiều thư, huấn thị gửi cán bộ và chính quyền các cấp… nhằm xây dựng, củng cố bộ máy nhà nước từ Chính phủ đến mỗi cán bộ phải thực sự là “công bộc của dân”.

Là một nhà cách mạng lão luyện đã bôn ba khắp năm châu bốn bể, tiếp thu nhiều tinh hoa văn minh nhân loại, đặc biệt là các giá trị dân chủ, pháp quyền ở các nước tiên tiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ “căn bệnh” lạm dụng quyền lực của đội ngũ cán bộ trong một Nhà nước mới ra đời. Người chỉ rõ: “Cán bộ ta nhiều người “cúc cung tận tụy”, hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ... Nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể”.

Chống dịch cần quyết liệt nhưng phải khoa học -0

Hình ảnh ùn tắc trên đường phố Hà Nội ngày 6/9/2021 là điều đáng lo ngại trước nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Trong “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ những vấn nạn “Cậy thế”, “Hủ hóa”, “Tư túng”, “Chia rẽ”, “Kiêu ngạo” của một bộ phận cán bộ, đảng viên các cấp từ Trung ương đến địa phương. Họ ra sức tác oai, tác quái, lạm dụng quyền lực làm khổ dân, hành dân để ra oai và tư lợi. Sau khi chỉ rõ những căn bệnh đó, Người nhấn mạnh: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ, từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành từ tháng 5/2021 đến nay, làm hơn 14.000 người tử vong, nhiều mặt đời sống, kinh tế, xã hội đình đốn, thì những huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng là mệnh lệnh cấp bách của cuộc sống lúc này.

Với sự công bằng và khách quan, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống đại dịch, cũng có không ít bất cập, thiếu sót. Đặc biệt, trong đợt thứ 4 dịch bùng phát, công tác triển khai chống dịch ở một số địa phương còn thiếu sự nhất quán, thiếu khoa học. Nhiều thủ tục, quyết định được ban hành, nhìn bề ngoài tưởng là quyết liệt, sẽ đem lại hiệu quả, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nhưng thực tế dịch càng lan nhanh, lan rộng. Có nơi, có lúc, thay vì phải phân tán lực lượng thì co cụm lại để dịch có cơ hội tấn công trên diện rộng cộng đồng dân cư.

Thời sự và suy ngẫm: Mệnh lệnh cấp bách của cuộc sống lúc này -0

Việc cấp giấy đi đường ở Hà Nội nhận được sự quan tâm của người dân (Ảnh minh họa).

Từ tháng 7/2021, sau gần 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội ở một số điểm nóng dịch, người dân (công nhân, người làm thuê, tiểu thương…) đã cạn kiệt tài chính. Đa phần họ là những người yếu thế, sống trong những khu nhà trọ chật chội, ẩm thấp, ít ánh sáng và không khí lưu thông, là môi trường lí tưởng cho dịch bệnh lây lan. Do vậy, đã có những đoàn người tự phát về quê tránh dịch, vì họ cũng không thể trụ lại thành phố khi tiền ăn đã hết, tiền nhà trọ đã nợ nhiều tháng; trong lúc sự hỗ trợ của chính quyền với một thành phố lớn có hàng triệu người cần cứu trợ là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, do thực hiện một cách cứng nhắc yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó” nên các đoàn hồi hương tự phát nhanh chóng bị ngăn chặn, thay vì được chính quyền tổ chức đưa về quê. Họ buộc phải trụ lại trong những xóm nghèo và rất có thể đó là một nguyên nhân quan trọng khiến dịch lan nhanh hơn.

Đáng tiếc, chỉ có rất ít tỉnh, thành phối hợp đưa người dân hồi hương một cách có tổ chức; một số địa phương thực hiện nhưng không nhất quán, “mở rồi lại đóng”. Và hậu quả là lại tái diễn những đoàn người, nhóm người tự phát hồi hương. Khi họ bị chặn lại ở các cửa ô, tuyến đường huyết mạch, vô hình trung đã không thực hiện nghiêm 5K, người kế người chen lấn, xô đẩy, tạo ra môi trường lí tưởng lây truyền dịch bệnh. Không về quê được bằng xe máy hoặc ô tô, thì người dân đi bộ qua đường ngang, ngõ tắt. Nhiều giờ, nhiều ngày hành hương bằng đôi chân, liệu họ có thể giữ được an toàn phòng dịch? Những điểm người dân ghé lại nghỉ chân, nấu ăn, mua bán… rất có thể làm lây lan dịch bệnh cho người địa phương.

“Giấy đi đường” bản thân nó không có lỗi trong bối cảnh dịch bệnh, song những thủ tục cấp giấy đi đường, công tác kiểm tra, giám sát thiếu khoa học, thiếu tầm nhìn đã góp phần hình thành những điểm ùn tắc ở nhiều nơi, từ TP Hồ Chí Minh đến Hà Nội. Sự thiếu nhất quán, thậm chí “thay đổi xoành xoạch” về quy định giấy đi đường ở Hà Nội đã làm hình thành cảnh xếp hàng chờ xin cấp giấy đi đường, xếp hàng chờ kiểm tra giấy đi đường - là cảnh tượng ám ảnh người dân TP Hồ Chí Minh từ tháng 5/2021 lại tái diễn ở Thủ đô.

Trên đây chỉ là vài ví dụ về những bất cập trong công tác phòng, chống dịch. Không ít những bất cập khác chỉ được bộc lộ, bị phát hiện khi đích thân Thủ tướng trực tiếp đi kiểm tra, kiểm nghiệm công tác phòng, chống dịch và thực tế đời sống người dân một số ngõ hẻm của 2 thành phố lớn nhất nước: người dân điện thoại trước mặt Thủ tướng cho số hotline cứu trợ nhưng không kết nối được, hoặc chuông đổ không có người nghe; ban chỉ đạo chống dịch có nơi không đúng quy định, chưa thể kiện toàn vì thiếu bí thư đảng ủy…

Từ đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều chỉnh, chấn chỉnh kịp thời. Đặc biệt, ngày 8/9/2021, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài, không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.

Cũng trong công văn này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét, có hướng dẫn cụ thể đối với kiến nghị của Hiệp hội vận tải TP Hồ Chí Minh về việc thực hiện xét nghiệm đối với tài xế đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh…

Đây là sự nhất quán trong chỉ đạo, bởi nhiều cuộc họp Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch gần đây, Thủ tướng luôn nhấn mạnh chiến lược vaccine, tiêm nhanh, tiêm đủ; trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong phòng chống dịch; chủ động “nới lỏng” giãn cách khi đủ điều kiện để xã hội sớm trở lại cuộc sống bình thường. Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm: “Trong thời gian giãn cách xã hội mà làm chập chờn thì mất cả hai: Không kiểm soát được dịch mà kinh tế thiệt hại, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng. Giãn cách xã hội phải làm triệt để, trong thời gian ngắn. Phải đón đầu, ngăn chặn dịch bệnh chứ không phải chạy theo dịch bệnh”.

Dịch bệnh rồi sẽ được khống chế, cuộc sống sẽ trở lại bình thường nhưng yêu cầu đặt ra là phải càng sớm càng tốt, càng ít thiệt hại càng tốt.

Hơn lúc nào hết, cấp ủy, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức phải nghĩ ra việc có lợi cho dân và ra sức làm những việc có lợi cho dân; tránh tuyệt đối những việc có hại với dân, hành dân.

Trần Duy Hiển

"Giấy đi đường" ở Hà Nội gây bức xúc vì luẩn quẩn? "Giấy đi đường" ở Hà Nội gây bức xúc vì luẩn quẩn?
Thủ tướng: 10 tỉnh, thành chuẩn bị sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội chống dịch Thủ tướng: 10 tỉnh, thành chuẩn bị sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội chống dịch
/ cand.com.vn