Chọn tương lai trái đất hay cơm áo gạo tiền?

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 4-12 thông qua mạng xã hội Twitter để nói rằng ông cảm thấy "vui mừng vì người bạn (Emmanuel) Macron và đám đông biểu tình ở Paris đã đồng tình với kết luận mà ông đưa ra từ 2 năm trước".

"Thỏa thuận Paris cực kỳ không ổn vì nó nâng giá nhiên liệu ở những quốc gia có trách nhiệm nhưng lại bỏ qua một số quốc gia gây ô nhiễm khủng khiếp nhất" - ông Trump viết, phần nào lý giải việc ông rút khỏi Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất bị phản đối kịch liệt tại nước nhà vì muốn tăng thuế môi trường. Bắt đầu vào ngày 17-11, phong trào "áo ghi-lê vàng" trở thành các cuộc bạo loạn trên khắp Paris và nhiều thành phố khác từ hôm 1-12. Sức ép gia tăng buộc Thủ tướng Edouard Philippe hôm 4-12 thông báo hoãn kế hoạch tăng thuế nhiên liệu trong ít nhất 6 tháng. Tuy nhiên, bước đi này lại bị đám đông biểu tình xem là "quá ít ỏi, quá trễ" và họ có vẻ tiếp tục trút bất mãn lên cá nhân ông Macron.

chon tuong lai trai dat hay com ao gao tien

Một người biểu tình phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu của Tổng thống Emmanuel Macron tại thủ đô Paris. Ảnh: REUTERS

Áp thuế lên những ai thải khí thải nhà kính từ lâu được các nhà kinh tế học xem là "vũ khí đơn lẻ hiệu quả nhất" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những gì xảy ra trong hơn 3 tuần qua ở Pháp chứng minh việc áp dụng không hề dễ và hoàn toàn có thể gây khủng hoảng chính trị, theo báo Washington Post. Tờ báo này kể ra các nhà lãnh đạo Mỹ, Canada, Úc và nhiều quốc gia khác cũng từng bị phản đối dữ dội khi đánh thuế các-bon (thuế đánh vào việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch).

Ông Bruno Cautres, đến từ Viện Nghiên cứu chính trị Paris, cho rằng người dân hầu như xem các chính sách về môi trường là "mang tính trừng phạt" vì kèm theo đó là hàng loạt loại thuế. Còn ông Gregory Mankiw, chuyên gia kinh tế Trường ĐH Harvard (Mỹ), khẳng định các thành viên của Hiệp hội Kinh tế Mỹ (AEA) xem việc tăng thuế năng lượng là một điều đúng đắn nhưng "người dân trung lưu lại không nghĩ vậy".

Các chuyên gia khẳng định trong chừng mực nào đó, triển vọng thành công của thuế các-bon phụ thuộc vào việc điều gì sẽ xảy ra đối với tiền thuế của họ. Dùng tiền đó để giảm thâm hụt - như kế hoạch của Pháp - không được người dân chấp nhận. Ông Paul Bledsoe, cố vấn khí hậu Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, gợi ý: "Phần lớn tiền thu được phải được xử lý sao đó để quay trở lại với các công nhân thu nhập trung bình".

Trên thực tế, thuế các-bon đã được áp dụng ở một số nước tiến bộ về khí hậu, bao gồm Chile, Tây Ban Nha, Ukraine, Ireland... Những nước khác vận dụng chương trình mua bán phát thải các-bon hiệu quả.

chon tuong lai trai dat hay com ao gao tien Sóng ngầm trong lòng nước Pháp

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nhấn mạnh sự tức giận của người dân phải được lắng nghe

Cao Lực

/ https://nld.com.vn