Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth ra lệnh cho các nhà lãnh đạo cấp cao tại Lầu Năm Góc lập kế hoạch cắt giảm 8% ngân sách quốc phòng, mỗi năm trong 5 năm tới.
Đề xuất được cho là sẽ phải đối mặt với những ý kiến phản đối trong nội bộ cũng như ý kiến trái chiều của lưỡng đảng tại Quốc hội.
Cụ thể, theo Washington Post, trong bản ghi nhớ hôm 18/2, ông Hegseth ra lệnh các nhà lãnh đạo cấp cao tại Lầu Năm Góc trước 24/2 phải lập kế hoạch cắt giảm ngân sách quốc phòng, 8% trong mỗi 5 năm. Bản ghi nhớ đưa ra 17 hạng mục miễn trừ, trong đó có: các hoạt động tại biên giới phía nam Mỹ, hiện đại hóa vũ khí hạt nhân, phòng thủ tên lửa, mua sắm tàu ngầm, máy bay không người lái tấn công một chiều và các loại đạn dược khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth.
Ngân sách của Lầu Năm Góc cho năm 2025 là khoảng 850 tỷ USD. Quốc hội Mỹ vốn có sự đồng thuận rộng rãi về việc cần phải chi tiêu nhiều để ngăn chặn các mối đe dọa bên ngoài. Nếu kế hoạch mà ông Hegseth chỉ thị được thông qua, các khoản cắt giảm có thể lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm trong 5 năm tới.
Chỉ thị ngân sách của ông Hegseth theo sau yêu cầu lên danh sách hàng nghìn nhân viên Bộ Quốc phòng đang trong thời gian thử việc để sa thải trong tuần này. Quá trình này do Ủy ban Hiệu suất chính phủ (DOGE), nhóm cắt giảm ngân sách mà ông Elon Musk giám sát.
Kết hợp lại, hai động thái sẽ là một cuộc tấn công dữ dội vào bộ lớn nhất của chính phủ Mỹ, nơi có hơn 900.000 nhân viên dân sự, nhiều người trong số họ là cựu chiến binh. Quá trình thử việc tại Bộ Quốc phòng có thể kéo dài từ một đến ba năm, tùy thuộc vào vị trí và có thể bao gồm những nhân viên đã chuyển từ công việc khác sang.
Lầu Năm Góc cũng giám sát khoảng 1,3 triệu quân nhân đang tại ngũ, gần 800.000 người khác đang ở trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia và Dự bị. Ít nhất hiện tại chính quyền ông Trump đã miễn cho họ khỏi các đợt cắt giảm.
Chỉ thị ông Hegseth đưa ra là một phần mở rộng các chính sách "hòa bình thông qua sức mạnh" của ông Trump, mặc dù đảo ngược thông lệ trước đây của tổng thống Mỹ là mở rộng chi tiêu quân sự. Đảng Cộng hòa, bao gồm cả ông Hegseth, từng dành nhiều năm chỉ trích đảng Dân chủ vì không chi đủ cho quốc phòng.
Ông Hegseth viết trong bản ghi nhớ: "Ngân sách sẽ cung cấp nguồn lực cho lực lượng chiến đấu mà chúng ta cần, chấm dứt các khoản chi tiêu quốc phòng không cần thiết, từ chối bộ máy quan liêu và thúc đẩy cải cách, bao gồm trong kiểm toán".
Lần cắt giảm lớn gần nhất của Lầu Năm Góc là vào năm 2013. Những khoản cắt giảm khi đó trở thành một cuộc khủng hoảng tại bộ này, tác động không nhỏ đối với công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ.
Ngoài ra, danh sách 17 danh mục được miễn trừ cũng đáng chú ý. Danh sách bao gồm các chương trình như “máy bay chiến đấu hợp tác”, nhằm kết hợp máy bay không người lái với những máy bay chở phi công. Bên cạnh đó, bản ghi nhớ cho biết việc chế tạo tàu chiến “có thể thực thi nhiệm vụ” là ưu tiên hàng đầu, mặc dù không nêu rõ loại tàu. Chỉ thị cũng ưu tiên các dự án xây dựng quân sự ở Thái Bình Dương.
Mặc dù danh sách xác nhận “nguồn tài trợ của cơ quan hỗ trợ” cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Bộ Tư lệnh phía Bắc, nhưng không có đánh giá tương tự đối với một số bộ tư lệnh các vùng địa lý lớn khác. Các bộ đó bao gồm Bộ Tư lệnh Châu Âu - đóng vai trò chính trong việc giám sát sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine; Bộ Tư lệnh Trung ương - quản lý các hoạt động trên khắp Trung Đông; và Bộ Tư lệnh Châu Phi - chỉ đạo một lực lượng gồm vài nghìn quân Mỹ trải rộng khắp lục địa này.
Việc danh sách "phớt lờ" Bộ Tư lệnh Châu Âu chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý ở các nước, sau khi ông Hegseth nhiều lần kêu gọi đồng minh NATO làm nhiều hơn nữa để tự duy trì khả năng phòng thủ. Giống như ông Trump, ông cho rằng các nước châu Âu nên chi 5% GDP cho quốc phòng.