Chiêu thổi giá robot phẫu thuật ở Bệnh viện Bạch Mai

Giám đốc công ty công nghệ y tế bị cáo buộc nâng giá robot phẫu thuật sọ não gấp 5 lần khiến bệnh nhân Bệnh viện Bạch Mai trả thêm mỗi ca phẫu thuật hơn 16 triệu đồng.

Đây là chiêu thổi giá robot Rosa của 8 bị can trong vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai được Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) nêu trong kết luận điều tra.

Ông Phạm Đức Tuấn Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Công nghệ y tế BMS, bị cáo buộc giữ vai trò chính, chủ mưu.

Theo cơ quan điều tra, đầu năm 2016, biết bệnh viện thành lập các khoa ngoại chuyên sâu, do mối quan hệ từ trước, bị can Tuấn đến giới thiệu về các hệ thống robot. Tuấn xin gặp Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, để giới thiệu hệ thống robot Rosa dùng trong phẫu thuật sọ não và robot Mako dùng trong phẫu thuật khớp gối. Giá bán đề xuất lần lượt 39 tỷ và 44 tỷ đồng.

Giá này được Tuấn tính trên dự toán giá nhập khoảng 16 tỷ đồng, chi phí đào tạo khoảng 15 tỷ đồng; chi phí rủi ro, lợi nhuận dự kiến khoảng 8 tỷ đồng. Ông Quốc Anh không đồng ý mua song đề nghị Tuấn tham gia đề án đặt máy theo hình thức liên doanh liên kết. Với robot 39 tỷ và 44 tỷ đồng, người đứng đầu Bệnh viện Bạch Mai yêu cầu tìm đơn vị cấp chứng thư thẩm định giá.

Chiêu thổi giá robot phẫu thuật ở Bệnh viện Bạch Mai

Bị can Phạm Đức Tuấn. Ảnh: Cơ quan điều tra cung cấp

Nhà chức trách cáo buộc, để hợp thức thủ tục thẩm định giá, Tuấn liên hệ với Trần Lê Hoàng, thẩm định viên Công ty VFS, để thỏa thuận việc cấp chứng thư thẩm định robot Rosa giá 39 tỷ đồng và robot Mako giá 44 tỷ đồng.

Ngày 20/2/2017, Công ty VFS phát hành Chứng thư thẩm định xác định giá robot Rosa 39 tỷ đồng, trong khi thời điểm này BMS chưa mở tờ khai và hồ sơ nhập khẩu.

Cơ quan điều tra đánh giá chứng thư không đảm bảo giá trị pháp lý vì quá trình ban hành chứng thư, thẩm định viên Lê Trần Hoàng và Tổng giám đốc VFS Phan Minh Dung xác định giá robot Rosa 39 tỷ đồng theo đề nghị của BMS. Việc này là trái quy định tại điều 29 (nguyên tắc hoạt động thẩm định giá) của Luật Giá năm 2012 và điều 30 Quy trình thẩm định giá của Bộ Tài chính.

Sau 3 ngày có chứng thư thẩm định, ngày 23/2/2017, BMS mới mở Tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Nội Bài (Hà Nội) nhập khẩu hệ thống robot Rosa, hãng sản xuất Medtech - Pháp, hàng mới 100%. Nguyên giá máy khoảng 7 tỷ đồng.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai sau đó ký bản hợp đồng lắp đặt hệ thống robot Rosa với BMS với giá được xác định 39 tỷ đồng (100% vốn của BMS); ban hành giá dịch vụ robot Rosa dùng trong phẫu thuật là 36 triệu đồng/ca.

Với giá này, BMS được hưởng khấu hao thiết bị 23,2 triệu đồng (trong đó chi phí lãi vay 4,1 triệu đồng), số còn lại chi cho bệnh viện. "Số tiền BMS được hưởng này không đúng với giá trị thực tế máy. BMS không vay vốn nên việc đưa lãi vay vào cơ cấu giá dịch vụ là sai quy định", kết luận điều tra nêu.

Theo tính toán của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng, giá trị robot Rosa (bao gồm giá vốn nhập khẩu, chi phí, lợi nhuận, thuê) là trên 11 tỷ đồng. Trừ khấu hao thiết bị, cơ quan điều tra xác định mỗi ca phẫu thuật giá khoảng 6,6 triệu đồng. Như vậy, mỗi bệnh nhân "chịu thêm 16,5 triệu đồng tiền chênh lệnh do giá robot bị nâng khống".

Cơ quan điều tra cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ "phê duyệt giá dịch vụ của robot Rosa". Đây là việc làm trái Quy trình của Bệnh viện Bạch Mai, bao gồm: không có yêu cầu thẩm định giá của đơn vị lâm sàng, cận lâm sàng; không có hồ sơ thẩm định giá; không có sự tham gia của Phòng Hành chính quản trị, Phòng Vật tư trang thiết bị y tế...

"Hành vi vi phạm của các bị can tại Bệnh viện Bạch Mai, BMS và VFS đã làm tăng chi phí khám chữa bệnh, khiến người bệnh phải trả chi phí khấu hao máy cao hơn thực tế qua 637 ca đã phẫu thuật. Gây thiệt hại tổng trên 10 tỷ đồng", cơ quan điều tra cáo buộc.

Bệnh viện Bạch Mai hiện mới liên hệ, trả số tiền chênh lệnh nói trên cho 86 người bệnh. Bị can Tuấn nộp 10 tỷ đồng để trả tiền chênh lệnh 16,5 triệu đồng cho 551 ca thu sai.

Chiêu thổi giá robot phẫu thuật ở Bệnh viện Bạch Mai

Robot Rosa phẫu thuật thần kinh trong một lần được sử dụng năm 2017. Ảnh:Bệnh viện Bạch Mai

Với hệ thống robot Mako từ ngày 27/2/2017 đến tháng 4/2019, Bệnh viện Bạch Mai đã phẫu thuật khớp cho 55 ca bệnh nhân, tổng doanh thu gần 2,3 tỷ đồng. Từ tháng 5/2019 đến nay, hệ thống robot Mako đã tạm dừng hoạt động do hãng Stryke rút khỏi thị trường Việt Nam, không tiếp tục hỗ trợ phần mềm, vật tư cho robot vận hành.

"Việc dừng hoạt động của robot Mako là do khách quan. Quá trình liên doanh, liên kết, Công ty BMS đang bị lỗ, chưa được hưởng lợi phần chênh lệch chi phí khấu hao so với giá trị đã đầu tư thiết bị. Do vậy, cơ quan điều tra không xem xét dấu hiệu vi phạm trong việc nâng giá thiết bị đưa vào đề án liên doanh, liên kết với đề án lắp đặt Robot này", kết luận điều tra nêu.

Trong vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) đề nghị truy tố 8 bị can với khung hình phạt tù từ 10 đến 15 năm, theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.

8 bị can gồm: ông Nguyễn Quốc Anh, cựu giám đốc bệnh viện Bạch Mai; Nguyễn Ngọc Hiền, cựu phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Trịnh Thị Thuận, cựu trưởng phòng Tài chính Bệnh viện Bạch Mai; Lý Thị Ngọc Thủy, cựu phó phòng Tài chính Bệnh viện Bạch Mai; Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Công nghệ Y tế BMS; Ngô Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Công ty BMS; Trần Lê Hoàng, thẩm định viên Công ty Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS); Phạm Minh Dung, cựu tổng giám đốc Công ty VFS.

Bộ Công an yêu cầu BV Bạch Mai trả 1,4 tỷ đồng "ăn chặn" cho 86 bệnh nhân Bộ Công an yêu cầu BV Bạch Mai trả 1,4 tỷ đồng "ăn chặn" cho 86 bệnh nhân
Cựu Giám đốc BV Bạch Mai nhận bao nhiêu tiền để tiếp tay "hút máu" bệnh nhân? Cựu Giám đốc BV Bạch Mai nhận bao nhiêu tiền để tiếp tay "hút máu" bệnh nhân?
Đề nghị truy tố nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh Đề nghị truy tố nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh

/ vnexpress.net